(TBKTSG Online) - Dự án thủy điện Pak Beng của Lào
trên dòng chính sông Mekong đã được các chuyên gia đề nghị tạm dừng và kéo dài
thời gian tham vấn trước khi xây dựng, vì báo cáo kỹ thuật của dự án lạc hậu so
với thực tế và sẽ tác động xấu tới vùng hạ lưu ở đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) của Việt Nam.
Quảng cảnh buổi hội thảo ở Cần Thơ ngày 12-5. Ảnh: Huỳnh Kim |
Chủ trì hội thảo tham vấn về dự án này tại
Cần Thơ hôm nay, 12-5, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
kiêm Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC), đã đồng ý với kiến nghị của
các chuyên gia cần phải kéo dài thời gian tham vấn dự án mà theo kế hoạch sẽ
dừng vào tháng 6 tới.
Ông Hà nhấn mạnh, số liệu báo cáo của dự án
còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt chưa có quan hệ giữa dự án đập Pak Beng với
chuỗi 10 đập khác trên dòng chính sông Mekong ở Lào và các đập ở Trung Quốc
(thượng nguồn), cũng như chưa có đánh giá tác động kép giữa biến đổi khí hậu và
vấn đề xuyên biên giới.
Ông Hà cho biết sẽ báo cáo Ủy hội sông Mekong
quốc tế (MRC) và Chính phủ Việt Nam xem xét tất cả các đề xuất trên nhằm mục
tiêu “bảo đảm quyền lợi chính đáng của 20 triệu dân vùng ĐBSCL và cân bằng lợi
ích của Lào và các quốc gia trong vùng dựa trên những quy định pháp lý về khai
thác nguồn nước sông Mekong”.
Pak Beng nằm ở bắc Lào, cách biên giới Việt
Nam - Campuchia 1.933 km; là công trình thủy điện thứ ba Lào thông báo sẽ xây
dựng trong chuỗi 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong, sau 2 dự án
Xazaburi và Don Shahong đang xây dựng. Pak Beng có công suất 912 MW, 90% lượng
điện sẽ xuất sang Thái Lan. Chủ đầu tư là Công ty Datang (Trung Quốc).
Hiện nay, tuy chưa kết thúc quy trình tham
vấn bắt buộc trước khi xây dựng theo quy định của Hiệp định Mekong 1995 của MRC
nhưng từ năm 2015, công ty Datang và phía Lào đã xây dựng các công trình
cầu đường, bãi tập kết vật liệu, nhà xưởng ở khu vực xây đập.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá kỹ thuật
dự án này do nhóm chuyên gia quốc tế của Ban Thư ký MRC và của nhóm chuyên gia
trong nước thực hiện thì cả bảy lĩnh vực liên quan (gồm thủy văn – thủy lực;
phù sa – bùn cát – hình thái sông; chất lượng nước - sinh thái thủy sinh; thủy
sản; kinh tế - xã hội; giao thông thủy; an toàn đập) đều có nhiều số liệu mắc
phải những lỗi như ông Hà vừa khái quát.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ),
báo cáo kỹ thuật của dự án Pak Beng là do Công ty Kỹ thuật Côn Minh (Trung
Quốc) sử dụng các số liệu nền từ thập niên 1960 - 1970 trong khi 6 đập thủy
điện lớn trên dòng chính Mekong phía Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn đặc
điểm thủy văn – thủy lực đến đoạn trung và hạ lưu sông Mekong. Thuật toán trong
báo cáo chủ yếu là dùng phương pháp ước tính theo tỷ lệ khu vực nên chưa thuyết
phục và không có điều kiện kiểm chứng.
“Tôi đề xuất hoãn lại để có đánh giá khoa học
hơn”, ông Tuấn nói.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ
nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước của Quốc hội số liệu của dự án này, đầu
vào như thế nào thì đầu ra sẽ như thế ấy! “Mọi dự án xây đập thủy điện trên
dòng chính sông Mekong phải có đánh giá tác động môi trường ngắn hạn, trung hạn
và dài hạn. Ngoài ra, để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong, cơ chế vận hành
các đập thủy điện từ Trung Quốc cũng phải được thông tin cho các nước sông
Mekong biết”, ông Trân nhấn mạnh.
GS Trân cũng cho biết ĐBSCL đang bị sạt lở vì
trầm tích phù sa của dòng sông đang sụt giảm do tác động của các đập này, thế
nhưng chưa có tính toán khoa học nào cho 20-30 năm tới ĐBSCL sẽ ra sao nếu
chuỗi đập trên dòng chính sông Mekong được xây xong. Ông còn cảnh báo, đập Pak
Beng nằm trên vùng động đất mạnh. “An toàn đập là rất quan trọng; đập dây
chuyền thì vỡ đập sẽ dây chuyền”, ông nói.
Đồng tình với GS Trân, TS Vũ Ngọc Long (Viện
Sinh thái học), nói: “Trầm tích sông Mekong rất quan trọng với ĐBSCL. Vùng này
sẽ sụt lún nhanh hơn khi không còn phù sa từ dòng chính sông Mekong về như cũ”.
Ông cũng đề xuất nên có nghiên cứu về tác động của thủy điện này gắn với biến
đổi khí hậu xuyên biên giới vì ĐBSCL còn có biển trong khi 20 triệu dân vùng
này sống dựa nhiều vào nguồn cá sông và cá biển.
Chuyên gia sinh thái độc lập, ông Nguyễn Hữu
Thiện, nhắc lại vụ sạt lở lớn mới đây tại sông Vàm Nao (An Giang) và nhấn mạnh
rằng Pak Beng và cả hệ thống 11 đập trên dòng chính sông Mekong sẽ tác động
nhiều nhất tới ĐBSCL về việc giảm phù sa và cát. Ông đề nghị phải kéo dài thời
gian tham vấn dự án Pak Beng để nghiên cứu tiếp.
Từ “bài học” của dự án Pak Beng và các dự án
thủy điện khác, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho rằng, cần phải thay đổi
tư duy từ gốc là thủy điện nay đã không còn là “nguồn năng lượng xanh, sạch; là
cứu cánh của nhân loại” như cách đây nửa thế kỉ. Vì thế giới đang đầu tư mạnh
cho khai thác năng lượng điện từ gió và ánh sáng mặt trời. Thế nhưng mọi cam
kết trong Hiệp định Mekong 1995 của MRC tới giờ vẫn coi thủy điện là tốt hơn.
Ông Ni đề nghị MRC, trước hết phải “lấp được
cái lỗ hổng này” trong các cam kết của mình.
Huỳnh Kim
* Đã
đăng tại TBKTSG 12-5-2017:
* Và tại
báo Saigon Times Daily 15-5-2017:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét