Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Nông nghiệp công nghệ cao không phải cây đũa thần!

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Sáu,  5/10/2018, 10:36 

(TBKTSG) - Nông nghiệp công nghệ cao hiện được xem là một định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, đặc biệt ở những địa phương mà kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh vai trò của Nhà nước về mặt chính sách, việc mạnh dạn tham gia đầu tư của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm), đã trao đổi với TBKTSG về vấn đề này.
Trong nhà lưới trồng dưa lê của Ecofarm ở Đồng Tháp. Ảnh: Văn Sơn
TBKTSG: Cơ duyên nào đưa ông đến Phú Quốc lập Ecofarm từ năm 2007 để làm “nông nghiệp sạch” trong khi lúc bấy giờ việc này còn khá mới với chúng ta?

- Ông Nguyễn Hồng Quang: Giữa năm 2007 tôi ra Phú Quốc vài lần để nghiên cứu đầu tư một dự án du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng khi chứng kiến cảnh hòn đảo du lịch xinh đẹp này lại thiếu hụt trầm trọng nguồn rau củ quả xanh sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là trong mùa mưa bão, tôi đã nảy ra ý định đầu tư vào sản xuất rau củ quả sạch ngay tại đây, dù lúc đó tôi không có kinh nghiệm về việc này. May mắn là sau đó tìm được một số nhà khoa học và cộng sự cùng chí hướng, tôi đã mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) tại Phú Quốc ngay trong tháng 8-2007 với định hướng chính là hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Tiếp đó, vào đầu năm 2008, cùng các nhà khoa học này, chúng tôi đã lặn lội vài tuần ở Israel để khảo sát các mô hình nông nghiệp tiên tiến và quyết định nhập khẩu từ Israel một nhà màng trồng rau sạch diện tích 4.200 mét vuông với hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương đồng bộ. Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ tháng 1-2009 với sự hiện diện của Đại sứ Israel trong ngày khai trương. Lúc đó, đây là hệ thống nhà màng lớn và hiện đại nhất tại ĐBSCL.


TBKTSG: Đến nay thì Ecofarm đã “nở nồi” ra Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp cũng với công nghệ này của Israel. Có phải ông muốn khai thác đặc sản ở các địa phương này?

- Ở Phú Quốc, hiện nay khu nông trại Ecofarm 6,5 héc ta với hệ thống 11.000 mét vuông nhà màng trồng rau đồng bộ và vườn cây ăn trái đa dạng đang được đầu tư toàn diện để có thể chuyển mình thành một điểm du lịch nông nghiệp hàng đầu tại đảo ngọc này. Ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, có khu nông nghiệp hữu cơ 84 héc ta, đang từng bước đi vào hoạt động.

Ở Đồng Tháp thì tỉnh đã giao cho Ecofarm quy hoạch và đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thanh Bình với diện tích ban đầu trên 10 héc ta. Ở đây hiện có khu nhà màng 3 héc ta nhập khẩu đồng bộ từ Công ty Netafim (Israel) chuyên sản xuất dưa lê, dưa lưới và các giống cây con sạch bệnh phục vụ bà con nông dân địa phương.

Còn tại Long An, Ecofarm hiện tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất các loại phân hữu cơ vi sinh thế hệ mới trên nền than sinh học (Biochar) cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học thân thiện với môi trường.


TBKTSG: Kết quả ra sao?

- Các loại giống cây con sạch bệnh của Ecofarm Đồng Tháp đang được bà con địa phương tín nhiệm. Sản phẩm dưa lê, dưa lưới Ecofarm đang tiêu thụ mạnh trong hệ thống siêu thị Co.opmart ở ĐBSCL.

Có sản phẩm và thị trường nhưng chúng tôi không đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng “cửa đóng then cài”. Ecofarm luôn mở rộng cửa đón bà con nông dân vào tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, Ecofarm cũng thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học và tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững, giảm lệ thuộc vào phân thuốc hóa học cho bà con nông dân các địa phương.


TBKTSG: Như vậy, theo ông thì vốn, công nghệ, thị trường hay chính sách đã tạo nên thành công của Ecofarm?

- Tôi chưa dám nói chúng tôi đã thành công. Đối với Ecofarm, thành công không phải là đích đến mà là một quá trình phấn đấu, cống hiến và hy sinh. Tuy nhiên qua quá trình hoạt động, Ecofarm đã tạo được niềm tin tưởng đối với chính quyền, bà con nông dân và người tiêu dùng tại các địa phương.

Theo tôi thì vốn, công nghệ, thị trường hay chính sách đều có tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, sự tăng trưởng rất nhanh chóng và toàn diện của Ecofarm Đồng Tháp, đơn vị thành viên trẻ tuổi nhất trong hệ thống các công ty thành viên Ecofarm, đã cho thấy chính sách thông thoáng, cởi mở, nhất quán, đồng bộ từ trên xuống dưới của tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cao, đi đầu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp như Đồng Tháp, là có tác động hết sức tích cực đối với sự phát triển của một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái và bền vững như Ecofarm.


TBKTSG: Riêng thị trường thì sao? Và làm sao để bà con nông dân bán được sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao có giá cao hơn sản phẩm bình thường?

- Phú Quốc đang chuyển mình thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Ecofarm đang tiến hành chuẩn bị đầu tư trung tâm giống nông lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Bãi Thơm, hướng tới đáp ứng nhu cầu cây cảnh ngày một gia tăng tại đây. Ở Đồng Tháp, Ecofarm đang liên kết với các hội quán nông dân Sa Đéc phát triển ứng dụng các công nghệ nhà màng, tưới nhỏ giọt và chế phẩm sinh học chuyên dụng cho cây hoa. Sản phẩm hoa cảnh Ecofarm sẽ được cung cấp cho TPHCM và các tỉnh lân cận trong tương lai gần.

Để có thể bán sản phẩm nông nghiệp giá cao hơn thì chắc chắn chất lượng phải cao hơn và phải có thương hiệu. Muốn vậy, người nông dân phải kiên trì áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ. Bà con nông dân cũng phải liên kết với nhau chặt chẽ để xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Quá trình này không thể thiếu sự đồng lòng dốc sức của các cấp chính quyền, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các tổ chức nông dân. Ecofarm đang từng bước tham gia tích cực vào quá trình liên kết này.


TBKTSG: Có ý kiến cho rằng vùng ĐBSCL khó áp dụng nông nghiệp công nghệ cao thành công. Ông có chia sẻ không?

- Theo tôi, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao không phải là cái gì đó xa vời. Công nghệ nào khi ứng dụng mà mang lại chất lượng cao hơn, năng suất ổn định, giảm lệ thuộc vào hóa học, môi trường được gìn giữ, lợi ích kinh tế gia tăng bền vững thì sẽ được người nông dân quan tâm và ứng dụng.

Ví dụ như việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả, rau củ và hoa cảnh có thể mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho nhiều vùng tại ĐBSCL thông qua quản lý dinh dưỡng đồng bộ. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học có thể giúp gia tăng hiệu suất phân bón, ngừa bệnh trong rễ, trong đất, hay ứng dụng bảo vệ thực vật sinh học là những công nghệ có thể giúp giảm sử dụng phân và thuốc hóa học, tăng chất lượng sản phẩm, cũng như giúp xây dựng thương hiệu nông sản xanh sạch một cách bền vững.

Những công nghệ này không quá đắt đỏ, không quá phức tạp nhưng mang lại hiệu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, không thể có một công thức rập khuôn cho nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề là chúng ta cần chọn công nghệ phù hợp với từng vùng đất, từng cây trồng vật nuôi, khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật của bà con nông dân ĐBSCL.

TBKTSG: Vậy ông có đề xuất gì thêm với Nhà nước hay khuyến cáo gì với bà con nông dân?

- Nông nghiệp công nghệ cao không phải là cây đũa thần. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng không phải là một phong trào đầu tư ngắn hạn mang lại hiệu quả tức thời. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích ưu đãi hợp lý đối với các doanh nghiệp hay tổ chức nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, bà con nông dân cần hết sức thận trọng trong việc quyết định đầu tư. Bà con nên mạnh dạn tìm tòi, học hỏi từ các mô hình đi trước. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bà con sẽ tự tìm ra cho mình hướng đi phù hợp với điều kiện của mình. Hãy luôn nhớ, sự liên kết trong nội bộ nông dân và sự liên kết với các doanh nghiệp, với các tổ chức nông dân khác là điều vô cùng cần thiết. Xin đừng sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà hãy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao một cách hợp lý.

Công nghệ cao không chỉ ở khâu sản xuất. Mong bà con sẽ ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong khâu xây dựng thương hiệu và tiếp thị bán hàng.

* Đã đăng TBKTSG Online 5-10-2018:
https://www.thesaigontimes.vn/279567/nong-nghiep-cong-nghe-cao-khong-phai-cay-dua-than-.html

Không có nhận xét nào: