Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
đã và đang được quốc tế tài trợ nhiều dự án liên quan tới phát triển bền vững
thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Xói lở bờ sông gây sạt lở tại Ô Môn (Cần Thơ) vào đầu tháng 5-2018. Ảnh:Lê Hoàng Vũ |
Thông tin này được ban tổ chức hội nghị ASEM
chủ đề “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu phát
triển kinh tế bền vững – định hướng tương lai” tại Cần Thơ trong hai ngày 19 và
20-6, cung cấp cho báo chí.
Theo đó, EU đã tài trợ 3 dự án và chương
trình trị giá 190,9 triệu euro. Đó là dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền
vững tại Việt Nam - SUPA” (2013 -2017), kinh phí 1,9 triệu euro, được
đánh giá đạt kết quả như cam kết. Dự án “Nghiên cứu khoa học về BĐKH và vấn đề
xói mòn bờ biển” trị giá 1 triệu euro được thực hiện tại Quảng Nam, Cà Mau và
Tiền Giang trong hai năm 2016-2017. Tại Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, EU đang
tài trợ 108 triệu euro thực hiện “Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển
năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn,
miền núi và hải đảo”.
Tại Cà Mau, Đức và Úc đã tài trợ vốn ODA trị
giá 68,39 tỉ đồng thực hiện dự án thành phần thuộc “Chương trình bảo vệ tổng
hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH tại các tỉnh ĐBSCL –
ICM/CCCEP”.
Đức cũng tài trợ Cà Mau 1 triệu euro thực
hiện dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm
thiểu phát thải”. Tỉnh Cà Mau cũng đang chuẩn bị triển khai dự án “Kết hợp bảo
vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn” bằng vốn vay của ngân hàng KfW
(Đức) với kinh phí 331 tỉ đồng.
Chính phủ Đức cũng viện trợ không hoàn lại
5,1 triệu euro cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện 2 dự án “Quản lý bền vững hệ sinh
thái vùng ven biển Bạc Liêu” và “Thích ứng với BĐKH thông qua thúc đẩy đa dạng
sinh học”.
Thành phố Cần Thơ cùng hai tỉnh Ninh Bình, Hà
Tĩnh đang được Pháp tài trợ 52,35 triệu euro (có 1 triệu euro không hoàn lại)
để thực hiện dự án “Nâng cao khả năng thích ứng của các địa phương dễ bị tác
động của BĐKH, sự tăng tần suất và cường độ của những hiện tượng khí hậu cực
đoan và nước biển dâng”.
Tỉnh An Giang được Chính phủ Thụy Điển tài
trợ 345.000 euro cho dự án “Nâng cao năng lực và xây dựng đề án định hướng phát
triển mô hình nhà máy đóng phát điện – nhiệt từ trấu ở quy mô kết hợp nhà máy
xay lúa”.
Hỗ trợ ĐBSCL thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH
của Việt Nam”, Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ 40 triệu đô la Mỹ, đặc biệt là cho
tỉnh Bến Tre thực hiện dự án “Thí điểm ngăn nước mặn”. Đan Mạch cũng đã tài trợ
4,3 triệu cua-ron cho 33 điểm thu năng lượng mặt trời cấp điện cho hệ thống cấp
nước nông thôn ở 12/13 tỉnh ĐBSCL.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, trưởng SOM ASEM Việt Nam,
Hội nghị ASEM lần này tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận 4 nội dung
chính: Phát triển trong bối cảnh BĐKH – gắn kết giữa hành động ứng
phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng năng lực
thích ứng BĐKH: thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu
Âu; Hành động ứng phó BĐKH: vai trò và sự tham gia của các bên liên
quan; Định hướng tương lai: thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu
vì phát triển bền vững. Bên lề hội nghị, còn có triển lãm chủ đề
“BĐKH - thách thức và cơ hội cho hợp tác Á – Âu”.
200 đại biểu từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực tham dự
hội nghị. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị và khai
trương triển lãm về BĐKH. Hội nghị do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức.
* Đã đăng TBKTSG Online 18-6-2018:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét