Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Khi Dược Hậu Giang đi với Taisho

HUỲNH KIM

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), đơn vị đang dẫn đầu ngành dược Việt Nam, khởi sự làm ăn với Tập đoàn Dược phẩm Taisho (Nhật Bản) từ hơn một năm nay với 51% cổ phần thuộc Taisho. Câu chuyện sau đây nói về hướng đi tới của DHG.

Ông Đoàn Đình Duy Khương (trái) tiếp lãnh đạo cao cấp Tập đoàn Taisho. Ảnh: Phương Trang

 

Chuyện cũ

Ông Ðoàn Ðình Duy Khương, 46 tuổi, Tổng Giám đốc điều hành DHG, người có hơn 20 năm gắn bó với chặng đường 46 năm nay của DHG, khẳng định: "46 năm qua là một sự nỗ lực rất lớn. DHG đi từ một doanh nghiệp trong kháng chiến, chỉ phục vụ, thị trường cần gì mình làm cái đó. Và DHG đã hoàn thành nhiệm vụ của mình". Theo ông, lâu nay DHG thiếu thiết bị công nghệ quản trị nên quản lý chủ yếu dựa trên nền tảng tin tưởng, tình cảm nhưng kết quả vẫn mang lại một giá trị rất tốt và đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị đến ngày hôm nay. Nhưng khi đất nước hội nhập, phát triển thì phương pháp quản trị phải thay đổi; quản trị phải dựa trên các nền tảng khoa học. Và mỗi năm, DHG vẫn miệt mài cải tiến để hoàn thiện hơn. "46 năm qua là 46 lần cải tiến thay da đổi thịt. Cải tiến đầu tiên từ nguồn lực sản xuất, từ nền tảng sản xuất máy móc, thiết bị, nâng cấp con người dài dài cho đến bây giờ" - ông Khương nói.

Riêng việc xây dựng thương hiệu, ông Khương kể, lúc đầu vì chưa có thương hiệu, việc buôn bán rất khó nên đành phải bán kèm với các sản phẩm khác để có thể đưa sản phẩm DHG đến với người tiêu dùng. "Ðó là giai đoạn khó nhất, tất cả những con người của DHG phải nỗ lực hết công suất. Nhờ đó sản phẩm DHG dần có mặt ở các điểm bán, cả ở những nhà thuốc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh" - ông Khương chia sẻ.

Sau đó là giai đoạn xây dựng thương hiệu. Khi bắt đầu nền kinh tế thị trường phát triển, DHG mới biết cần phải tổ chức tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. DHG đã lựa chọn tập trung đúng những gì cần giới thiệu và cuối cùng được người tiêu dùng và khách hàng đón nhận sản phẩm. "Phải cải tiến rất nhiều về mẫu mã, bao bì chất lượng sản phẩm theo xu hướng của người dùng. Bản chất thuốc vẫn là thuốc nhưng được cải tiến lại mùi vị, màu sắc, hình thức, đóng gói, chất lượng của nguyên liệu, cân đối lại giá cả sao cho phù hợp, cải tiến hết toàn bộ. Kết quả là đã được người tiêu dùng đón nhận" - ông Khương nhấn mạnh.

Tiếp theo là giai đoạn cổ phần hóa, thay đổi mô hình quản trị để giúp DHG tiếp cận với vốn đầu tư nước ngoài. Ðây là giai đoạn rất quan trọng, giúp DHG sẵn sàng dấn bước trên con đường phát triển kinh tế của Việt Nam thời hội nhập. Nhờ cổ phần hóa, DHG được tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài với sự dẫn dắt, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của họ trong bước đường quản trị. Ông Ðoàn Ðình Duy Khương khẳng định: "Nền tảng quản trị này đã giúp DHG minh bạch, rõ ràng hơn nhờ đi theo các phương pháp quản lý sản xuất, con người, thu nhập, tài chính… minh bạch hóa tất cả".

Nhắc chuyện cũ, ông Khương đã đề cập đến vai trò của Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, nguyên Tổng Giám đốc DHG: "Bà là cánh chim đầu đàn của DHG; đã để lại cho DHG nhiều nguồn lực, nhiều tài sản rất quý để các thế hệ tiếp theo gìn giữ và phát triển. Bà luôn có những bước cải tiến phù hợp với văn hóa và thị trường theo từng năm, từng giai đoạn, từng chiến lược khác nhau làm nền tảng để giúp DHG phát triển. Ðó là một con người tình cảm, gần gũi nhưng giải quyết công việc rất quyết liệt".

Chuyện mới

Tới nay, DHG đã xây dựng được các thương hiệu như Fubenzol về thuốc tẩy giun, Bocalex viên sủi bọt Vitamin, Hapacol hạ sốt đứng đầu thị trường Việt Nam, thương hiệu Klamentin, thương hiệu Naturenz hạ men gan, giải độc gan là một đề tài hợp tác với Viện Công nghệ sinh học Hà Nội, thương hiệu Natto Enzym phòng chống đột quỵ hợp tác với Nhật Bản và các sản phẩm này đều gần gũi và thiết yếu cho đời sống của người dân.

Hiện DHG có 3 nhóm sản phẩm là thuốc về điều trị; thực phẩm chức năng và nhóm dược - mỹ phẩm. Trong đó, có thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc dành cho trẻ em, thuốc kháng sinh và nhóm về Vitamin. DHG đang có 2 nhà máy ở Cần Thơ và Hậu Giang gồm 35 chi nhánh, phủ sóng 26.000 điểm bán hàng trên cả 63 tỉnh, thành với tổng số cán bộ nhân viên hiện có 2.750 người.

Và đến nay, khi Tập đoàn Dược phẩm Nhật Bản Taisho đã có 51% cổ phần tại DHG, Tổng Giám đốc điều hành DHG đã nói rõ về 3 mục tiêu phát triển của DHG trong 20 năm tới: "Thứ nhất, phải hội nhập để có thêm kiến thức, thêm cơ hội, thêm học tập. Thứ hai, phát triển khoa học, vì ngành dược là ngành của khoa học. Taisho sẽ chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm theo xu hướng của thế giới; sẽ có thêm nhiều hệ sản phẩm phục vụ thị trường Việt Nam có giá thuốc phù hợp túi tiền người tiêu dùng với tiêu chuẩn chất lượng cao. Thứ ba, là phát triển bền vững".

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại DHG. Ảnh: Phương Trang

 

Ông Khương khẳng định: "Với các mục tiêu này thì các con số về kinh doanh, về chỉ tiêu tăng trưởng của DHG đương nhiên phải có. Nhưng DHG đặt mục tiêu phục vụ nhiều hơn; phục vụ nhiều sản phẩm chuyển giao công nghệ hơn, phục vụ nhiều loại thuốc mà Việt Nam đỡ phải nhập và phục vụ càng nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn".

Trao đổi về lý do chọn Tập đoàn Taisho, ông Khương kể, DHG đã sẵn sàng hội nhập từ 5 năm trước; đã chào đón, đi tìm các đối tác quốc tế để cùng nhau phát triển. Nhờ DHG là doanh nghiệp đứng đầu ngành dược Việt Nam nhiều năm liền nên có nhiều sự lựa chọn với các đối tác quốc tế. "Nhưng DHG chủ động chọn Nhật Bản, vì Nhật Bản, hay cụ thể là Tập đoàn Dược phẩm Taisho nằm trong top 10 của ngành dược Nhật Bản, đang có hợp tác phát triển toàn diện với Việt Nam. Văn hóa của Nhật Bản nói chung hay văn hóa của doanh nghiệp, của Tập đoàn Taisho cũng có những nét tương đồng với văn hóa của DHG. Từ đó, cộng với nền tảng phát triển khoa học và trình độ tầm thế giới của Tập đoàn Taisho đã tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau" - ông Khương chia sẻ.

Hiện nay, thị trường trong nước của DHG chiếm 90%, còn lại xuất khẩu đến Moldova, Ukraine, Nga, Rumani, Singapore, Ðài Loan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan… Ông Khương khẳng định: "Sắp tới, nhờ hợp tác với Taisho thì thương hiệu DHG - Việt Nam sẽ vươn rộng hơn tới các nước phát triển mà Taisho đang có mặt, bao gồm cả Nhật Bản".

Kết lại câu chuyện chuyển mình mạnh mẽ này của DHG, người đại diện điều hành DHG quả quyết: "Giai đoạn từ năm thứ 46 trở đi của DHG là giai đoạn kế thừa, là giai đoạn phát triển theo xu hướng phát triển mới của đất nước. Các thế hệ lãnh đạo mới sẽ theo những xu hướng mới mà điều hành. Không chỉ DHG mà ngành dược nói chung, những năm gần đây, hội nhập quốc tế là điều tất yếu. Vì chỉ có hội nhập quốc tế với các nước phát triển, các nền khoa học phát triển về dược phẩm, về y học, về công nghiệp dược thì mới có thêm cơ hội để các doanh nghiệp dược Việt Nam vươn ra thế giới trong công tác phục vụ sức khỏe cộng đồng".

- Tập đoàn Taisho là 1 trong 5 công ty dược lớn nhất Nhật Bản; là công ty dẫn đầu trong sản xuất thuốc, dược phẩm và thuốc không kê đơn (OTC).
- Hiện tại, DHG có 2 cổ đông lớn là Taisho với 51% cổ phần và SCIC (State Capital Investment Corporation) với 43% cổ phần; tiếp theo là Templeton Frontier Markets Fund (FTIF) và Norges Bank với lần lượt 2,83% và 1,98% cổ phần.
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị DHG là bà Đặng Thị Thu Hà (SCIC).

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/khi-duoc-hau-giang-di-voi-taisho-a127075.html

 

Không có nhận xét nào: