Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

ĐBSCL trước mùa lũ mới

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  30/8/2018, 20:50

(TBKTSG) - Lũ đang lên nhanh ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Chuyện gì sắp xảy ra với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)? TBKTSG phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mêkông, xoay quanh việc này.

TBKTSG: Lũ đang lên nhanh ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Ông thấy điều đáng lo nhất trong mùa lũ năm nay ở ĐBSCL là gì?

Ông Nguyễn Hữu Thiện
- Ông Nguyễn Hữu Thiện: Tình hình lũ năm nay có cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ năm 2017, và đã vượt báo động 1 ở mức 3,5 mét tại Tân Châu (An Giang). Mấy ngày vừa qua lũ có lên nhanh, do trùng với kỳ nước rong ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Trong vài ngày tới, khi qua kỳ nước rong, lũ sẽ còn lên nhưng chậm hơn mấy ngày vừa qua, dự kiến tăng khoảng 10 cen ti mét nữa vào cuối tháng 8 này.

Lũ năm nay có gây thiệt hại một số diện tích lúa tại các xã đầu nguồn ở An Giang và Đồng Tháp. Xin lưu ý là các diện tích bị thiệt hại này nằm ngoài đê bao. Sở dĩ các diện tích nằm ngoài đê bao bị ngập sâu là do hiện nay các cánh đồng ngập lũ rộng lớn như Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã có rất nhiều đê bao khép kín, lũ không vào được nên bên ngoài đê mới ngập sâu như thế.

Lũ cũng đe dọa các vườn cây ăn trái ở các tỉnh vùng giữa ĐBSCL...


TBKTSG: Còn cái được lớn nhất từ mùa lũ này, theo ông là gì?

- Đối với một đồng bằng châu thổ, tức đồng bằng do phù sa bồi đắp mà thành hình, như ĐBSCL của chúng ta, thì lũ là tự nhiên và rất cần thiết. Lũ có gây một số thiệt hại như vừa nói ở một số địa phương, nhưng nếu nhìn tổng thể trên toàn đồng bằng thì có rất nhiều lợi ích.

Thứ nhất, năm nào lũ cao như thế này thì chúng ta có thể yên tâm là qua Tết sẽ ít có khả năng có hạn mặn gay gắt ở vùng ven biển. Bởi vì ranh giới mặn - ngọt vùng ven biển ĐBSCL là sự cân bằng giữa lực sông và lực biển, khi nào sông ít nước thì biển lấn sâu, khi nào sông dồi dào nước thì đẩy mặn ra. Không có hạn mặn thì sang mùa khô không cần phải đóng các cống ngăn mặn ven biển, sông ngòi được thông thoáng, ít tích tụ độc chất, sông ngòi giao lưu sinh thái với biển được thì thủy sản biển và thủy sản nước lợ sẽ phong phú hơn. Đây là lợi ích rất lớn.

Thứ hai, lũ mang về một lượng lớn phù sa trong nước, đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng để bồi dưỡng đất đai, năm sau lúa sẽ trúng mùa hơn, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Phù sa về nhiều cũng sẽ bồi đắp bờ sông, bờ biển, giảm sạt lở.

Thứ ba, những năm lũ lớn như thế này thì dòng nước đủ mạnh để mang cát về dưới đáy sông. Cát năm nay sẽ về nhiều hơn những năm lũ thấp. Cát dồi dào hơn sẽ giảm sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL.

Thứ tư, lũ mang về một lượng lớn nguồn lợi thủy sản. Trong nước lũ có rất nhiều trứng cá và cá con từ phía thượng nguồn trôi về, gặp những cánh đồng ngập lũ thì sẽ tăng trưởng, sinh sôi, nhất là cá trắng như cá linh, cá he, cá mè vinh, cá ba sa. Cá có vai trò quan trọng đối với con người và hệ sinh thái của đồng bằng. Cá là nguồn thu nhập và nguồn dinh dưỡng quan trọng cho người dân nông thôn, nhất là người nghèo, không đất.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng mùa lũ lên nhanh năm nay cũng do tác động của biến đổi khí hậu?

- Tổng lượng nước của sông Mêkông trung bình khoảng 475 tỉ mét khối/năm, trong đó 80% là dòng chảy vào mùa mưa. Nước lũ về ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa từ phía thượng nguồn trong lưu vực Mekong. Trong đó, nước từ phía lãnh thổ Trung Quốc đóng góp khá nhỏ, khoảng 16%, phần thuộc Myanmar đóng góp khoảng 2%, còn lại 82% là lượng mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia và mưa tại chỗ ở ĐBSCL. Lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chiếm 11% tổng lượng nước sông Mekong.

Do đó, những biến động nhất thời về thời tiết và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lượng mưa trong lưu vực thì ảnh hưởng đến mực nước lũ về ĐBSCL.

Ngoài ra, mực nước sông Mekong còn chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các đập thủy điện và các công trình tưới thủy nông ở các nước phía trên. Lưu ý là thủy điện không lấy mất nước mà chỉ tích nước, sau đó xả ra để phát điện và theo đó làm thay đổi thời gian dòng chảy. Đối với những năm lũ vừa thì thủy điện làm giảm đỉnh lũ do tích nước vào hồ chứa và tăng dòng chảy mùa khô do xả ra để phát điện; đối với những năm khô hạn thì thủy điện làm khô hạn trầm trọng hơn do tăng cường tích nước; đối với những năm lũ cao thì thủy điện gây ra tình trạng lũ chồng lũ do xả nước để đảm bảo an toàn đập vào lúc đỉnh lũ.

TBKTSG: Vậy về lâu dài, hai vấn đề lợi - hại này của lũ ĐBSCL cần được nhìn nhận ra sao để có những dự án phát triển ĐBSCL đúng theo hướng “thuận thiên” của Nghị quyết 120/CP?

- Tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ ra những định hướng chiến lược rất tiên tiến cho ĐBSCL, phù hợp với tư duy quốc tế. Trong nhiều định hướng, có hai định hướng nổi bật sau đây.

Thứ nhất, phát triển ĐBSCL theo nguyên tắc thuận thiên là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Có thể nói, đối với một đồng bằng sông nước như ĐBSCL, nơi nền tảng của toàn bộ sự sống và nền kinh tế là đất và nước, thì những quy luật tự nhiên quan trọng cần được hiểu, tôn trọng và tránh can thiệp thô bạo là những quy luật về đất và nước. Can thiệp thô bạo thì trước sau gì cũng phải trả giá đắt, và thực tế chúng ta đang trả giá đắt.

Đối với đất thì phải chú trọng đến sức khỏe của đất, tránh khai thác thâm canh, canh tác liên tục, hút hết dinh dưỡng đất làm đất thoái hóa, mất sức khỏe của đất và tránh đê bao khép kín ngăn không cho phù sa vào để bồi bổ đất đai và nước lũ vào để rửa trôi độc chất.

Đối với nước thì dòng chảy sông ngòi cần thông thoáng, không nên cản trở bởi công trình can thiệp thô bạo làm mất đi chế độ nước lớn, nước ròng mỗi ngày, nước rong nước kém hàng tháng theo chu kỳ âm lịch. Sông ngòi mà không chảy được thì không còn cá sông. Lúc đó sông ngòi chỉ còn các loài cá nước tĩnh như cá lóc, cá rô, cá trê vốn là các loài sống trong ruộng, và các loài cá ngoại lai như cá lau kiếng và cá phi. Khi sông ngòi bị công trình cắt đứt giao lưu với biển thì thủy sản biển và thủy sản nước ngọt suy giảm, và thực tế nguồn lợi thủy sản biển và thủy sản nước lợ lâu nay đã suy giảm. Biển không tự tồn tại về mặt sinh thái nếu không liên thông được với sông ngòi nội địa. Nhiều loài cá biển phải đi vào đi ra cửa sông mới sinh sống được, và nhiều loài nước ngọt cần ra vùng nước lợ để sinh sản. Tôm càng xanh chẳng hạn, cần đi ra vùng nước lợ để sinh sản rồi vào nước ngọt để sinh trưởng. Nếu gặp công trình cản trở thì tôm càng xanh không sinh sản được.

Thứ hai, chuyển tư duy nông nghiệp thuần túy tăng gia sản xuất tập trung vào số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp. Tư duy của chúng ta cho tới giờ này vẫn là tư duy sản xuất thật nhiều cái gì chúng ta có thể sản xuất được, chứ không phải sản xuất cái mà thị trường cần. Cách làm chạy theo số lượng chỉ phù hợp với giai đoạn thiếu đói, vào những năm sau chiến tranh. Bây giờ chúng ta đã “tốt nghiệp” giai đoạn đó rồi. Tăng từ một vụ lên hai, ba vụ thì tăng thu nhập nhưng tới đó đã đụng trần, không thể giàu được. Trong khi đó, thâm canh với đê bao khép kín dẫn đến vô vàn hệ lụy, cạn kiệt đất đai, hủy hoại sông ngòi, chuyển sang dùng nước ngầm gây sụt lún nhanh gấp nhiều lần nước biển dâng. Chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, chúng ta phải chú trọng chất lượng, chế biến để tăng giá trị, tăng việc làm, và hướng tới thị trường cao cấp hơn, đa dạng hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Sản lượng ít hơn nhưng giá trị cao hơn thì mới thịnh vượng được và phục hồi được sức khỏe đất đai, sông ngòi, và con người.

Không có nhận xét nào: