Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Đồng Tháp cam kết thủ tục đơn giản, minh bạch

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) – Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cam kết tiếp tục đơn giản, minh bạch về thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép, miễn giảm thuế để thu hút đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai, bên trái) thăm các gian hàng
trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN
Với chủ đề “Đồng Tháp - tiềm năng của chúng tôi, cơ hội của bạn”, ngày 19-12, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước dự hội nghị đã được Đồng Tháp giới thiệu 33 dự án mời gọi đầu tư ở các lĩnh vực  nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, hạ tầng du lịch, năng lượng tái tạo, giáo dục chất lượng cao, y tế chuyên sâu, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng, khu phức hợp và hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại.

Riêng nông nghiệp, có các dự án như xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp; xây dựng trung tâm bảo quản, phân phối rau quả; xây dựng trung tâm cơ khí, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp; xây dựng nhà máy chế biến trái cây; đưa nông sản vào hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước; chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp.

Cải cách để tăng năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh địa phương cam kết bảo đảm đơn giản, minh bạch về thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi đã chủ động cắt giảm hơn 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; liên thông trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa các cơ quan để doanh nghiệp nộp thuế điện tử và tiến trình cải cách vẫn đang diễn ra. Do đó, mọi thủ tục sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, liên tục trong nhiều năm, Đồng Tháp được xếp vào nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính. “Chúng tôi không chỉ xem doanh nghiệp là người đóng góp ngân sách, giải quyết công ăn việc làm hay hỗ trợ an sinh xã hội cho địa phương, mà giá trị cao nhất của doanh nghiệp chính là tư vấn về kinh tế - xã hội cho chúng tôi. Làm tốt điều này, tôi tin chắc rằng, những bất cập trong xây dựng chính sách sẽ được hạn chế; khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ. Ý tưởng của tất cả chúng ta sẽ cộng hưởng thành sức mạnh để chuyển hoá thành lợi nhuận cho nhà đầu tư và sự tăng trưởng cho Đồng Tháp”.

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế với trường hợp có quyết định đầu tư chỉ còn 16 ngày so với quy định là 35 ngày; trường hợp không có quyết định đầu tư là 10 ngày so với 15 ngày theo quy định. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trong các khu công nghiệp, khu kinh tế rút ngắn từ 15 ngày xuống 9 ngày. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ còn 15 ngày so với 30 ngày theo quy định.

Năm 2017, Đồng Tháp xuất khẩu ước đạt 835 triệu đô la Mỹ, nhập khẩu 388 triệu đô la. Thị trường xuất khẩu gồm châu Á (40%), châu Úc và châu Phi (6%), châu Âu (14%), châu Mỹ (40%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh, bánh phồng tôm, sản phẩm may mặc, giày da, dược phẩm, sản phẩm lọc gió, lọc nhớt, hạt sen, củ ấu và trái cây.

UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế liên thông về tài chính đất đai giữa 3 cơ quan tài nguyên - môi trường, thuế và tài chính để doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Với các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao tại hai thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc, Đồng Tháp miễn tiền thuê đất cho nhà đầu tư; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 10%; miễn 4 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và được hỗ trợ 30%-50% chi phí bồi thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sắp hoàn thành, sẽ giúp Đồng Tháp kết nối được với ĐBSCL và cả lưu vực sông Mê Kông trong mối liên hệ với các trung tâm kinh tế năng động của vùng này. “Chúng tôi cam kết mở cửa tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm", ông Dương nói.

Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khai trương hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Đồng Tháp. Ông ghi nhận sự nỗ lực của Đồng Tháp về môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Địa phương này cũng là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp ba năm nay.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vĩnh Hoàn, nói rằng điều khác biệt lớn nhất của Đồng Tháp là chính quyền luôn biết lắng nghe và cải thiện liên tục, bắt nhịp cùng tốc độ doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp và chính quyền không có khoảng cách; bức xúc của chúng tôi là bức xúc của lãnh đạo tỉnh. "Khi chúng tôi chia sẻ một mối quan ngại về việc tỉnh đã ra quyết định doanh nghiệp đầu tư sử dụng nhiều lao động như nhà máy chúng tôi tại cùng một địa bàn thì bức xúc này lan toả đến lãnh đạo tỉnh. Và sau đó, tỉnh đã có thông điệp đến doanh nghiệp bạn phải cạnh tranh lành mạnh về lao động và có chính sách minh bạch rõ ràng cho người lao động lựa chọn.

Thủ tướng cũng nêu một số quan điểm phát triển cho Đồng Tháp và  vùng ĐBSCL thời gian tới. Thứ nhất, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, minh bạch, chú ý nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, đẩy mạnh nông nghiệp chế biến, thu hút các con sếu đầu đàn đầu tư vào Đồng Tháp. Thứ hai, tiếp tục đặt người dân làm trung tâm trong tái cư cấu nông nghiệp; nhà nước, người dân và doanh nghiệp phải cùng có lợi để phát triển bền vững. Thứ ba, tiếp tục liên kết hiệu quả hơn từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười với các thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc và TPHCM. Thứ tư, cần nâng cấp chất lượng giáo dục đào tạo lên top đầu cả nước trong 10 năm tới. Thứ năm, Đồng Tháp phải liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ mới trong phát triển. Cuối cùng, cần phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. “Làm được những điều này thì nhà đầu tư cũng yên tâm hơn”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị này, đã có 21 dự án được trao quyết định đầu tư và 23 dự án ký ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 24.000 tỉ đồng.

Hiện Đồng Tháp có 4.647 doanh nghiệp hoạt động (có 447 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017, vốn đăng ký 2.698 tỷ đồng), giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Riêng lĩnh vực FDI, tỉnh có 19 dự án với tổng vốn đầu tư 205 triệu đô la Mỹ.

Thủ tướng thăm Hội quán nông dân

* Đã đăng TBKTSG Online 19-12-2017: