Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Chuyện sạt lở và những hố sâu dưới lòng sông


(TBKTSG) - LTS: TBKTSG phỏng vấn ông NGUYỄN HỮU THIỆN - chuyên gia độc lập về sinh thái - về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở bờ sông và cả bờ biển đang hoành hành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp khắc phục.

TBKTSG: Gần đây có vụ sạt lở kinh hoàng ở khu vực sông Vàm Nao (An Giang) và tuần rồi Đồng Tháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở với đoạn bờ sông Tiền ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Ông nhận định gì về những hiện tượng này?

Ông Nguyễn Hữu Thiện

- Ông NGUYỄN HỮU THIỆN: Trong những năm gần đây, sạt lở ở ĐBSCL diễn ra dữ dội trên diện rộng, cả ở bờ sông và bờ biển. Ở phía biển thì hơn một nửa chiều dài bờ biển, tức hơn 300 ki lô mét, đang sạt lở, có nơi bờ biển thụt lùi đến 50 mét trong một năm và trung bình mỗi năm mất năm ki lô mét vuông, tương đương 500 héc ta đất. Trong nội địa, bờ sông cũng sạt lở khắp nơi. Cả ĐBSCL có đến 265 điểm sạt lở. Riêng tỉnh An Giang đã đề xuất di dời 20.000 hộ (khoảng 100.000 người) khỏi 51 điểm sạt lở, tổng chiều dài 162 ki lô mét trong năm năm tới.

Như vậy, vụ sạt lở ở Vàm Nao và Thanh Bình không phải là sự kiện đơn lẻ mà nó nằm trong diễn biến chung về sạt lở ngày càng dữ dội hơn ở ĐBSCL.

Để tìm giải pháp thì việc tìm nguyên nhân gốc rễ là rất quan trọng. Nguyên nhân tại chỗ thì có thể do nền đất yếu, nhà cửa xây sát bờ sông, sóng tàu thuyền, thay đổi dòng chảy, hố sâu. Nhưng nếu ta cứ loay hoay tìm nguyên nhân tại chỗ thì sẽ không thể giải thích được tình trạng sạt lở trên diện rộng trên toàn đồng bằng. Một khi sạt lở diễn ra trên diện rộng, ngày càng tăng thì rõ ràng đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Sự mất cân bằng đó chính là thiếu hụt bùn và cát, do thủy điện chặn và do khai thác cát. Có những biểu hiện tại chỗ tưởng là nguyên nhân nhưng lại chính do sự mất cân bằng hệ thống gây ra.

TBKTSG: Về hai vụ sạt lở lớn mới đây, các cơ quan địa phương nói do mới xuất hiện những hố xoáy còn các nhà khoa học thì nói các hố sâu này đã có từ lâu. Theo ông, thực hư việc này ra sao?

- Những hố sâu này đã có từ lâu và là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mêkông. Các hố sâu này có vai trò sinh thái rất quan trọng. Theo tài liệu của Ủy hội sông Mêkông (MRC), những hố sâu trên sông Mêkông là nơi cư trú quan trọng của khoảng 200 loài cá. Vào mùa kiệt, cá rút xuống các hố sâu này để tìm mồi, tránh nóng. Ở khu vực Vàm Nao, người dân hay bắt được cá hô vài trăm ký là do có những hố sâu này. Nếu sông Mêkông không có những hố sâu này thì làm sao có những con cá tra dầu nặng đến 300 ký, cá hô vài trăm ký, và kể cả cá heo sông.



Những hố sâu này trước nay vẫn ở đó, không gây ra sạt lở, nhưng nay gây ra sạt lở là do mất cân bằng, thiếu phù sa và cát.

Theo Báo cáo kỹ thuật số 31 của MRC, trên sông Mêkông có đến 500 hố sâu. Ở Campuchia, riêng đoạn từ Sambor tới biên giới Lào có 95 hố sâu, có hố sâu đến 80 mét. Ở đoạn phía Nam Lào có hố sâu đến 90,5 mét, rộng 729 héc ta. Phía Đông Phnôm Pênh, có hố dài đến 18,5 ki lô mét. Các hố sâu có thể tích từ 0,029-122 triệu mét khối, phổ biến nhất là 1,55 triệu mét khối.

Ở ĐBSCL, có 23 hố sâu từ 13-44 mét, rộng từ 4-95 héc ta. Tại khu vực Vàm Nao, An Giang và khu vực chợ Bình Thành, (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), đều có những hố sâu tự nhiên có từ lâu.

Các hố sâu thường xuất hiện tại các vị trí như ở nơi đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm tạo hố sâu; bên dưới nơi hợp lưu của hai dòng; nơi dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra làm hai và hợp lại ở bên dưới; và nơi dòng sông bị thắt nút cổ chai ở một bên hoặc hai bên.

Các hố sâu này thay đổi theo mùa, vào đầu mùa lũ, tháng 7-8, thì cát di chuyển vào hố sâu, lấp khoảng 20-30% chiều sâu hố, đến tháng 9-10 trở đi thì dòng sông tự nạo vét lấy lượng này ra khỏi hố và vận chuyển tiếp đi xuống bên dưới.

Nếu ở phía trên, cát đã bị đập thủy điện chặn lại hoặc do khai thác cát quá mức thì lượng cát xuống sẽ giảm. Khi lượng cát từ trên xuống không còn nhiều thì sẽ mất cân bằng. Tháng 7-8 cát không vào hố mà đến tháng 8-9 sông vẫn nạo vét hố thì hố sâu có thể mở rộng, dịch chuyển, ăn vào chân bờ sông, âm thầm tạo “hàm ếch” bên dưới, làm sụp đổ bất ngờ phía trên. Nếu một bên bờ nào đó bờ sông bị lấn nhân tạo thì hố sâu cũng sẽ dịch chuyển sang bờ bên kia.

TBKTSG: Nghĩa là giải pháp lấp hố sâu hay làm bờ kè sau những vụ sạt lở như thường thấy, là chưa ổn, thưa ông?

- Việc lấp các hố sâu này là không thể và cũng không nên. Không thể là vì thể tích rất lớn và do quá trình tự nhiên tạo nên, khó có gì chống lại được. Không nên là vì các hố sâu này có vai trò cân bằng động lực, lấp chỗ này thì dòng sông sẽ tìm chỗ khác để tự cân bằng. Hơn nữa, các hố sâu này có vai trò sinh thái quan trọng của hệ thống sông.
Nếu nơi nào đó lỡ có công trình quan trọng cần phải tuyệt đối bảo vệ thì có thể nghĩ tới lấp hố sâu nếu hố đó nhỏ, nhưng phải hiểu rằng lấp nơi này có nghĩa là sông sẽ “kiếm chuyện” ở nơi khác.

Giải pháp bờ kè ở những nơi có hố sâu là không ổn vì có thể sụp luôn cả bờ kè. Bờ kè tạo ra cảm giác an toàn giả tạo; người dân thấy an toàn xây nhà cửa, công trình, đến khi bờ sông bất ngờ đổ sụp thì thiệt hại sẽ lớn hơn.

TBKTSG: Vậy theo ông, giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng sạt lở ở ĐBSCL là gì?

- Hiện nay lượng phù sa mịn của sông Mêkông chỉ còn 50%, đã giảm từ 160 triệu tấn còn 85 triệu tấn/năm. Khai thác cát cũng diễn ra tràn lan. Sông Tiền, sông Hậu đã mất đi 200 triệu tấn cát, làm lòng sông của hai con sông này sâu thêm trung bình 1,3 mét.

Trong tương lai, khi có thêm 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực thì phù sa mịn được dự báo sẽ giảm 50% một lần nữa, tức còn một phần tư lượng cũ và cát di chuyển ở đáy sông sẽ bị chặn 100%. Khi đó sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL sẽ diễn ra dữ dội hơn, khó có biện pháp nào ở tại chỗ có thể ngăn chặn được.

Theo tôi, tình trạng khai thác cát tràn lan tại ĐBSCL cần phải được kiểm soát, kể cả khai thác trái phép và có phép.


Khai thác cát có tác động rất xa, có thể đến hàng trăm ki lô mét, vì khai thác cát tạo ra những hố sâu nhân tạo mà cát năm sau không thể vượt qua đi tiếp xuống bên dưới. Khác với những hố sâu tự nhiên, nơi có động lực nước để nạo vét cát và chuyển đi tiếp, các hố sâu nhân tạo này sẽ “bắt giữ” cát năm sau đi ngang. Không thể nói là nơi nào không có khai thác cát thì sạt lở không phải do khai thác cát gây ra.

Việc khai thác cát có thể gây sạt lở cho các tỉnh hạ lưu và sạt lở bờ biển vì cát không ra được bờ biển. Tình trạng mỗi tỉnh mỗi cấp phép khai thác cát ở đoạn sông chảy qua tỉnh mình mà không biết chuyện tác động đến tỉnh khác và bờ biển là rất không ổn. Các công trình lớn như các cầu Cần Thơ, Vàm Cống, Mỹ Thuận, Cao Lãnh rất có thể bị đe dọa dù các điểm khai thác cát ở rất xa.

Trước mắt, để tránh thiệt hại tài sản và tính mạng người dân, cần khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao để cảnh báo, ngăn chặn việc xây dựng nhà cửa, công trình và chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm.

Cần giải bài toán quy hoạch khai thác cát tổng thể trên toàn hệ thống sông để tránh sạt lở bờ sông, bờ biển và gìn giữ cho nhu cầu xây dựng trong tương lai với đầu bài cho trước rằng trong tương lai khi các đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mêkông xây dựng xong thì sẽ không còn cát, sỏi tiếp tục về ĐBSCL.

Ngoài ra, việc khai thác cát trên sông cần phải tính đến lượng cát cần ra bờ biển để duy trì bờ biển. Nếu chỉ tính cho bờ sông mà quên bờ biển thì biển sẽ sạt lở khi thiếu cát.

Huỳnh Kim thực hiện

* Đã đăng tại TBKTSG Online 20-5-2017:



Không có nhận xét nào: