Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Để nông dân ĐBSCL không phải “đi Bình Dương”

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Để nông dân 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không phải “đi Bình Dương” (đi kiếm việc làm tại Bình Dương), nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng Nhà nước phải thay đổi chính sách và bà con nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất.

Tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL” tại Cần Thơ ngày 16-1.
 Ảnh: Huỳnh Kim

Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ ngày 16-1, PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh “sự bế tắc của nông dân đồng bằng là chuyện phải 'đi Bình Dương vì thất nghiệp”. Không chỉ vậy, nhiều sinh viên Đại học Cần Thơ sau khi tốt nghiệp cũng không có việc làm.

Trong khi đó, nông dân Nhật Bản không phải tha hương nhờ họ chỉ sản xuất ra “cái người ta cần”, nhiều nông dân bán hàng vào khách sạn thu 2 triệu đô la Mỹ/ha mỗi năm. “Ở nông thôn Nhật, dọc đường có nhiều điểm giới thiệu hàng nông sản của nông dân do chính các nhà doanh nghiệp tổ chức, mình phải học cái này”, ông Dũng nói.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, Nhà nước phải thay đổi từ gốc là chương trình và phương pháp đào tạo nhân lực. “Điểm mấu chốt của đào tạo nhân lực là phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi nền giáo dục hiện tại thì mang tính trói buộc, dạy theo giáo án bắt buộc", ông Xê nói. 

Trong khi đó, ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ đặt vấn đề: “Tại sao nông dân miền Tây phải đi Bình Dương? Là vì nông dân làm một công lúa mất ba tháng, trúng lắm cũng chỉ lãi hơn ba triệu đồng, thua xa một người bán vé số dạo. Nhà nước phải có chính sách quyết liệt để giúp nông dân”.

Để giải quyết vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng trước hết Nhà nước phải thay đổi chính sách về an ninh lương thực, không thâm canh lúa, và chính bà con nông dân cũng phải học hỏi để thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ. “Không có nông dân nào làm ăn cá thể mà giàu được”, ông Xuân nói.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, Chính phủ đã có chủ trương ĐBSCL phải chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” nhưng chuyện này chưa với tới đại đa số nông dân. Ngoài ra, chương trình đào tạo cho nông dân với nội dung chủ yếu là dạy làm nông chưa theo kịp xu thế thay đổi nhanh chóng của thị trường.


 “Cần có không gian cộng đồng để người nông dân đến với nhau. Thông tin, kiến thức được chia sẻ ở đó. Ý tưởng sáng tạo cũng sẽ được thảo luận ở đó cùng với các chuyên gia. Hạ tầng viễn thông cùng với công nghệ thông tin được đầu tư cho các hội quán này, hợp tác xã sẽ kết nối người nông dân với thị trường và thế giới. Họ yên tâm làm ăn tại quê nhà mình. Không phải ngẫu nhiên mà xoài cát Cao Lãnh của Đồng Tháp đang được xuất khẩu mạnh", ông Hoan chia sẻ với TBKTSG Online.

Tại tọa đàm, báo Tuổi Trẻ đã ra mắt chuyên trang “Mekong Xanh” và chương trình “Cùng xây cuộc sống xanh”. Chuyên trang “Mekong xanh” xuất bản thứ Tư hàng tuần, truyền tải các nội dung đa chiều về đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục… của  ĐBSCL.

Chương trình “Cùng xây cuộc sống xanh” tìm kiếm những mô hình chuyển đổi kinh tế trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn trong đời sống người dân vùng ĐBSCL.



 * Đã đăng TBKTSG Online 16-1-2018:

Không có nhận xét nào: