Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả

Trung Chánh
Thứ Năm,  13/9/2018, 11:17

(TBKTSG) - Làm thế nào để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đó là vấn đề đã được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra thảo luận tại cuộc hội thảo về khởi nghiệp, do TBKTSG phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cùng tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 11-9 vừa qua.
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại cuộc hội thảo. Ảnh: Trung Chánh
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ, cho biết trong hai năm qua, nhờ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới ở ĐBSCL đã tăng bình quân 12%. Trong đó, có một số địa phương tăng mạnh như Bến Tre tăng 32%, Hậu Giang 35%.

Theo ông, ĐBSCL có các yếu tố thuận lợi cho việc thúc đẩy quá trình khởi sự kinh doanh như hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu… Cùng với đó là lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường của vùng là cơ hội lớn để khởi sự kinh doanh trong các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ sinh học, giống, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp kỹ thuật cao…

Tuy nhiên, khởi nghiệp là một quá trình đầy gian khó và thách thức, nên đòi hỏi có nhiều thời gian và cần nhiều yếu tố bổ trợ, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ nhà nước thông qua chính sách thích hợp để dẫn dắt, nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới ra đời. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự chung tay góp sức của xã hội, trong đó sự đón nhận của người tiêu dùng trong nước là một trong những yếu tố quyết định.

Nói về vai trò của chính quyền, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, nói rằng việc triển khai Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tại Bến Tre đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức đội ngũ cán bộ, công chức từ quản lý sang phục vụ; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính xuống 30-50% so với quy định. Cũng nhờ kết quả đó mà nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, đã chọn Bến Tre. Trong hai năm qua, tỉnh thu hút 68 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký đạt hơn 22.630 tỉ đồng. Có 1.700 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc ra đời, đạt 67% so mục tiêu năm 2020.

Ông nói: “Người ta hay nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Trong khởi nghiệp cũng thế, để kiến tạo được môi trường khởi nghiệp hiệu quả cho khu vực ĐBSCL, tôi cho rằng cần phải đi cùng nhau, hợp tác để tận dụng thế mạnh của nhau”.

Chính sách tốt cùng sự hỗ trợ và đồng hành của chính quyền địa phương là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định đến thành công là phải xuất phát từ người khởi nghiệp. Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới, cho rằng điều quan trọng nhất là người khởi nghiệp phải có khát khao, khởi nghiệp thực chất, chứ không vì muốn được hưởng chính sách đó mà làm theo phong trào. Ông chia sẻ: “Khi khởi nghiệp tôi đã rút ra được bài học, đó là trước hết phải có đam mê, khát khao, chứ không phải vì một chính sách hay lời kêu gọi mà làm cho vui. Có lúc bản thân muốn nhụt chí nhưng chính khát khao khởi nghiệp đã thôi thúc tôi không thể dừng và sẵn sàng tiến bước”. Ông nói thêm: “Đừng ảo tưởng sản phẩm của mình tuyệt vời hơn người khác. Bởi, với một nền kinh tế thị trường và với công nghệ cao như hiện nay, thách thức vô cùng nghiệt ngã”.

Riêng vấn đề thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những lợi thế của ĐBSCL, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TPHCM, cho rằng để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực này đầu tiên là phải xóa bỏ rào cản về khả năng tiếp cận thị trường, nguồn lực, thông tin và các chi phí không chính thức. Điều này quan trọng vì nó không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động của vườn ươm mà còn tạo thuận lợi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ của họ. Kế đến, phải có chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp; nâng cao vai trò của vườn ươm bằng cách cho tham gia những gói thầu hoặc hỗ trợ tín dụng. Ngân hàng luôn yêu cầu có tài sản thế chấp, cho nên, có thể thế chấp dựa trên hợp đồng cung ứng đối với nhà phân phối hoặc nhà bán lẻ.

Box:

TBKTSG và VCCI Cần Thơ hợp tác hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL
Trong khuôn khổ hội thảo “Để khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thêm hiệu quả”, TBKTSG và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL.

Thỏa thuận này nhằm thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa TBKTSG và VCCI chi nhánh Cần Thơ trong việc hợp tác, đồng hành, hỗ trợ truyền thông, xây dựng và phát triển các chương trình, sự kiện về khởi nghiệp do một bên tổ chức hoặc đồng thực hiện với bên còn lại để tăng cường và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại ĐBSCL.

* Đã đăng TBKTSG Online 13-9-2018:

* Mời xem thêm:
          http://baohoptacphattrien.vn/de-khoi-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long-hieu-qua-nhin-tu-chuong-trinh-dong-khoi-khoi-nghiep.html

Không có nhận xét nào: