Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Nhớ hoài văn thơ Hoài Vũ

Huỳnh Kim

16/07/2023 - 07:43

Lạ là khép sách lại, lòng thường bồi hồi nhớ và cứ muốn đọc lại những dòng văn, thơ cuốn hút tình người của nhà thơ Hoài Vũ…

 

Nhà thơ Hoài Vũ vừa tặng bạn văn gần xa bộ ba tác phẩm “Thì thầm với dòng sông” (thơ), “Gái thời chiến” (tập truyện ngắn), “Hoa trong tuyết” (truyện dịch), do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Mibooks ấn hành.

“Thì thầm với dòng sông” là tuyển tập 108 bài thơ và 33 bài thơ phổ nhạc. Có những tác phẩm mà thơ và nhạc đã hóa thành tình cảm của bao người từ thời chiến đến nay, như “Vàm Cỏ Ðông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ði trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”, “Thì thầm với dòng sông”…

Ðến giờ, nhiều thế hệ độc giả vẫn thấy sao mà da diết “Ở tận sông Hồng, em có biết / Quê hương anh cũng có dòng sông / Anh mãi gọi với lòng tha thiết / Vàm Cỏ Ðông! Ơi Vàm Cỏ Ðông!”. Sao mà tha thiết “Dù đi đâu và xa cách bao lâu / Dù gió mây kia đổi hướng thay màu / Dù trái tim em không trao anh nữa / Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Sao mà ám ảnh “Anh phải về thôi, xa em thôi / Xa vườn cây, đêm chờ giặc, ta ngồi / Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ / Ðể mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…”.

Ở đầu tập thơ này, nhà thơ Ngô Xuân Hội như đã nói thay lời nhiều bạn đọc rằng: “Thơ Hoài Vũ cũng như con người ông, không làm dáng, làm điệu, không màu mè, lấy cảm xúc chân thành làm thế mạnh. Nhờ thế, khi thăng hoa, những cảm xúc ấy được rót thẳng vào trái tim người đọc”.

Tập truyện “Gái thời chiến” gồm 17 truyện ngắn chọn từ các tập truyện “Tiếng sáo trúc”, “Rừng dừa xào xạc”, “Quê chồng”, “Bên sông Vàm Cỏ”, “Bông sứ trắng”, “Vườn ổi”. Ðây là những câu chuyện thời chống Mỹ ở chiến trường Long An mà Hoài Vũ khi đó là nhà văn, nhà thơ, nhà báo làm người kể chuyện.

Văn của ông, như trong truyện Ðêm Vàm Cỏ: “Theo ánh trăng vừa đủ nhận ra con đường nhỏ hẹp kẹp giữa đám lá, tôi đi xuống bến xuồng. Càng đi xuống sát mé sông, lá càng thưa dần, què quặt dần, có chỗ trăng chiếu xuống hết sức phóng khoáng, làm nổi lên một bãi đất trống, nham nhở những đìa bom, hố pháo, bên cạnh những cây dừa nước chổng gốc lên trời, rễ dài đâm ra tua tủa. Tôi ngó chung quanh để tìm lối đi lại chỗ có tiếng người đang cười nói xôn xao, nhưng không có cách nào chui lọt được. Những cây dừa nước bị pháo quật ngã, nằm chỏng chơ, nhô gai ra nhọn sắc như răng cưa đang chờ chực một sự sơ ý của tôi để ngoạm vào da thịt và cấu lên chiếc bồng đã sờn rách trên lưng tôi”.

Là người trong nhóm bạn văn góp sức làm những tuyển tập này, nhà thơ Phan Hoàng đã giới thiệu về người bạn vong niên của mình: “Nhìn lại nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đất nước còn chìm trong lửa đạn chiến tranh, Hoài Vũ có một vị thế riêng biệt, đặc biệt là thi ca. Tay súng tay bút, ông luôn bám sát chiến trường Nam Bộ, kịp thời cho ra đời những bài thơ, truyện ngắn, bút ký nóng hổi hơi thở cuộc sống. Những trang viết của Hoài Vũ luôn dâng trào cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn, với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu”.

Cuốn hút hơn, với tôi, là nghệ thuật chuyển ngữ của Hoài Vũ ở “Hoa trong tuyết”. Ðây là tuyển tập 11 truyện vừa, lấy từ 7 tập truyện dịch đã xuất bản: “Người đàn bà bất hạnh”, “Loạn luân”, “Nữ điền chủ cuối cùng”, “Hồn ma”, “A-sư-ma bé bỏng”, “Ðèn lồng đỏ treo cao”, “Gió mưa đưa đẩy đôi ta” - những tác phẩm văn học hiện đại có giá trị của Trung Quốc.

Dường như tinh hoa tiếng Việt trong thơ và văn của Hoài Vũ đã “phát tiết” cả vào những dịch phẩm từ tiếng Hoa này. Tôi mê phim “Ðèn lồng đỏ treo cao” từng được đề cử giải Oscar năm 2002 vì phim hay đến ám ảnh. Nay, khi chạm vào câu chuyện “Ðèn lồng đỏ treo cao” của Tô Ðồng qua bản dịch của Hoài Vũ, tôi đã đọc một mạch 76 trang Việt văn tài tình về câu chuyện thương đau này. Ðọc xong rồi lại muốn giở từng trang sách ra đọc lại.

Ví dụ ở trang 462, nhà thơ Hoài Vũ đã chuyển ngữ một đoạn văn như vầy: “Ðến quá nửa đêm, đột nhiên nàng nghe từ phòng bà ba Mai San vọng lại tiếng hát nao lòng - những tiếng hát thê lương, sầu não như lưỡi dao sắc cứa mãi tim gan nàng: Như bèo trôi dạt trên sông / Dẫu thèm được sống, vẫn không lối về / Nhìn trăng rọi mái tóc thề / Mà hai bên má dầm dề lệ rơi / Hỡi người xưa cũ ta ơi / Thấu chăng nỗi nhớ rối bời lòng ta / Trăng lên rồi lại trăng tà / Một mình một bóng vào ra mỏi mòn / Ước gì ta đứng trên non / Nỗi đau hóa đá, thành “hòn vọng phu”!”.

Xin chia sẻ ý kiến của nhà thơ Phan Hoàng trong lời giới thiệu tập truyện này: “Tôi tin rằng những người thực sự yêu mến văn chương sẽ không bao giờ chỉ đọc hết một lần khi có trong tay tập truyện “Hoa trong tuyết”. Nhất định sẽ đọc lại. Và đó cũng là khát vọng của nhà thơ, dịch giả Hoài Vũ cùng những người thực hiện tập sách này”.

Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Ðình Vọng, sinh ngày 25-8-1935 tại Ðức Lân, Mộ Ðức, Quảng Ngãi; hiện sống và viết tại TP Hồ Chí Minh. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả. Trong những năm kháng chiến, ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam; là Ủy viên Thường trực Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Ðịnh; Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Tổng biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng. Từ sau 1975, là Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam); Phó Giám đốc NXB Tác phẩm mới; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng văn học dịch (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh); Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng.

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/nho-hoai-van-tho-hoai-vu-a161952.html

Không có nhận xét nào: