Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Lãnh đạo Hậu Giang ra giải pháp ứng phó 'bão' dịch bệnh và hạn mặn

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Sáu,  27/3/2020, 15:16 

(TBKTSG Online) - Cùng với 12 tỉnh, thành khác ở ĐBSCL, Hậu Giang đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Khô hạn và xâm nhập mặn đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và nhiều diện tích lúa tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Hậu Giang đã đưa ra 6 giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhằm mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân ''sống chung" với hạn mặn, thích nghi, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh chuyện này.

TBKTSG Online: Thưa ông, tuy chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, nhưng tác động của đại dịch này chắc chắn đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống người dân Hậu Giang?

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang được các cấp, ngành ở Hậu Giang chủ động, nghiêm túc và quyết liệt thực hiện. Mặc dù chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ tình hình trên địa bàn nhưng dịch bệnh vẫn gây những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Thứ nhất là ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay có 57 doanh nghiệp (DN) giải thể với tổng vốn 24,1 tỉ đồng và 45 DN tạm ngưng hoạt động với tổng vốn 98,6 tỉ đồng. Hiện nay, tỉnh có trên 160 DN đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có 28,9% DN đánh giá có tình hình sản xuất gặp khó khăn, sản lượng không tăng so với quý trước.

Vì vậy, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình sản xuất công nghiệp ở Hậu Giang có thể giảm hoặc tăng không cao trong các quí tiếp theo so với cùng kỳ.

Thứ hai là công tác xúc tiến đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp nhiều thách thức. Trong tháng 3 Hậu Giang không cấp mới dự án FDI nào. Từ đầu năm đến nay cấp mới 1 dự án FDI với số vốn 115 tỉ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động.

Thứ ba là thương mại, dịch vụ và xây dựng giảm so với cùng kỳ. Ước thực hiện tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 3.076 tỉ đồng, giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Với cả quí 1, tổng mức bán lẻ lĩnh vực này ước đạt 9.930 tỉ đồng, giảm 1,86% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp tháng 3 ước đạt 61,369 triệu đô la Mỹ, giảm 2,3% so với tháng 2 và giảm 6,99 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu được 40,003 triệu đô la, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thực hiện được 1.750,300 tỉ đồng, giảm 9,8% so với quý trước.

Thứ tư là các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao phải tạm hoãn hoặc thay đổi thời gian thực hiện. Các trường học trong tỉnh phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới. Nhiều sự kiện văn hóa thể thao lớn của tỉnh cũng đã phải dời thời gian diễn ra như sự kiện tổ chức gặp gỡ Hàn Quốc - Hậu Giang kết hợp tổ chức Giải quốc tế Mekong Delta Marathon 2020; hoạt động hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hoạt động tổ chức thi đấu môn Vovinam Đại hội thể thao ĐBSCL do Hậu Giang đăng cai.

Thứ năm, về du lịch, trong quí 1, toàn tỉnh ước đón 93.662 lượt khách tham quan du lịch, giảm khoảng 29% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế có 5.329 lượt, giảm 20%, khách nội địa là 88.333 lượt, giảm khoảng 30%.

Tóm lại, trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, dự báo 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang khó đạt 7%, có thể sẽ đạt dưới 6%, trong khi kịch bản tăng trưởng xây dựng là 6,8%.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đang đi kiểm tra việc chuẩn bị đón người vào cách ly dịch Covid-19 tại Trường Quân sự Hậu Giang. Ảnh: Mộng Toàn

Tình hình này được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Vậy UBND tỉnh sẽ triển khai chống dịch Covid-19 ra sao để có thể giảm thiệt hại cao nhất?

- Điều đáng mừng đến thời điểm hiện tại tỉnh Hậu Giang vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Giai đoạn đầu chúng tôi đã triển khai thành công các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chuyển sang giai đoạn quyết liệt hơn, có tính sống còn trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao và quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

UBND tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục chỉ đạo triển khai, giám sát nghiêm tình hình dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tất cả các trường hợp được cách ly tập trung tại tỉnh, các trường hợp từ nước ngoài, từ vùng dịch phải được xét nghiệm 100%, chỉ đạo hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh và cách ly tại nhà; tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo, đài địa phương tăng cường đưa tin, tuyên truyền đến từng hộ dân những kiến thức, biện pháp phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo UBND các huyện, xã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về hạn chế hội họp, tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; đối với người dân khi có các tiệc cưới, hỏi hoặc đám tang… cũng cần vận động để người dân giảm quy mô tổ chức, hạn chế sinh hoạt lễ, hội tập trung đông người.

Tăng cường tổ chức các hình thức hội họp, dạy và học trực tuyến kể cả các lĩnh vực dịch vụ như siêu thị, cung cấp thức ăn, thực phẩm… bằng hình thức trực tuyến hoặc thông qua các mạng xã hội, làm sao giảm tối đa thiệt hại về kinh tế, vừa chống dịch vừa sản xuất, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, trang thiết bị y tế trong chống dịch Covid 19.

Trên tinh thần kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp vào sáng ngày 26-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị nghiêm túc thực hiện ý kiến của Thủ tướng; theo đó tạm dừng tổ chức đại hội chi bộ, đảng bộ các cấp và các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người cho đến khi có thông báo mới; tỉnh cũng đã quyết định hoãn kỳ họp thứ 15 (bất thường) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến diễn ra vào ngày 3-4 tới đây.

Với các cuộc hội, họp thật sự cần thiết phải tổ chức không quá 20 người thì tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan y tế tiến hành kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho các đại biểu dự họp và yêu cầu đại biểu rửa tay theo đúng quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ họp (họp trực tuyến, chỉ đạo qua điện thoại, mạng Internet…), tăng cường công tác truyền thông khuyến khích người dân thực hiện các dịch vụ công, giao dịch trực tuyến.

Với các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị điện máy, điện thoại... cũng phải chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, bên cạnh việc đảm bảo những trang thiết bị, vật tư y tế cơ bản, mới đây tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương và nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo, sửa chữa phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2 và mua sắm thiết bị triển khai phòng xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với số tiền gần 6 tỉ đồng.

Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để phòng xét nghiệm sớm đi vào hoạt động nhằm đảm bảo năng lực xét nghiệm xác định người nhiễm virus SARS-CoV 2 tại tỉnh. Khi đó Hậu Giang sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác xét nghiệm đối tượng nguy cơ (những người có yếu tố dịch tễ hoặc có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19, kể cả nhân viên y tế).

Trong ngày hôm nay, 27-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Hậu Giang tiếp tục họp để chủ động tìm thêm các phương án, giải pháp để phòng, chống dịch bệnh nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Riêng với các doanh nghiệp, Hậu Giang làm gì để giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động cùng lúc với chống dịch và khôi phục hoạt động sau khi dịch đi qua?

- Trước mắt, tỉnh Hậu Giang cùng với các tỉnh thành trong cả nước phối hợp chặt chẽ trong việc phòng chống dịch, nhằm sớm ngăn chặn thành công dịch bệnh này. Còn để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm cơ sở thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì hiện nay Trung ương chưa có hướng dẫn các tiêu chí đánh giá để hỗ trợ. Việc này, khi nào được Trung ương hướng dẫn tỉnh sẽ áp dụng để thực hiện.

Trước tình thế cấp bách hiện nay, tùy thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh, tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhằm mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng thì các cấp, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Các giải pháp cụ thể trước mắt như sau:

Một là, tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho những dự án trọng điểm (cả ở khu vực công, khu vực tư nhân hay các công trình, dự án hợp tác đối tác công tư) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; không để tình trạng có tiền mà không tiêu được và dự án triển khai chậm trễ chỉ vì thủ tục.

Hai là, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm nhanh chóng thuận lợi; linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp… khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.

Ba là, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Bốn, về lĩnh vực tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời thông qua việc đối chiếu, rà soát các tiêu chí theo quy định của ngành về đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi trong trường hợp bị ảnh hưởng.

Năm, về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, hiện nay Bộ Tài chính đã có Công văn số 260/BTC-CST ngày 10-3 về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, tỉnh sẽ triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Sáu, đối với khoản đóng góp Quỹ bảo hiểm xã hội, sẽ tạm dừng các khoản phải nộp bảo hiểm xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, đề xuất cơ quan bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh Mộng Toàn

Còn với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, Hậu Giang là một trong 6 tỉnh bị tác động sớm nhất ĐBSCL. Tỉnh đang có giải pháp gì để giảm thiệt hại và về lâu dài có thể giúp bà con nông dân “sống chung” được với hạn, mặn?

- Giải pháp về vấn đề này, Hậu Giang xin được chia sẻ như sau:

Trên cơ sở quy hoạch về thủy lợi, phòng chống thiên tai và Nghị quyết 120 của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dự kế hoạch, chương trình cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 120 theo hướng “thuận thiên”.

Tập trung tuyên truyền để toàn dân nhận thức rõ công tác phòng, chống thiên tai; triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất vùng, khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai, từ đó giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về thiên tai cho toàn xã hội.

Tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai. Trong dự báo, theo dõi diễn biến mặn, đến nay trên địa bàn tỉnh triển khai 10 trạm đo mặn tự động. Có chính sách hỗ trợ người dân tưới tiêu, tiết kiệm nước.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy tu, sửa chữa, nạo vét các công tình thuỷ lợi đã xuống cấp nhằm ngăn mặn, trữ ngọt; quyết không cho mặn xâm nhập vào nội đồng.

Đặc biệt, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước ngọt với quy mô 50 ha để chủ động giữ nước trong mùa khô, điều tiết trữ nước vào mùa lũ; đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, các vùng lân cận, với hơn 260.000 dân; tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh vùng sông nước.

Khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương, vườn và sử dụng nước tiết kiệm. Chỉ đạo ngành nông nghiệp có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, xuống giống vụ Đông xuân né hạn, mặn phù hợp từ đó giảm thiệt hại về sản xuất của người dân; xây dựng nhiều mô hình sinh kế phù hợp, nhất là các vùng có khả năng mặn xâm nhập cao; xem đây là cơ hội, mô hình để chỉ đạo và từng bước giúp người dân thích nghi, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức vận hành các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý hiệu quả trong công tác phòng chống hạn, mặn; đặc biệt là đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, Ô Môn - Xà No, hệ thống cống Nam Xà No…

Vận dụng thực tiễn kết hợp với nghiên cứu, bổ sung các giải pháp công trình thủy lợi phù hợp với từng vùng của địa phương. Nhằm chủ động trong việc dẫn nước vào đồng ruộng và phục vụ đảm bảo đời sống sản xuất của người dân, tạo ra các vùng đất an toàn đối với xâm nhập mặn, đồng thời chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Riêng với việc truyền thông về hai vấn đề thời sự nóng Covid-19 và hạn mặn, UBND tỉnh Hậu Giang có chủ trương gì mới không, thưa ông?

- Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, xem đây là giải pháp gốc để chung tay góp sức phòng, chống dịch Covid-19 và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Về truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh đang thực hiện rất quyết liệt, có nhiều biên pháp truyền tải thông tin đến người dân, như tài liệu thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; thông qua các báo, đài, tờ rơi, áp phích, băng rôn tuyên truyền của ngành y tế… với thời lượng phát thanh, phát sóng, đưa tin tuyên truyền về các hoạt động và biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày càng tăng.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an, y tế và các cấp chính quyền địa phương, thông qua tổ rà soát, tuyên truyền, cộng tác viên dân số tại ấp, khu vực, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiếp cận từng hộ gia đình, triển khai, hướng dẫn cho người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân, kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và biện pháp cách ly tại gia đình.

Đồng thời, thông qua đó rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8-3 để tổ chức thực hiện việc cách ly theo quy định.

Với phòng chống hạn mặn, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp địa phương có hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn mặn hiệu quả, chủ động ứng phó “hạn, mặn” với phương châm phòng là chính.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn; đồng thời, thông báo tình hình xâm nhập mặn đến mọi người dân trong tỉnh thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên kiểm tra, vận hành hệ thống cống, sẵn sàng đóng cống khi có mặn xâm nhập để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

Không có nhận xét nào: