Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc hôm nay 7-3, tại Cần Thơ với các lãnh đạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã yêu cầu các bộ ngành có liên quan và các địa phương khẩn cấp xúc tiến việc xây dựng các công trình chống hạn, mặn ở ĐBSCL do tính chất nguy cấp của tình hình.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó hạn, mặn nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Trong ảnh là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đứng) chỉ đạo tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Trung Chánh
|
Sau khi nghe báo cáo của các lãnh đạo địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNN), Thủ tướng nhận xét rằng tình hình hạn, mặn đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người ngay trong năm nay.
Theo Thủ tướng, với dự báo tình hình khô hạn và xâm nhập mặn còn lấn sâu vào nội đồng với mức độ cao hơn và sẽ kéo dài đến tháng 6-2016 thì trong vụ hè thu 2016 sắp tới, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000 héc ta diện tích sản xuất lúa, tương đương 30% diện tích của vùng này, sẽ không thể xuống giống đúng thời vụ.
“Như vậy, nhiều khả năng sẽ có khoảng 1 triệu hộ nông dân, tương dương 5 triệu người sẽ bị ảnh hưởng do năng suất lúa có nguy cơ giảm”, ông cho biết.
Về nước sinh hoạt, theo ông Dũng, xâm nhập mặn hiện đã ảnh hưởng đến đời sống một số khu vực ở các cửa sông và vùng ven biển các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang và Bạc Liêu với khoảng 155.000 hộ, tương đương khoảng 575.000 người.
Do vậy, ông Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong vùng ĐBSCL, bằng mọi biện pháp, bằng những cách khác nhau tùy vào mỗi địa phương, phải giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt không để người dân phải thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Theo ông Dũng, Chính phủ nhất trí với những giải pháp được các địa phương đưa ra để ứng phó với hạn mặn, chẳng hạn như xây dựng các công trình ngăn mặn ở những nơi thật sự cấp bách; xây dựng các đập tạm ngăn mặn trữ nước ngọt; đầu tư xây dựng các hồ điều tiết nước ngọt phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân; nghiên cứu xây dựng các tuyến ống dẫn nước sạch và đầu tư các túi chứa nước ngọt tạm thời…
Để thực hiện các công việc đã nêu ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan nhanh chóng rà soát những công trình thật sự cấp bách để ưu tiên làm trước trong bối cảnh nguồn kinh phí có hạn nhưng vẫn trên tinh thần sẵn sàng “rót” kinh phí để các địa phương thực hiện.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có biện pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện khoanh nợ đối với những hộ bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn và bố trí vốn vay để nông dân khôi phục sản xuất.
Thiệt hại không ngừng gia tăng
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN, cho biết tính đến nay, tổng diện tích lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn của ĐBSCL là khoảng 139.000 héc ta, tăng khoảng 34.000 héc ta so với số liệu được đơn vị này cập nhật vào giữa tháng 2-2016, nghĩa là tăng 30% chỉ sau ba tuần.
Trong số này, có 86.000 héc ta bị thiệt hại với tỷ lệ 70%, chiếm 62% tổng diện tích bị thiệt hại; 43.000 héc ta bị thiệt hại với tỷ lệ từ 30% đến dưới 70%, chiếm 31%, và 9.800 héc ta bị thiệt hại với tỷ lệ dưới 30%, chiếm 7% tổng diện tích bị thiệt hại.
Tại tỉnh Bến Tre, ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh ủy, cho biết toàn bộ diện tích lúa của địa phương này gần như đã bị mất trắng. “Tất cả các trà lúa của các huyện đều ngả màu đỏ hết rồi (do ảnh hưởng của xâm nhập mặn); cây ăn trái thì đến nay cũng đã có 1.225 héc ta bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại đến nay là khoảng 200 tỉ đồng”, ông Hạo cho biết.
Theo ông Phát, toàn vùng ĐBSCL hiện đã thu hoạch được khoảng 40% trên tổng diện tích lúa đông xuân 2015-2016 đã xuống giống là hơn 1,5 triệu hécta, và dự báo sẽ có thêm khoảng 46.000 héc ta bị thiệt hại trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các địa phương vùng ĐBSCL nên có kế hoạch ứng phó với hạn và xâm nhập mặn một cách dài hạn theo ba bước “phòng, chống, thích ứng” và đề xuất Chính phủ dành nhiều nguồn lực hơn cho khu vực này.
“Các địa phương phải rà soát danh mục dự án đã được phê duyệt và bổ sung ngay các dự án cấp bách, bởi trong hai năm 2016 và 2017 mỗi năm chúng ta chắc chắn sẽ có khoảng 250 triệu đô la Mỹ vốn trong chương trình vốn ODA. Tôi đề nghị Chính phủ ưu tiên cho phép sử dụng cho ĐBSCL, thì hai năm tới sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng”, ông cho biết.
Trong khi đó, để hỗ trợ người dân cũng như ứng phó với hạn và xâm nhập mặn một cách lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ cấp một khoảng kinh phí hơn 10.550 tỉ đồng, trong đó, hỗ trợ khắc phục hậu quả của hạn mặn là hơn 623 tỉ đồng; mua giống, khôi phục sản xuất là 215 tỉ đồng; tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống hạn và xâm nhập mặn như đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương là 650 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Phát, cần bố trí 1.060 tỉ đồng đầu tư một số công trình phòng chống hạn và xâm nhập mặn giai đoạn 2016-2020; bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các dự án có tác động liên vùng giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 8.000 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, bước đầu Thủ tướng đã đồng ý chi 524 tỉ đồng để hỗ trợ cho 39 địa phương trong cả nước bị ảnh hưởng bởi hạn và xâm nhập mặn, trong đó, 9 tỉnh ĐBSCL (đã có báo cáo) là khoảng 140 tỉ đồng (lấy số tròn), tính đến hết tháng 1-2016. Mức chi hỗ trợ căn cứ theo tỷ lệ diện tích lúa bị thiệt hại theo quy định của nhà nước. “Riêng đối với những địa phương chưa báo cáo, sẽ tổng hợp và bố trí hỗ trợ sau”, ông cho biết.
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/143217
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét