Kim Ngọc
Thứ Sáu, 6/11/2020, 14:25
(SGTT Online) - Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành của ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo các cuộc khảo sát gần đây của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, “du lịch an toàn” là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với du khách.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đảm bảo an toàn du lịch, những nhà quản lý du lịch lẫn doanh nghiệp tham gia hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” tại Cần Thơ ngày 6-11-2020 đều đồng ý rằng việc liên kết giữa các thành viên trong chuỗi giá trị ngành du lịch để cùng thực hiện những tiêu chuẩn du lịch an toàn là điều quan trọng nhất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, cho biết thành phố Cần Thơ có vị trí, điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy thuận lợi; là điểm đến, điểm trung chuyển kết nối du khách của vùng ĐBSCL nên rất cần sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các tiêu chí du lịch an toàn.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, phát biểu tại hội
thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” ngày 6-11 tại Cần Thơ. Ảnh: T.Tr |
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng điểm đến du lịch an toàn là yếu tố tiên quyết để phục hồi các hoạt động du lịch, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc khôi phục và phát triển hoạt động du lịch hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề nhất. Trong 10 tháng năm 2020, khách lưu trú Cần Thơ đạt trên 1,1 triệu, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.045 tỉ đồng, giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP Cần Thơ, cho biết ngành du lịch đã ban hành đến 50 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, và triển khai nhằm đảm bảo du lịch an toàn. Trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều có ý thức cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như trang bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn dành cho du khách và luôn có người trực để đo thân nhiệt, chuẩn bị sẵn khẩu trang cho du khách; chuẩn bị phòng riêng để cách ly trường hợp phát hiện khách nhiễm bệnh, trước khi đơn vị chức năng đến để tiến hành những bước tiếp theo đúng quy định của ngành y tế.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết số doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia các tiêu chuẩn an toàn còn ít. Theo ông Tuấn, tính đến tháng10-2020, đã có 72 đơn vị (trong đó có 36 cơ sở lưu trú, 20 doanh nghiệp lữ hành) đăng ký về tiêu chí an toàn. Các điểm vườn, nhà hàng vẫn chưa đăng ký nhiều, sở VHTTDL đang tiếp tục vận động các đơn vị thực hiện các tiêu chí và đăng ký để được ghi nhận vào bản đồ du lịch an toàn do Tổng cục Du lịch phát động.
Các diễn giả đang thảo luận về du lịch an toàn tại hội thảo. Ảnh: T.Tr |
Ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết tại châu Âu dịch bệnh đang hoành hành và nhiều nước đã quay lại thực hiện đợt phong tỏa mới, điều này nhắc Việt Nam về cái giá của sự an toàn. Hình ảnh “điểm đến an toàn” của du lịch Việt Nam cần được trân trọng, giữ gìn không chỉ với niềm tự hào mà phải bằng các giải pháp thiết thực, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Hai yêu cầu đó là một và thật sự không dễ dàng, nhưng không phải không thực hiện được, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho biết nhu cầu an toàn du lịch đang đặt ra ba yêu cầu để thực hiện phát triển du lịch an toàn.
Thứ nhất, sự hợp lực với cách tiếp cận hệ thống, thực hiện theo chuỗi để chuyển đổi phương thức hoạt động du lịch để phù hợp tình hình mới. Thứ hai, an toàn du lịch phải có tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Mỗi thành phố hiện đều có tiêu chuẩn an toàn riêng nhưng chưa có một tiêu chuẩn chung theo vùng, theo quốc gia; do vậy, cần liên kết để xây dựng, ban hành chung cho cả quốc gia theo vùng, theo ngành như vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống…Thứ ba, tiêu chí an toàn du lịch cần phải công nghệ để thực thi hiệu quả. Ví dụ, nếu dùng máy đo cứ đưa vào trán để đo sẽ khiến nhiều du khách khó chịu, có thể khuyến khích các cơ sở ứng dụng các sản phẩm an toàn mới như ki-ốt đo thân nhiệt.
Tiêu chí sẽ không trở thành rào cản, điểm vướng chân du khách, làm khó cho người kinh doanh du lịch khi nó thực sự đảm bảo an toàn, vừa được thực thi nghiêm túc, vừa linh hoạt ứng phó trước cấp độ diễn biến của dịch bệnh “bình thường, báo động, nghiêm ngặt”. Và khi dịch bệnh chuyển biến tốt, thì có thể tự động chuyển đổi sang “trạng thái bình thường mới” một cách linh hoạt mà không phụ thuộc bởi quá nhiều tầng nấc, nhiều cấp, nhiều ngành có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục hành chính nặng nề, đại diện các doanh nghiệp du lịch nói.
Những thông tin, hình ảnh phác họa ra diện mạo du lịch an toàn là điều cần thiết, nhưng quan trọng là việc thực hiện thế nào, cách thức phối hợp giữa các đơn vị ở từng vùng miền, quốc gia để đảm bảo hiệu quả một cách tốt nhất là điều ông Hiệp nhấn mạnh tại buổi hội thảo.
Từ góc độ một doanh nghiệp du lịch, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt, nên sẽ là lợi thế lớn khi du lịch phục hồi. “Nhưng có lẽ chúng ta chỉ mới chú ý đến vấn đề thời sự này, mà quên mất rằng khách du lịch cần nhiều hơn vậy, đó là an toàn cho tổng thể chuyến đi của họ, chứ không phải chỉ là sức khỏe”, ông nói.
Như vậy nhân cơ hội này, Việt Nam nên hướng đến xây dựng tiêu chí du lịch an toàn tổng thể, như là lợi thế cạnh tranh mới. Ông Huê mở rộng ra vấn đề an toàn của du khách, không nên chỉ gói gọn trong việc bảo vệ du khách trước Covid-19 mà phải an toàn tổng thể trước mọi rủi ro.
Theo ông Huê, ngành du lịch cần xây dựng tiêu chí an toàn cho các nhóm dịch vụ căn bản sau như Điểm đến an toàn (không trộm cắp, ăn xin; không ô nhiễm môi trường); Giao thông an toàn (Hạ tầng đảm bảo an toàn để khách đến du lịch; Phương tiện đi lại an toàn thì mới chuyên chở khách; Xử lý tai nạn như thế nào để khách yên tâm); dịch vụ an toàn (Tour, khách sạn, điểm tham quan an toàn thì mới được phục vụ khách). Ẩm thực an toàn: bao gồm nguồn gốc nguyên liệu an toàn, chế biến, bảo quản, an toàn cơ sở phục vụ (có đủ tiêu chuẩn vệ sinh, cháy nổ, thoát hiểm không) và xử lý khi có sự cố từ ẩm thực. Sức khỏe an toàn: bảo đảm đưa khách đến nơi được xác nhận không có dịch bệnh; các phương án xử lý khi khách gặp vấn đề về sức khỏe, các cơ sở cấp cứu- điều trị được (tổ chức) quốc tế công nhận dành cho khách nước ngoài.
Ông Huê đưa ý kiến nên thành lập một liên minh du lịch an toàn với thành viên là tất cả thành viên trong chuỗi giá trị du lịch. Liên minh này cần phải xây dựng tiêu chí du lịch an toàn vì đây là công việc phức tạp, nhưng cần phải làm và bộ tiêu chí này cần được các tổ chức quốc tế về chuyên ngành công nhận (ví dụ tiêu chí an toàn sức khỏe phải được WHO công nhận chẳng hạn). Du lịch cần ứng dụng công nghệ 4.0 để cập nhật và kết nối với khách du lịch chứ không dùng sổ sách, giấy tờ như hiện nay. Ngoài ra, liên minh cần có phương án truyền thông để khách du lịch thấy cần chọn các dịch vụ du lịch an toàn và điểm đến an toàn.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ, cho biết đây là thời điểm để doanh nghiệp, địa phương kích cầu du lịch trở lại khi nhu cầu du lịch của khách tăng cao trở lại sau đợt dịch thứ hai. Vietravel đã phục vụ 15.000 lượt du khách. Bà Thy cho rằng ngành du lịch cần triệt để thực hiện việc truyền thông về du lịch an toàn: đó là du lịch phải an toàn và cần đảm bảo an toàn khi đi du lịch. Nếu doanh nghiệp đồng ý tham gia kích cầu, sản phẩm ưu đãi, nhưng tâm lý e ngại của du khách không được gỡ bỏ thì sẽ khó trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch.
Bà Võ Xuân Thư, Tổng giám đốc Khách sạn Viectoria Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.Tr |
Bà Võ Xuân Thư, Tổng giám đốc Khách sạn Viectoria Cần Thơ, cho biết xây dựng các quy trình đảm bảo an toàn không quan trọng, nhưng quan trọng nhất là duy trì việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn xuyên suốt trong các hoạt động bình thường. Việc thực hiện cần có sự đồng bộ, đồng lòng từ các đơn vị. Hiện Cần Thơ có 200 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 70 đơn vị đăng ký thực hiện các tiêu chí an toàn. Vai trò của các đơn vị lữ hành rất lớn trong việc lựa chọn các điểm đến đảm bảo an toàn cho du khách của mình, làm động lực để các đơn vị du lịch thực hiện các quy chuẩn an toàn.
Trong phần thảo luận của hội thảo, đại diện người tham dự ông Đặng Tấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, cũng nhấn mạnh rằng nội hàm du lịch mang bản chất liên kết, cho nên tổ chức du lịch thì cũng phải thực hiện phối hợp liên kết, trao đổi sản phẩm với nhau.
Ông Huê từ Công ty Vòng Tròn Việt cho rằng các bộ tiêu chí an toàn phải do các chuyên gia xây dựng và khi có các tiêu chí chung thì sẽ phối hợp dễ dàng. Nếu có liên minh thì phải thuê nhóm chuyên gia để xây dựng tiêu chí và ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện việc thực hiện bộ tiêu chí, chứ không phải chỉ dùng giấy tờ. “Phải làm sao để các đơn vị du lịch thấy mình cần phải thực sự đảm bảo an toàn khi nằm trong liên minh lẫn du khách thấy đi du lịch trong thành viên của các liên minh là an toàn”, ông Huê nói.
Kết thúc buổi hội thảo, các diễn giả đều thống nhất rằng cần có những bộ quy chuẩn chung trong vấn đề an toàn du lịch để tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị du lịch đều tình nguyện thực hiện vì lợi ích riêng lẫn vì một nền du lịch an toàn. Tuy nhiên, bước tiếp theo cần thực hiện nhanh và triệt để đó là tạo ra mạng lưới chung các doanh nghiệp đồng lòng thực hiện những tiêu chuẩn an toàn này, cũng như đảm bảo cơ chế phản hồi thông suốt từ khách hàng trên nền công nghệ hiện đại.
Giới thiệu chương trình “Sáng kiến Điểm đến an toàn”
Tại hội thảo Đi tìm diện mạo du lịch an toàn tổ chức tại TPHCM, đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã giới thiệu chương trình “Sáng kiến điểm đến an toàn”. Đây là chương trình thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hàng không, vận chuyển du lịch, điểm tham quan cùng mục tiêu xây dựng ngành du lịch xanh, an toàn và thân thiện.
Chương trình hướng tới việc các thành viên tự nguyện áp dụng “Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến an toàn trong phòng chống dịch bệnh”, nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Đây sẽ là diễn đàn để các thành viên đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển thị trường du lịch và những vấn đề liên quan đến ngành nghề, môi trường kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng đối phó với những rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Chương trình cung cấp cho các thành viên tham gia những kiến thức, thông tin hữu ích cho việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn xanh – an toàn của các thành viên. Chương trình cung cấp chứng nhận “Điểm đến an toàn” cho các thành viên.
Đã đăng trên: TBKTSG Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét