Huỳnh
Kim
Thứ Tư, 20/11/2019, 14:15
(TBKTSG
Online) – Phó đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam
mong muốn Trường Đại học Cần Thơ sẽ thành “think tank” (cơ quan tư vấn chính
sách, chiến lược) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại lễ khổi công thực hiện Dự án “Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ” vay ODA của Nhật vào sáng ngày 20-11-2019. Ảnh: Huỳnh Kim |
Phát biểu tại lễ khởi công
xây dựng các công trình thuộc dự án “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ” từ nguồn
vốn vay ODA của Nhật Bản sáng ngày 20-11, ông Murooka Naomichi, Phó đại diện
JICA tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Đại học Cần Thơ nằm ở trung tâm ĐBSCL và
được kỳ vọng như là một "think tank" của ĐBSCL và là cơ sở đào tạo,
nghiên cứu và chuyển giao khoa học xuất sắc. Vì vậy, tăng cường vai trò của
trường cả bằng phương pháp hữu hình lẫn vô hình ngày càng đóng vai trò quan
trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của vùng”.
Theo
ông Murooka Naomichi, ĐBSCL là khu vực quan trọng bậc nhất về nông
nghiệp và thủy sản của Việt Nam. Vùng này cũng đóng vai trò quan trọng trong
việc đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam. Tuy nhiên, có những vấn đề mới
phát sinh, đe dọa đến sự ổn định của nền nông nghiệp và thủy sản, như nước biển
dâng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước.
“JICA sẵn lòng đồng hành
cùng Đại học Cần Thơ trên chặng đường trở thành một "trung tâm xuất
sắc", thông qua việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và hệ thống trang
thiết bị, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu, thực nghiệm và trại
giống. Nhằm liên kết với các cơ sở mới được xây dựng và trang thiết bị mới được
lắp đặt, JICA cũng cung cấp những hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nông
nghiệp, nuôi truồng thủy sản cũng như hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các
trường đại học Nhật Bản”, vị đại diện JICA tại Việt Nam nói.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn,
Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, trường đang tiếp nhận Dự án “Nâng cấp
Trường Đại học Cần Thơ” từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, trị giá
10.456 triệu yen (tương đương 105,9 triệu đô la Mỹ).
Dự án có 5 hợp phần chính,
gồm phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các dự án nghiên cứu; xây dựng cơ sở
vật chất; đầu tư trang thiết bị; và dịch vụ tư vấn. Dự án kéo dài từ tháng
7-2015 đến tháng 12-2022. Hôm nay chính thức khởi công xây dựng 2 công trình trong
khuôn khổ dự án này, là Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và Phòng thí
nghiệm công nghệ cao, sau khi đã hoàn thành các hợp phần về tư vấn và nghiên
cứu.
“Dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ" hoàn thành sẽ góp phần
xây dựng và phát triển Trường Đại học Cần Thơ trở thành đại học xuất sắc, sánh
ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và thế giới, theo tinh thần Kết
luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị”, GS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.
Ra đời cách
nay 53 năm, đến nay Trường Đại học Cần Thơ là trường trọng điểm của cả nước
với 15 khoa, 3 viện nghiên cứu, 19 trung tâm, 15 phòng ban chức năng và 1 công
ty. Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của trường hiện có 1.811 người,
với 11 giáo sư, 130 phó giáo sư, 444 tiến sĩ, 757 thạc sĩ. Trường hiện có 98
ngành và chuyên ngành bậc đại học với 43.217 sinh viên, 48 chuyên ngành bậc thạc
sĩ và 19 chuyên ngành tiến sĩ, với 3.181 học viên. Mỗi năm, trường cung cấp cho
xã hội trên 12.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ; là cái nôi đào tạo nguồn
nhân lực cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL và cả nước.
Đã đăng trên TBKT Sài Gòn Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét