Thứ Bảy, 9/5/2020, 21:28
(TBKTSG
Online) - Tỉnh nông nghiệp Hậu Giang đang có chủ trương “mở mang đô thị”
cùng với phát triển nông nghiệp và du lịch xanh. TBKTSG Online đã có
cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh Hậu Giang, xoay quanh câu chuyện phát triển địa phương thành một
điểm sáng thu hút các nhà đầu tư dựa vào lợi thế và tiềm năng của một
tỉnh trung tâm châu thổ sông Mê Kông.
Một góc thành phố Vị Thanh, nơi được xem là tâm điểm đầu tư bất động sản của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: haugiang.gov.vn |
TBKTSG
Online: Thưa ông, không chờ đến hết dịch Covid-19, ngày 19-4, HĐND tỉnh
Hậu Giang đã họp thông qua chủ trương xây dựng thêm 3 khu đô thị mới.
Trước hết, xin ông cho biết, cơ sở nào để Hậu Giang đẩy mạnh phát triển
đô thị như vậy?
- Ông Lê Tiến Châu: Hậu Giang có Chương trình phát
triển đô thị nhằm góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tăng quy mô dân số
đô thị, tạo thêm diện mạo mới cho đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương.
Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các dự án xây dựng nhà ở, khu
đô thị nhằm kêu gọi thu hút đầu tư, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư
tiếp cận, tìm hiểu. Năm 2019, tỉnh Hậu Giang được Trung ương công nhận
Thành phố Vị Thanh đạt tiêu chí đô thị loại II, Thị xã Long Mỹ đạt tiêu
chuẩn đô thị loại III, Thị xã Ngã Bảy thành Thành phố Ngã Bảy.
Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có những
chuyển biến tích cực, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Vị Thanh với
nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai thực hiện như Khu dân
cư thương mại ở khu vực 2 và khu vực 3, Khu đô thị mới Cát Tường
Western Pearl, Khu dân cư thương mại Vị Thanh…
Đồng thời, Hậu Giang đã
thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm và năng lực như
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Công ty
cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Công ty cổ phần Đầu tư Amecc Hậu
Giang… đến nghiên cứu, tiếp cận dự án phát triển nhà ở, đô thị nhằm phát
triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đáp ứng nhu
cầu sinh sống của người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương khai thác quỹ đất công
thông qua hình thức bán đấu giá để thực hiện các dự án nhà ở, phát triển
đô thị nhằm tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản
trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp, sôi động hơn trước nhiều.
Ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Kim |
- Ông Lê Tiến Châu: Theo Chương trình phát triển đô
thị của tỉnh thì dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có 19 đô thị, trong đó có
một thành phố đô thị loại II, một thành phố và một thị xã đô thị loại
III, bảy đô thị loại IV và chín thị trấn là đô thị loại V. Để đạt được
mục tiêu này, tỉnh Hậu Giang cần có nguồn lực rất lớn đề đầu tư hoàn
thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí từng loại
đô thị.
Với mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, trên cơ sở định hướng
phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng trong điều kiện ngân
sách còn khó khăn, thì việc huy động nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn của
các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô
thị, sẽ góp phần tác động tích cực đến tốc độ phát triển đô thị, góp
phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở
đó, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến với Hậu
Giang để tiếp cận, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết đề xuất các dự án
nhà ở, khu đô thị.
Hiện nay, Hậu Giang đã thống nhất chủ trương cho tiếp cận, nghiên cứu
lập quy hoạch chi tiết đề xuất 59 dự án trên địa bàn tỉnh, riêng Thành
phố Vị Thanh là 20 dự án. Nhà đầu tư sẽ tiến hành nghiên cứu, lập quy
hoạch để đề xuất dự án đảm bảo phát triển đồng bộ với đô thị. Trên cơ sở
đồ án quy hoạch được phê duyệt, nhà đầu tư sẽ đề xuất dự án trình UBND
tỉnh phê duyệt.
TBKTSG Online: Nhiều dự án sẽ triển khai đồng loạt, liệu
cung có thể vượt cầu trong lĩnh vực bất động sản đô thị ở Hậu Giang hay
không?
- Ông Lê Tiến Châu: Không phải dự án nào UBND tỉnh
cũng sẽ phê duyệt ngay, mà cần căn cứ vào tính chất, quy mô của từng dự
án và đặc biệt là phải phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở theo
từng giai đoạn. UBND tỉnh sẽ phê duyệt hoặc trình HĐND phê duyệt theo
thẩm quyền và có lộ trình cụ thể, để đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng không tràn lan, tránh gây ra bong
bóng bất động sản.
Bên cạnh đó, trước khi cho tiếp cận lập quy hoạch, UBND tỉnh cũng chỉ
đạo các ngành chuyên môn xem xét năng lực về tài chính, năng lực về kinh
nghiệm của các nhà đầu tư thì mới cho chủ trương cho tiếp cận, tránh
trường hợp mời gọi nhà đầu tư không có năng lực thực hiện dự án vào đầu
tư gây lãng phí tài nguyên đất của tỉnh.
Dự án đô thị Western Pearl đang xây dựng ở phường 5, thành phố Vị Thanh (ảnh chụp ngày 5-5-2020). Ảnh: Huỳnh Kim |
TBKTSG
Online: Nhà đầu tư luôn quan tâm về chính sách đầu tư sao cho có lợi
bền vững. Vậy UBND tỉnh có chủ trương mới gì trong việc này, thưa ông?
- Ông Lê Tiến Châu: Hậu Giang có tám đơn vị hành
chính, trong đó có bảy đơn vị thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã
hội đặc biệt khó khăn và một đơn vị là Thành phố Vị Thanh thuộc địa bàn
có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư sẽ được
hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, thuế suất, tiền thuê đất,
thuê mặt nước… và có sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở ban ngành tỉnh, đặc
biệt là sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút, hỗ
trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Hậu Giang là tỉnh đang trong quá trình phát triển, đa số
vị trí đầu tư các dự án nhà ở đều nằm trên đất nông nghiệp và giá đất
tại Hậu Giang còn thấp so với các tỉnh thành lân cận như Cần Thơ, Kiên
Giang, Sóc Trăng… cộng thêm nhu cầu của người dân về sở hữu nhà ở còn
nhiều. Do đó, sẽ rất thuận lợi khi nhà đầu tư về Hậu Giang đầu tư làm ăn
lâu dài.
Nhân đây, tôi xin nói để chứng minh thêm về kết quả chỉ số PAPI (hiệu
quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) năm 2019 của Hậu Giang vừa
được công bố. So với năm 2018 (PAPI Hậu Giang đạt 42,06 điểm, xếp hạng
58/63 tỉnh, thành) thì PAPI Hậu Giang 2019 đạt 44,49 điểm, xếp hạng
19/63 tỉnh, thành, tăng 2,43 điểm và 39 bậc. Trong đó, có 6/8 tiêu chí
tăng điểm cao như tiêu chí công khai, minh bạch (tăng 0,5 điểm); tiêu
chí về trách nhiệm giải trình với người dân (tăng 0,26 điểm); tiêu chí
kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (tăng 0,94 điểm); tiêu chí về
thủ tục hành chính công (tăng 0,13 điểm)…
Hai bạn trẻ đang tiếp thị khu nhà mới với khách đi đường trước một dự án đô thị bên bờ Kinh xáng Xà No (ảnh chụp ngày 5-5-2020). Ảnh: Huỳnh Kim |
TBKTSG Online: Trở lại với kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang hôm 19-4. Tại cuộc họp, trong bài phát biểu của mình ông nhấn mạnh rằn :“Việc đầu tư phát triển các khu đô thị mới sẽ góp phần tạo cảnh quan hiện đại, thu hút người dân phát triển thương mại dịch vụ. Đồng thời, những khu vực này cũng sẽ thuộc phạm vi đề án kinh tế đêm mà tỉnh đã chỉ đạo TP Vị Thanh xây dựng”. Phải chăng ông muốn nói tới lợi ích của người dân?
- Ông Lê Tiến Châu: Tại kỳ họp ngày 19-4, HĐND tỉnh đã thông qua ba dự án phát triển nhà ở, trong đó có hai dự án tại thành phố Vị Thanh và một dự án ở huyện Châu Thành.
Trước tiên, tỉnh xác định mục tiêu phát triển đô thị song hành cùng mục
tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Do đó, với
cả ba dự án này UBND tỉnh đều yêu cầu nhà đầu tư phải bố trí tái định cư
tại chỗ cho các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án nhằm tránh gây xáo trộn đời
sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, người dân lại được thừa hưởng hạ
tầng đồng bộ.
Bên cạnh đó, các dự án được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đáp ứng
nhu cầu xây dựng khu đô thị, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, điều kiện sinh
hoạt tối ưu, tạo bộ mặt kiến trúc có trật tự, mỹ quan. Khu vực xây dựng
dự án với nhiều chức năng như đất nhà ở biệt thự, nhà ở liên kế, đất
công viên, đất thương mại dịch vụ... phù hợp với điều kiện phát triển
của địa phương trong tình hình hiện nay.
Khi các dự án này hoàn thành, tạo nơi sinh sống tiện nghi, hiện đại,
lại đáp ứng các yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
thì sẽ giúp cho người dân có được nơi ở văn minh, tiện nghi hiện đại và
ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước
nâng chất đô thị Vị Thanh là đô thị xanh, đô thị thông minh và thích ứng
với biến đổi khí hậu. Với Khu đô thị mới 2, thị trấn Mái Dầm thì đây sẽ
là động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực thị trấn Mái
Dầm của huyện Châu Thành.
TBKTSG
Online: Theo kế hoạch, ngày 20-5, một hội thảo về đề tài này sẽ được tổ
chức tại TP Vị Thanh. Tại cuộc họp chuẩn bị cho hội thảo hôm 5-5, ông
có nói đây sẽ là một “cú huých” để thực hiện các chủ trương mở mang đô
thị của Hậu Giang?
- Ông Lê Tiến Châu: Ngày 20-5 sắp tới, UBND tỉnh sẽ
phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang và Thời báo Kinh tế
Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị”. Đúng, đây sẽ như
một “cú huých” để thực hiện các chủ trương mở mang đô thị của Hậu Giang.
Vì mục tiêu của hội thảo là nhằm trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư
về những điều kiện thuận lợi, những tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang,
những chính sách ưu đãi đầu tư cũng như định hướng phát triển đô thị
trên địa bàn tỉnh. Hội thảo cũng nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án
nhà ở, khu đô thị góp phần phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, xây dựng
các khu đô thị mới hiện đại, tạo diện mạo mới cho đô thị Hậu Giang.
Hội thảo này sẽ là dịp để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự
án nhà ở, khu đô thị mới phù hợp với nhu cầu đầu tư và định hướng phát
triển đô thị chung của tỉnh.
Xin cảm ơn ông.Đã đăng trên: TBKTSG Onlinehttps://diaoc.thesaigontimes.vn/303385/hau-giang-mo-mang-do-thi-trong-xu-huong-xanh-va-ben-vung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét