Đó là thông tin do ông Lê Thành Công, Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh,
cho biết tại cuộc họp báo tại Cao Lãnh ngày 5-1, nhân việc khai trương “Phiên
chợ nông sản an toàn” và “Chợ ngã tư đèn dầu” với tư vấn của ông Nguyễn Sự, cựu
Bí thư Thành ủy thành phố Hội An.
Ông Lê Thành Công nói với báo giới: “Từ nay Cao Lãnh bắt đầu học làm du lịch
từ kinh nghiệm của Hội An, nhất là du lịch cộng đồng. Hai bên đã ký kết hợp tác
từ năm 2018".
Ông Nguyễn Sự, người gắn bó với thành công của du lịch Hội An, nói: “Hội An
làm được một số việc vì lãnh đạo thành phố biết lắng nghe người dân. Kinh
nghiệm của Hội An là học cả cái trúng và cái trật để tránh”.
Ông chia sẻ, từ góp ý của người dân mà Hội An có Đêm phố cổ thu hút du khách
bằng sản phẩm văn hóa của chính địa phương. Riêng sản phẩm truyền thống lồng
đèn, hồi xưa chỉ bán lẻ tẻ vào mùa Trung thu thì nay hàng vạn người dân đang
xuất khẩu qua nhiều nước, bán hàng qua mạng, nhiều người thành tỉ phú.
Hay như đảo Cù Lao Chàm trước kia là đảo nghèo thì năm 2018 người dân ở đây
đã thu 28 tỉ đồng tiền bán vé du lịch với các dịch vụ homestay; không bán quá
3.000 vé/ngày và đây là nơi hoàn toàn không xái túi ni lông.
Gần đây là các tour bơi thuyền thúng trong rừng dừa ở xã Cẩm Thanh, Hội An
giúp người dân nơi đây thu được 16,5 tỉ đồng tiền vé bán cho du khách trong và
ngoài nước trong năm 2018.
Còn ở khu phố cổ Hội An, lúc đầu tiền in vé tốn 57 triệu đồng/năm trong khi
tiền bán vé là 52 triệu đồng. Đến năm 2018, người dân khu phố cổ đã thu được
gần 300 tỉ đồng tiền vé du lịch.
“Làm du lịch, gắn với văn hóa thì trường tồn, gắn với thực dụng thì chết. Và
xin đừng nóng ruột; phải kiên trì, phải có cái nhìn của ông địa chủ, đừng có
cái nhìn của ông nông dân chỉ có vài sào ruộng. Có đi thì mới có đến”, ông
Nguyễn Sự nói.
Với Cao Lãnh, ông Nguyễn Sự góp ý, cũng như Hội An, nên đi từ đất và người
của mình; đừng để sản phẩm trùng lắp với nhiều nơi khác ở miền Tây, cũng sông
nước, vườn cây ăn trái… Thí dụ, Cao Lãnh có nhà thờ ông Đỗ Công Tường, ngôi nhà
cổ gần 200 năm tuổi (cổ hơn nhà cổ Hội An hơn 100 năm tuổi), nhưng nay vẫn chưa
được nhiều người biết tới.
Hay như ở xã Tân Thuận Đông, nơi có những vườn xoài và thiên nhiên
“đẹp mê hồn” như rừng dừa xã Cẩm Thanh của Hội An, nhưng khách đi qua đôi khi
lại gặp cảnh người dân đang xử lý thuốc cho cây xoài. Như vậy không thể làm du
lịch sinh thái được.
Còn với “làng mê bồ”, nơi có sản phẩm truyền thống độc đáo của người nông
dân Đồng Tháp chuyên nghề đan mê bồ trữ lúa thì nay đã dần mất thị trường. Ông
Nguyễn Sự góp ý: “Sản phẩm cũ không bán được, tại sao chúng ta không chuyển
đổi, làm những sản phẩm mới bán cho du khách cũng từ nguyên liệu tre trúc
này?”.
Theo ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, từ năm 2019,
Cao Lãnh sẽ phát triển du lịch theo hướng kết nối. Du khách trong và ngoài nước
đến với Đồng Tháp sẽ sống với không gian du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề
truyền thống, làng hoa, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam nhà mình”, du lịch
cộng đồng với các hội quán nông dân, làng hoa Sa Đéc, các phiên chợ nông sản an
toàn, khu chợ ẩm thực và nhiều dịch vụ lưu trú khác của thủ phủ vùng đất sen hồng
Đồng Tháp.
Một số nội dung ký kết hợp tác
du lịch giữa Cao Lãnh và Hội An:
-
Hai thành phố thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin; tham gia các sự kiện,
lễ hội về văn hóa, du lịch, thương mại hàng năm tại hai địa phương.
-
Hội An chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội; định hướng bảo
tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống với Cao Lãnh.
-
Tạo điều kiện để doanh nghiệp hai thành phố gắn kết, tìm cơ hội hợp tác, liên
kết trong đầu tư các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế; hỗ trợ trao đổi các sản
phẩm hàng hóa có thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là sản phẩm phục vụ du lịch,
dịch vụ, thương mại.
- Định kỳ tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều
hành về phát triển kinh tế xã hội.
* Đã đăng TBKTSG Online
6-1-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét