Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Giá trị chuyên nghiệp sau một năm ‘chung tay’ làm du lịch ở Hậu Giang

Thu Thảo
Thứ Năm,  26/3/2020, 11:38

(TBKTSG Online) - Việc hợp tác “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” giữa UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đã mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất giàu tiềm năng về du lịch này.

Khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có

Với 3 biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng; hợp tác phát triển ẩm thực; hợp tác về tư vấn, truyền thông phát triển du lịch sinh thái, tỉnh Hậu Giang đang tìm giải pháp thúc đẩy và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch tỉnh nhà...

Ông Stiermann Martin, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge - một người Đức đang có dự án đầu tư du lịch tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, trong chuyến khảo sát Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, đã đánh giá rất cao giá trị của điểm du lịch này. Theo ông, Lung Ngọc Hoàng hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển loại hình du lịch sinh thái cho khách châu Âu yêu thiên nhiên và phân khúc khách cao cấp. Ông kỳ vọng địa danh này sẽ thành điểm tham quan chính để “kích hoạt” phát triển du lịch địa phương.

Ông Martin đưa đoàn du khách Mỹ đi tour kênh Xáng Xà No. Ảnh: Thu Thảo

“Lung Ngọc Hoàng hội tụ đủ tất cả các yếu tố để phát triển các loại hình du lịch khám phá thiên thiên, theo hình thức khai thác phải tôn trọng tài nguyên sẵn có mà không can thiệp bằng công nghệ. Đặc biệt, giữ nguyên vùng lõi với vẻ đẹp sơ khai, tĩnh lặng. Không bán tua giá rẻ, mà chọn phân khúc cao cấp dành cho khách châu Âu”, ông Stiermann Martin chia sẻ.

Ngoài ra, những chuyến khảo sát thực tế tại các làng nghề truyền thống, vườn trầu, vườn khóm, trang trại chăn nuôi… của ông Martin cùng một số doanh nhân, chuyên gia du lịch  nhằm giúp những nơi này thành các điểm đến xanh, thân thiện với môi trường.

Đó là những làng nghề truyền thống như đan lát ở Hậu Giang từ cây lục bình, xưa nay chỉ dừng lại ở việc thương mại nhỏ lẻ, thì giờ đây dưới cái nhìn các chuyên gia, sẽ là sản phẩm du lịch riêng biệt cho Hậu Giang. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 100 cơ sở đan lát lớn nhỏ vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống, rất phù hợp đưa vào phát triển du lịch cộng đồng.

Trong số những tài nguyên đó, có một “cú huých” lớn cho du lịch Hậu Giang, đó là tuyến kênh Xáng Xà No, có chiều dài hơn 40 cây số đã được đàon khảo sát nghiên cứu đánh giá bài bản.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt khẳng định: “Kênh Xáng Xà No sẽ là một sản phẩm hút khách của du lịch Hậu Giang. Đặc biệt, thiên nhiên ở đây tương đối hoang dã, ít bị con người can thiệp, hay phương thức sản xuất vẫn còn giữ được nhiều nét cổ truyền, như nhà máy xay xát lúa lâu đời ở một tỉnh nông nghiệp như Hậu Giang, nay không còn ở nhiều địa phương khác”

Sau chuyến khảo sát, ông Huê và ông Martin cũng đang cùng ngành du lịch Hậu Giang xúc tiến dự án tư vấn cho bà con nông dân biết cách làm du lịch nông nghiệp.

Giá trị chuyên nghiệp đã thành hình

Một làng gió mới đã thổi vào du lịch nông nghiệp Hậu Giang khi các giá trị tài nguyên du lịch được khơi thông và những đoàn khách quốc tế đầu tiên cũng đã đến với Hậu Giang bằng tour du lịch “xuôi dòng Xà No”.

Có thể kể đến 5 thành viên của gia đình Natan B. Vidra, quốc tịch Mỹ, với những trải nghiệm hết sức thú vị về phong tục, tập quán bên sự thân thiện của người Hậu Giang. Với họ, đây là một kí ức đẹp khi nhớ về du lịch Việt Nam.

Hình đoàn khách Mỹ đầu tiên đến với Hậu Giang chụp hình cùng bà con nông dân tại trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Văn Đua ở huyện Châu Thành A. Ảnh: Thu Thảo

Ông Natan nói: “Chúng tôi đến đây được trải nghiệm đời sống dân dã, như cho dê bú sữa, làm nông dân trong vườn khóm, được tắm nắng… hay được lái xe máy, được tận tay sờ vào các nông sản sạch, làm cho chúng tôi có thêm về kiến thức. Chúng tôi sẽ rủ thêm bạn bè quay lại với Hậu Giang”.

Du lịch nông nghiệp là những điều rất gần gũi với đời sống của bà con nông dân và cũng chính vì vậy mà du lịch nông nghiệp đã bắt đầu manh nha trên mảnh vườn, thửa ruộng của bà con nơi này. Những đôi bàn tay khô ráp, vốn ven với ruộng vườn giờ đã tập tành kinh doanh du lịch qua website. Điều này cũng đồng nghĩa bà con Hậu Giang bắt đầu tiếp thu cái mới để định hướng phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn.

Ông Dương Văn Hùng 60 tuổi ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, một trong những nông dân tiên phong làm du lịch vườn, cho biết: “Nhờ mạng xã hội, tôi đã giới thiệu điểm du lịch nhà mình, rồi cũng từ đó, du lịch mới lan rộng, khách tới nhiều. Nhờ mạng xã hội, tôi cũng đã học được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng vào vườn nhà mình”.

Không chỉ dừng lại ở việc tự học mà những trang web du lịch mang thương hiệu nông dân đã ra đời. Từ sau hội thảo, và các chuyến khảo sát trang trại nuôi dê Ngọc Đào của anh Nguyễn Văn Đua ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đang trở thành địa điểm du lịch trải nghiệm cuối tuần dành cho du khách trong và ngước.  Anh Đua xây dựng trang web riêng, giới thiệu sản phẩm và sinh hoạt của trang trại.

Có thể thấy, giá trị của du lịch không chỉ dừng lại nguồn thu mà còn là động lực để bà con thay đổi tư duy với một nền sản xuất mới, khi hiện nay nhiều địa phương đang hướng tới nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Đây sẽ mở ra cơ hội vàng để người dân Hậu Giang làm giàu từ du lịch nông nghiệp.

Duy trì sự ổn định trong dài hạn

Từ sau hội thảo “Chung ta làm du lịch nông nghiệp”, đến nay, đã có 486.800 lượt khách, trong đó có hơn 24.000 lượt khách quốc tế, đến với Hậu Giang. Cùng với đó, về chất lượng, các dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch, cũng được quan tâm đúng mức. Công tác quảng bá du lịch trên sóng truyền hình nhận được sự phản hồi tích cực của bà con nông dân làm du lịch. Những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, người dân làm du lịch được ngành du lịch lắng nghe và tháo gỡ qua chương trình “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” được phát sóng định kỳ trên sóng truyền hình Hậu Giang.

Hội nghị nhìn lại 1 năm hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” ở Hậu Giang ngày 24-3. Ảnh: Thu Thảo

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức một hội nghị liên quan tới câu chuyện lan tỏa từ Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” nói trên. Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh tại hội nghị rằng, sự kiện hội thảo năm 2019 đã giúp các địa phương đánh giá đúng tiềm năng phát triển du lịch của mình. Thành phố Vị Thanh đã xây dựng và hoàn thiện đề án phát triển du lịch thành phố Vị Thanh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2025-2030.

Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy thành phố Vị Thanh, cho biết hiện nay thành phố đã quy hoạch và đã tiến hành xây dựng khu thương mại – dịch vụ du lịch trong nội ô thành phố, đồng thời xác định vị trí xây dựng bến tàu, bến xe ven kênh xáng Xà No để hỗ trợ du lịch, tạo sản phẩm tăng thêm từ du lịch cho thành phố.

“Hệ thống chính trị thành phố rất quan tâm đến làm du lịch. Thành phố sẽ triển khai từng bước thực hiện. Phải chia thời gian và từng bước triển khai, đặc biệt phải có kinh phí hàng năm thông qua HĐND, để thực hiện. Và phải tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu, du lịch là một ngành “không khói” và là một lĩnh vực phát triển bền vững”, ông Tâm cho hay.


Ngành du lịch Hậu Giang sẽ đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác “Đề án phát triển du lịch trên tuyến kênh Xáng Xà No”. Đồng thời, phải hỗ trợ các địa điểm dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, để góp phần nâng cao chất lượng và hạ tầng dịch vụ, trong đó, ưu tiên lực lượng trẻ tại địa phương. 


Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết: “Chính sách này vừa qua cũng đã được các ngành, đặc biệt là các địa phương, tổ chức thực hiện, quán triệt trong nội bộ và chuyển tải đến các hộ dân, doanh nghiệp. Sẽ có chính sách hỗ trợ về đầu tư phát triển khách sạn, nhà hàng, các sản phẩm đặc trưng và hỗ trợ về về tín dụng cho các điểm du lịch cộng đồng”.

Theo đó, tỉnh Hậu Giang sẽ hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay khi hộ dân, doanh nghiệp vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đây sẽ là trợ lực để bà con xây dựng nên những điểm đến chất lượng.  Mục tiêu 5 năm tới, Hậu Giang phải thu hút 1 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 1.400 tỉ đồng.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: “Để phát huy, khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp to lớn của tỉnh nhà, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cần thay đổi nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo kinh tế thị trường. Không phải cung cấp cho thị trường sản phẩm chúng ta có, mà cung cấp những sản phẩm du lịch thật đặc sắc trong mắt những vị khách quốc tế".

Đã đăng trên: TBKTSG Online

Không có nhận xét nào: