Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

KIẾN NGHỊ XEM LẠI Báo cáo tác động của thủy điện trên sông Mekong (Mekong delta study - MDS)




Ngày 4-3, các chuyên gia dự hội thảo khoa học "Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong" tổ chức tại Đại học Cần Thơ, đã đồng loạt kiến nghị phải xem xét lại Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong (Mekong delta study - MDS).

KIẾN NGHỊ

Đây là dự án cấp quốc gia, trị giá 4,3 triệu đô-la Mỹ, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ trì, thuê đơn vị tư vấn DHI (Đan Mạch) thực hiện trong vòng 30 tháng, đã được nghiệm thu ngày 29-1-2016, đang chờ Chính phủ thông qua.

GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, kiến nghị Bộ TN&MT 5 điểm: "Công bố các báo cáo cuối cùng, chính thức của công ty tư vấn; công bố kết quả nghiệm thu với các tài liệu liên quan (danh sách hội đồng nghiệm thu, các báo cáo phản biện, trả lời của công ty tư vấn…); công bố TOR (điều khoản tham chiếu của hợp đồng) mà Bộ TN&MT đặt hàng cho công ty tư vấn; công bố văn bản hợp đồng đã ký giữa Bộ TN&MT với công ty tư vấn; báo cáo tài chính về dự án MDS". Giáo sư Trân cũng "kiến nghị với Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, yêu cầu Bộ TN&MT giải trình về dự án MDS".

Kết thúc bản báo cáo dài 22 trang chủ đề "Các vấn đề xuyên biên giới do tác động thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong", PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nhấn mạnh: "Kết quả tính toán của MDS phải được kiểm định bằng cách so sánh những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trước đó. Phải tìm ra những điểm phù hợp và những khác biệt, và cần có lý giải về những khác biệt vì báo cáo MDS không thực hiện việc này". Ông Lê Anh Tuấn kiến nghị: "Do tầm quan trọng của ĐBSCL, báo cáo MDS cần có sự đánh giá rộng rãi hơn từ cấp Chính phủ, Quốc hội, các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học am hiểu về châu thổ, các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng". Và: "Ủy ban sông Mekong Việt Nam và Bộ TN&MT cần cầu thị với tất cả phản hồi và góp ý kiến để điều chỉnh báo cáo. Không đi tiếp giai đoạn tới (đề xuất giải pháp tác động) khi những giai đoạn trước đó chưa thông". 

TS Dương Văn Ni, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh lý do phải xem xét lại báo cáo MDS ngay trong mở đầu tham luận của mình: "Việc các nước ở thượng nguồn sông Mekong xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính có thể ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mekong bao gồm ĐBSCL. Nhận thức rõ điều này nên Chính phủ Việt Nam đã đặt hàng cho tổ chức tư vấn quốc tế DHI thực hiện nghiên cứu này, gọi tắt là MDS (Mekong delta study). Vì vậy, một khi kết quả của báo cáo MDS này được Chính phủ Việt Nam thông qua, nó có ý nghĩa khoa học và pháp lý và cũng có ý nghĩa đây là quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam về các đập thủy điện đối với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong và trên thế giới".

Sơ đồ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. 


Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, nêu lý do MDS phải được xem xét lại trước khi trình Chính phủ thông qua: "Chất lượng của nghiên cứu MDS, về khung nghiên cứu, phương pháp và kết quả như hiện nay là chưa đạt độ tin cậy. Báo cáo thiên về đơn giản hóa vấn đề, đánh giá thiếu và thấp các tác động đối với ĐBSCL. MDS chủ yếu dựa vào mô hình máy tính. Bản dự thảo báo cáo cho thấy ở nhiều mảng, MDS thiếu hiểu biết thực tế về ĐBSCL và thiếu dữ liệu đầu vào. Có những phần cho thấy MDS chưa thể hiện sự nỗ lực xứng tầm với một công trình nghiên cứu lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với ĐBSCL".


VÌ SAO?


GS Nguyễn Ngọc Trân cho biết nhiều kết luận của MDS về đánh giá tác động của 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là thiếu thực tế vì được mô hình máy tính mô phỏng. "Kết quả mô phỏng, tức là cho một số liệu đầu vào sẽ có một số liệu đầu ra. Mà từ kết quả đến kết luận, phải đối chiếu với thực tế. Nếu không thì cũng như một bài tập trên máy tính cho sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, chứ không phải là một dự án nhà nước, tiêu tốn 4,3 triệu đô-la Mỹ", ông nhấn mạnh.

Trong hai bản báo cáo dài gần 50 trang, GS Trân còn cho biết MDS chưa tính đến các yếu tố con người, biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở ĐBSCL: "Tác động của các đập thủy điện lên châu thổ Mekong không thể tách rời tác nhân biển và tác nhân con người. Mặt khác, tác động của các đập không chỉ tức thì, trước mắt, mà còn tích lũy theo thời gian, vì vậy không thể tách rời yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng". Về sản xuất nông nghiệp, GS Trân bức xúc: "Tôi cho rằng với cả ba tiêu chí sản lượng, diện tích canh tác và thời vụ, đánh giá của MDS là không đáng tin cậy, kết quả mô phỏng trên máy tính khác rất xa thực tế, cần được đánh giá lại, bởi lẽ các kết quả mô phỏng là phiến diện, ngắn hạn, không tính đến đất tích lũy vì thiếu phù sa và những tác động dây chuyền". 
"Nói cách khác, các kết quả của MDS chỉ là một lát cắt tại thời điểm mô phỏng, trong đó không có tác nhân con người và tác nhân biển", GS Nguyễn Ngọc Trân khái quát.

Nhận xét về MDS, ThS Nguyễn Hữu Thiện, sau khi phân tích, đã đưa ra kết luận cho từng nội dung. Về khung nghiên cứu chung, ông cho là "thiếu sót"; về phù sa và sạt lở: "không logic và thiếu thực tế"; nông sản thì "không toàn diện"; về đa dạng sinh học: "hàm lượng kiến thức sinh thái thấp"; về nông nghiệp: "đơn giản hóa vấn đề, đánh đồng phù sa với phân bón"; về sinh kế: "kết quả chưa đáng tin cậy"; về kinh tế: "thiếu toàn diện, lan truyền sai số". 

Cảnh đắp đê cứu lúa vụ 3 trong mùa lũ năm 2011 ở Châu Phú - An Giang. 


Ví dụ với mảng kinh tế, ông Thiện cho biết: "MDS sử dụng con số của năm 2007 để làm nền tính toán (thí dụ giá cá trắng 35.000 đồng/ký-lô-gam và giá cá đen 18.000 đồng/ký-lô-gam)". Và: "Nhầm lẫn số liệu thủy sản nội địa và thủy sản biển khi cho rằng Kiên Giang đứng đầu về thu nhập từ thủy sản, Bạc Liêu nhì, Cà Mau ba". Ông cũng thắc mắc: "Không hiểu tại sao MDS lại chọn cá lau kiếng là một trong 10 loài có giá trị kinh tế nhất ĐBSCL chịu tác động của đập thủy điện trong khi đó là cá ngoại lai, không có giá trị?". 

Ông Thiện nói "MDS không thấy được đất và nước là hai trụ cột chính của nền kinh tế ĐBSCL nên đã làm đơn giản hóa bức tranh tác động của đập thủy diện đối với ĐBSCL". 

"Vì tất cả lý do trên, kết luận của MDS cho rằng các đập thủy điện sẽ gây tổn thất 2,2% GDP ĐBSCL và 0,3% GDP cả nước (tương đương 85 triệu đô-la Mỹ xuất khẩu gạo) là không đáng tin cậy", ThS. Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

TS Dương Văn Ni cho biết khi chọn khu vực địa lý để nghiên cứu, các tác giả chỉ chọn vùng ngập lụt. Trong khi mặc dù không ngập lụt hàng năm nhưng các vùng khác của ĐBSCL lại có tác động trao đổi vì cùng hệ sinh thái. "Nghiêm trọng hơn là tác giả loại bỏ phần diện tích biển tiếp giáp đất liền, đây là phần hoàn toàn thuộc hệ sinh thái ĐBSCL. Vì hàng năm nước biển xâm nhập đất liền trong mùa nắng và nước sông mang nước ngọt và phù sa ra biển vào mùa khô; ở vùng này sự trao đổi vật chất xảy ra nhiều hơn vùng ngập lụt theo mùa", ông Ni phân tích.

Về việc MDS chọn nhóm loài để đánh giá tác động đối với đa dạng sinh học, theo ông Ni là "chưa chính xác, vì các loài này không đại diện cho sự phong phú của đa dạng sinh học vùng ĐBSCL".

TS Dương Văn Ni nhấn mạnh: "Như vậy việc chọn diện tích để đánh giá tác động này đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả liên quan, trong đó có đa dạng sinh học. Vì diện tích đã chọn nhỏ hơn so với thực tế nên thuật ngữ "hệ sinh thái" trong báo cáo MDS không còn chính xác. Đặc biệt là những tác động trong báo cáo này có giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế". 

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn thì số liệu về phù sa của MDS thấp hơn 10 lần so với số liệu được công bố chính thức của Ủy hội sông Mekong. MDS sử dụng bảng số liệu 8 điểm, khi đưa lên sơ đồ địa hình ĐBSCL lại là 11 điểm và kết quả đầu ra thì... 13 điểm. Ngoài ra, khi đánh giá tác động từ phía Trung Quốc, MDS chỉ xem xét 7 đập thủy điện trong khi Trung Quốc có 14 đập và dự án thủy điện.

Trong kết luận về MDS, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: "Lấy kết quả một mô hình thiếu chuẩn xác để suy ra những hệ quả tiếp theo về sinh cảnh, đa dạng sinh học, thủy sản, nông nghiệp, giao thông thủy… sẽ không tin cậy. Do vậy những đánh giá tiếp về sinh kế, kinh tế xã hội càng khó được chấp nhận". 

Bài đã đăng tại:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=176122

Không có nhận xét nào: