Lê Anh Tuấn (*)
(TBKTSG Online) - Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với trận khô hạn nặng nề nhất trong khoảng 100 năm qua. Nước mặn theo thủy triều từ Biển Đông và Biển Tây đang một ngày tiến sâu hơn vào đất liền làm ít nhất 40% diện tích tự nhiên vùng đồng bằng bị xâm nhập mặn.
Diện tích lúa bị thiệt hại ở nhiều địa phương tăng lên rất nhanh. Trong ảnh là một ruộng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh |
Đã có ít nhất 8 tỉnh ở ĐBSCL công bố thiên tai xâm nhập mặn. Nhiều nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang người dân chưa hề quen với hơi mặn của nước biển, nay bắt đầu nhận thấy vị lờ lợ cuả muối trong nguồn nước. Rất nhiều cuộc họp khẩn trương bàn biện pháp giải cứu hạn – mặn. Các phương tiện truyền thông cả nước gần như hằng ngày đã liên tục cập nhật tình hình khô hạn này. Cũng khá nhiều nhà khoa học tìm cách lý giải nguyên nhân của hiện tượng khô nóng bất thường như năm nay, cả lập luận nghiêng về thiên tai lẫn nhân tai, hoặc cả hai.
Một thông tin mới nhất là ngày 14-3 vừa qua, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, cho biết Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mê Kông để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐBSCL. Lượng nước xả theo yêu cầu là nhiều đợt từ tháng 3 đến tháng 6, tháng 8, mỗi đợt kéo dài khoảng 7 ngày với lưu lượng tối thiểu là 2.300 m3/s.
Thông tin ngày 16-3 của phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, do Xinhua dẫn tin, cho biết họ sẽ xả nước từ hồ chứa Nhà máy Thuỷ điện Cảnh Hồng từ ngày 15-3 tới ngày 10-4. Thông tin không nói rõ là Trung Quốc sẽ xả bao nhiêu nước và có phải xả liên tục hay gián đoạn trong khoảng thời gian trên. Thực tế xưa nay, tin tức và số liệu thủy văn từ phía Trung Quốc bao giờ cũng là những con số rời rạc và mơ hồ cho các nước phía hạ nguồn sông Mê Kông như vậy.
Đoạn thượng nguồn sông Mê Kông, theo tên gọi của Trung Quốc là sông Lan Thương (Lancang), đóng góp hằng năm khoảng 21% tổng lượng nước xuống vùng trung và hạ lưu sông Mê Kông, trong đó phân bố xấp xỉ 16% vào mùa mưa và 24,1% vào mùa khô (số liệu của MRC, 2003). Xin lưu ý đến con số 21% này!
Đập nước của nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Jinghon) thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là đập thủy điện gần Lào nhất hiện nay, phía trên đó còn năm đập nước khác trong chuỗi 14 đập thủy điện mà Trung Quốc có kế hoạch phát triển ở vùng này.
Đập Cảnh Hồng cao 108 mét, có chiều dài 705 mét, ngăn sông Lan Thương. Hồ chứa của nhà máy thủy điện này có diện tích mặt thoáng khoảng 510 km2, dung tích hữu dụng để phát điện là 249 triệu mét khối nước. Nhà máy vận hành với chế độ điều tiết theo mùa, nghĩa là nước sẽ được tích chủ yếu vào mùa mưa và sẽ sử dụng dần vào mùa khô trong năm theo một lịch vận hành dựa vào nhu cầu sử dụng điện của Trung Quốc. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa thủy điện ở vùng Vân Nam đang trong tình trạng ít nước do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino hoành hành ở cả khu vực Đông Nam Á và một phần phía Tây Nam Trung Quốc.
Giả sử hồ chứa Cảnh Hồng đang trong tình trạng lý tưởng là đầy nước tối đa với dung tích phát điện là 249 triệu m3 nước, nếu xả theo yêu cầu của Việt nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ. Như vậy chỉ sau hơn một ngày xả nước là hồ hết nước, lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau như yêu cầu xả nước 7 ngày liên tiếp? Lưu lượng đến hồ Cảnh Hồng hiện nay rất ít. Do vậy mong đợi việc xả nước thủy điện từ đập Cảnh Hồng để cứu hạn cho ĐBSCL là rất mong manh.
Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam yều cầu Trung Quốc xả lũ cứu hạn mặn ở ĐBSCL, theo tôi, đây là việc "lợi bất cập hại" vì các lý do sau:
1 - Chắc gì Trung Quốc không lợi dụng yêu cầu này để tuyên truyền theo kiểu là thủy điện của họ đã cứu người dân ĐBSCL và các nước hạ lưu Mê Kông? Nếu Trung Quốc xả nước, chắc chắn là họ xả cầm chừng, cho có lệ, vì họ cũng cần nước để phát điện cho các tháng mùa khô kế tiếp.
Và với hơn 4.000 km từ đó xuống ĐBSCL, chẳng lẽ Thái Lan, Lào, Campuchia không "hớt" trước lượng nước chảy qua lãnh thổ của họ trước khi nước đến được vùng ven biển ĐBSCL? Các vùng trũng, dòng nhánh, khu Biển Hồ, các vùng đất ngập nước rất rộng lớn dọc theo lưu vực sẽ tiếp tục gom các nước còn thừa, dòng chảy đến ĐBSCL còn được bao nhiêu?
2 - Hầu hết các vùng canh tác lúa, hoa màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa một lượng nước ít ỏi như vậy vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa. Nếu như sau thời gian 10-4, Trung Quốc không xả nước tiếp nữa (vì thời gian này trong khu vực hoàn toàn không còn có giọt mưa nào, ít nhất cho đến đầu tháng 5) thì việc khô hạn sẽ lập lại nặng nề hơn.
Ở nhiều nước khác, kể cả những quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc, … khi có hiện tượng khô hạn nặng xảy ra, họ đều chấp nhận sự thiệt hại, không dùng mọi biện pháp tốn kém quá mức để chuyển nước từ những khác đến để cứu hạn hán vì lúc đó hiệu quả kinh tế rất thấp, không có ý nghĩa. Các nước này đều có những quỹ phòng tránh thiên tai và cứu trợ khẩn cấp, các quỹ này thực tế là nguồn thuế đóng góp của người dân từ nhiều năm được mùa, làm nên ăn ra, dùng cho những năm khó khăn, thiên tai.
Trong hoàn cảnh Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, khô hạn và xâm nhập mặn năm nay, dù rất nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội, là một thước đo kinh nghiệm để rà soát lại chính xác những phỏng đoán biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những đánh giá trước đó về những tác động mọi mặt của chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn và phân tích tính hiệu quả của những công trình thủy lợi như thoát lũ ra Biển Tây, ngọt hóa vùng ven biển, công trình đê biển, mở rộng đê bao tăng diện tích lúa ba vụ ở hai hồ chứa nước lũ tự nhiên lớn nhất của vùng châu thổ Cửu Long là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cũng như việc thu hẹp các vùng đất ngập nước quý giá.
Việc suy nghĩ chuyển đổi chủ trương sản xuất lúa, màu hoặc các phương án sản xuất tiêu thụ nhiều nước qua nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn cũng rất cần nghiêm túc xem xét, cả về chính sách, kinh tế - kỹ thuật và điều kiện xã hội cho người dân.
(*) Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/143651
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét