Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Tường thuật trực tuyến hội thảo 'Hậu Giang mở mang đô thị'

Nhóm PV
Thứ Tư,  20/5/2020, 08:51

(TBKTSG Online) - Dù đã có những bước đi căn cơ trong phát triển đô thị nhằm phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, khi xét về chất lượng và quy mô của các đô thị ở địa phương này, rõ ràng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra.

Chính vì vậy, nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp để đẩy phát triển đô thị của Hậu Giang thời gian tới một cách bài bản, đúng hướng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), UBND tỉnh Hậu Giang và Đài Phát Thanh - Truyền hình Hậu Giang (HGTV) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Hậu Giang-mở mang đô thị". Hội thảo được TBKTSG Online tường thuật trực tuyến lúc 8 giờ tại địa chỉ thesaigontimes.vn và trên trang fanpage của TBKTSG Online tại địa chỉ:


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc hội thảo Hậu Giang mở mang đô thị.

Nguồn lực doanh nghiệp là 'chìa khóa' định hình đô thị Hậu Giang

8:00

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, việc tổ chức hội thảo "Hậu Giang - mở mang đô thị" để từng bước phát triển đô thị theo định hướng của chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tăng quy mô dân số, tạo diện mạo mới cho đô thị, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Tuấn, tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004 với hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn nhiều yếu kém. Để định hướng xây dựng và kêu gọi thu hút đầu tư, địa phương đã phê duyệt 335 danh mục đồ án quy hoạch theo thẩm quyền; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 62,6%, quy hoạch chi tiết đạt 31,7%. "Những kết quả đạt được, là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, góp phần tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Tuấn cho biết.

Thực hiện các nghị quyết  của địa phương, ông Tuấn cho biết, tỉnh Hậu Giang đã chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện và đến nay đã hoàn thành được các nghị quyết đề ra.

Cụ thể, đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung ương đã công nhận thành phố Vị Thanh là đô thị loại II, thị xã Long Mỹ là đô thị loại III và thị xã Ngã Bảy trở thành thành phố. 

Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, ông Tuấn cho biết, hệ thống đô thị của địa phương phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, mà cụ thể năm 2004 trên địa bàn tỉnh có 9 đô thị (8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV), thì đến nay đã có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (là thành phố Vị Thanh), 2 đô thị loại III (là thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ), 13 đô thị loại V; nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 24,21% năm 2014 lên 25,9% vào cuối năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,34%. Các đô thị đều phát triển khá đồng bộ từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật...

“Vị Thanh quy hoạch rất bài bản, vùng đất mới thì quỹ đất sạch còn rất lớn. Đây là điểm thuận lợi bật nhất mà các tỉnh thành khác không có được. Doanh nghiệp về đây đầu tư tuân thủ những quy hoạch bài bản ban đầu. Do đó, định hướng của Tập đoàn chúng tôi về đây đầu tư cùng với chính quyền địa phương phát triển đô thị theo định hướng đô thị bền vững”.
Ông LÊ TIẾN VŨ, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn địa ốc Cát Tường.  

Dự kiến, đến năm 2030 Hậu Giang có 19 đô thị, trong đó có 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 9 thị trấn là đô thị loại V.


Để đạt mục tiêu nêu trên, ông Tuấn cho biết, cần phải có nguồn lực đầu tư, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết để tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - phát triển xã hội của địa phương.


"Trên cơ sở đó, tỉnh đã tăng cường công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào Hậu Giang, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị", ông Tuấn cho biết và nói rằng đến nay địa phương đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.


Lãnh đạo tỉnh chủ trương phải xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi với thủ tục hành chính được quan tâm đúng mức, để làm sao cắt giảm được chi phí, thời gian cho nhà đầu tư. Công việc của doanh nghiệp cũng như là công việc của chính mình cho nên chúng tôi rất sẵn sàng, giúp đỡ, tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Ông LÊ TIẾN CHÂU, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
 
8:23

Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hậu Giang, cho rằng  tỉnh Hậu Giang là ‘tâm điểm’ của nhiều nhà đầu tư.
Về phát triển đô thị, Hậu Giang: ‘tâm điểm’ của nhiều nhà đầu tư

Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hậu Giang, cho biết về phát triển đô thị, năm 2004, địa phương có 9 đô thị. Trong đó, có 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV. “Đến nay, tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh là 16 đô thị”, ông cho biết.
 
Theo ông Đức, trong nhiệm kỳ năm 2015 – 2020, địa phương đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn nhất định, nhất là phải đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô dân số.
Để phục vụ phát triển đô thị, theo ông, công tác lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển đô thị luôn được các cấp chính quyền quan tâm. “Đến nay, có 335 danh mục đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt. Trong đó, có 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng, 19 danh mục đồ án quy hoạch chung tỷ lệ phủ kín 100%, 24 danh mục đồ án quy hoạch phân khu đạt tỷ lệ 62,6%...”, ông cho biết.
  
Nhờ có sự định hướng cụ thể, theo ông, mà trong thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư xây dựng tại tỉnh Hậu Giang, đặc biệt trong năm 2019, đầu năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại…

“Hiện nay, có 62 danh mục dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm và UBND tỉnh thuận chủ trương cho tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư”, ông Đức cho biết và nói rằng có nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp cũng quan tâm.

Theo ông, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư, địa phương luôn chỉ đạo xây dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư như: đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch ngành, lĩnh vực; đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp…

“Đặc biệt, tỉnh có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi định kỳ hàng quý, hàng năm nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như công tác phối hợp triển khai của các sở, ngành tỉnh và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông cho biết. 

Thành phố Ngã Bảy, tiếp tục lập các quy hoạch định hướng, trong đó là xây dựng phường Ngã Bảy đô thị trung tâm, có cái tầm chi phối cả khu vực. Phương Hiệp Lợi, xã Tân Thành, sẽ là các đô thị vệ tinh để mà góp phần cho hỗ trợ phát triển trung tâm. Định hướng thì thành phố Ngã Bảy, sẽ nâng chất các tiêu chí đô thị loại III và từng bước hoàn thiện tiêu chí của đô thị loại II”. 
Ông NGUYỄN ĐĂNG HẢI, Chủ tịch thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc điều hành Phú Đông Group; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times: Tôi nhìn thấy một Hậu Giang rất khác, rất hấp dẫn.
8:38


Hậu Giang đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, còn các nhà đầu tư đang rất cần thông tin chính xác từ Hậu Giang. 

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc điều hành Phú Đông Group cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times, thuộc nhóm Thời Báo Kinh tế Sài Gòn - cho rằng các doanh nghiệp địa ốc ở TPHCM có hai mô hình kinh doanh là đầu tư bất động sản và làm dịch vụ kinh doanh bất động sản.

Tại Hậu Giang, hiện đã xuất hiện các nhà đầu tư có tiềm lực như FLC, Đất Xanh, Cát Tường… Việc thu hút các nhà đầu tư uy tín là cơ hội cho các doanh nghiệp khác ở TPHCM đến Hậu Giang tìm hiểu đầu tư.

Doanh nghiệp đến Hậu Giang mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vì địa bàn TPHCM hiện đang có sự cạnh tranh rất cao. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm môi trường mới, nếu tỉnh nào có sách đầu tư tốt sẽ thu hút được doanh nghiệp. Trong đầu tư doanh nghiệp sẽ xếp theo thứ tự, những tỉnh nào có chính sách đầu tư tốt thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư trước.

Đối với doanh nghiệp khi đầu tư cần nhất là các thông tin chính xác. Hiện nay thông tin có nhiều nhưng để tiếp cận được thông tin mở, chính thống thì rất khó. Việc Hậu Giang cung cấp thông tin chính thống cho nhà đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm.

Vấn đề quan trọng nữa, doanh nghiệp cần là sự cam kết, tính thực thi của cơ quan nhà nước. Có nhứng dự án khi tìm hiểu rất thuận lợi nhưng khi bắt tay vào làm các bước tiếp theo thì rất khó khăn vì bước nào cũng liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước. Có những việc doanh nghiệp chủ động được nhưng có những việc không chủ động được. Sự cam kết của địa phương với cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng.

Hiện nay, giá bất động sản cao một phần do sự kéo dài của công tác đầu tư. Như doanh nghiệp chúng tôi mua mảnh đất 200 tỉ đồng theo quy trình thực hiện khoảng 2 năm nhưng giờ kéo dài 7 năm vốn bị đội lên rất lớn.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng. Trong giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp sẽ phải hài hòa lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng mà vấn đề quy hoạch doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp tiếp cận quy hoạch với nhiều thông tin khác nhau nên rất cần cơ quan nhà nước công bố quy hoạch chính thống để doanh nghiệp tiếp cận.

Doanh nghiệp đầu tư cần gì ở Hậu Giang?
-  Thông tin chính xác từ nguồn cung cấp tin chính thống.
- Cần sự cam kết, tính thực thi của Cơ quan quản lý Nhà nước địa phương.
- Nhận được sự hỗ trợ về giải phóng mặt bằng ở các khu dự án đã được quy hoạch.

9:05

Nguồn lực dòng tiền quyết định "hình hài" của đô thị



Ông Hồ La Thành, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang, cho biết việc mở rộng, “kiến tạo” một đô thị mới theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không gian sống đã được tỉnh Hậu Giang đặt ra.


Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu, theo ông Thành, cần phải có nguồn lực lớn để đầu tư phát triển, bao gồm kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nâng cấp, chỉnh trang đô thị. “Đặc biệt, khi chính sách công không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, thì hình thức đối tác công- tư (PPP) là một trong những giải pháp luôn được quan tâm”, ông cho biết và nhấn mạnh các Ngân hàng Thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng đô thị.

Ông Thành cho biết, từ năm 2018 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ như phát triển mạng lưới hoạt động và tập trung chuyển dịch cơ cấu tín dụng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. 

Theo ông Thành, nhờ có định hướng đúng đắn trong việc phát triển mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình hoạt động, các tổ chức tín dụng đã có điều kiện mở rộng đầu tư, cho vay, giúp dư nợ tăng trưởng bình quân 10,11%/năm trong giai đoạn 2015- 2019.

Ông Hồ La Thành, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang: Nguồn lực dòng tiền quyết định "hình hài" của đô thị.


Ông Thành cho biết, các chính sách tín dụng đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả. “Việc giữ ổn định và giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thông qua các chương trình tín dụng đã giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn”, ông cho biết. 

Vị lãnh đạo NHNN Chi nhánh Hậu Giang cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết giảm chi phí đầu vào nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của đơn vị này.

09:20


Đầu tư vào Hậu Giang là một trong những kế hoạch hiện nay của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc Đầu tư khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, cho biết, từ năm 2018 FLC đã tiếp cận các dự án ở Hậu Giang.

Bốn dự án FLC đang làm các thủ tục đầu tư tại Hậu Giang gồm, dự án khu đô thị mới Vị Thanh 39,4 héc ta; khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh 190 héc ta; khu đô thị mới Nam Vị Thanh 120 héc ta; dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành 619 héc ta. Trong 4 dự án FLC tiếp cận thì có 3 dự án ở Vị Thanh.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại Hậu Giang, Tập đoàn FLC kiến nghị chính quyền tỉnh một số giải pháp.
Đối với dự án đã tham gia lựa chọn nhà đầu tư (dự án Khu đô thị mới Vị Thanh), đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để nhà đầu tư có mặt bằng triển khai xây dựng dự án.
Nhà đầu tư rất mong muốn được được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh Hậu Giang.
Đối với các dự án đang nghiên cứu gồm dự án khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh và dự án khu đô thị mới Nam Vị Thanh, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Hậu Giang thống nhất ý tưởng quy hoạch để Tập đoàn FLC hoàn thiện đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Riêng đối với dự án sân golf, FLC kiến nghị Hậu Giang, ban hành quyết định hướng dẫn nhà đầu tư trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Nghị định 25/2020 và Nghị định 52/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.

Ông Phạm Quang Hiếu đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phát biểu tại cuộc hội thảo hôm 20-05.


9:28



Một đô thị xanh sẽ nâng cao chất lượng sống người dân


Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Vị Thanh: "... sự phát triển của địa phương đã có những dấu ấn nhất định".



Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Vị Thanh, nhận định việc phát triển đô thị của địa phương tuy vẫn chưa tương xứng với “vị thế” là trung tâm của tỉnh Hậu Giang, nhưng đã có những dấu ấn nhất định.



Cụ thể, nhiều công trình trọng điểm đã được xây dựng, giúp tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan và mở rộng không gian đô thị của địa phương như: Dự án khu trung tâm hành chính thành phố; Công viên Chiến Thắng; dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl; khu đô thị mới Cát Tường II tại phường 3… 

Theo ông Dũng, hệ thống giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật được cải tạo, nâng cấp và xây mới đã giúp kết nối các trục đường chính, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang như: Dự án xây dựng sáu trục đường nội ô thành phố; đường Lê Quý Đôn nối dài; dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam- tiểu dự án thành phố Vị Thanh...
Ông Dũng nhấn mạnh, sự phát triển đô thị đã mang lại cho người dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. “Kinh tế đô thị phát triển cũng góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên”, ông cho biết và dẫn chứng nếu như năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của địa phương chỉ 8,69 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2010 đã đạt 32 triệu đồng và hiện nay là 71,4 triệu đồng/người/năm.
Từ những kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị, theo ông Dũng, địa phương đã triển khai lập Quy hoạch và chuẩn bị trình chủ trương đầu tư nhiều dự án với quy mô khoảng 783 héc ta. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Công ty cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng, Công ty cổ phần Toàn cầu TMS...
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ông Dũng cho rằng, địa phương đã đi đúng định hướng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, phát triển, nâng chất theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch theo đề án phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu đã được duyệt” ông nhấn mạnh.
Sự ra đời của những khu đô thị mới góp phần thúc đẩy vùng căn cứ kháng chiến trước đây, phát triển nhanh với mạng lưới giao thông rộng mở, cơ sở hạ tầng, nhà cửa khang trang.

Trong 62 dự án kêu gọi đầu tư, thì TP Vị Thanh có tới 21 dự án. Quá trình phát triển Vị Thanh được xác định là đô thị hạt nhân, là cực phát triển phía Tây của tỉnh, là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh.

9:35


Hậu Giang đã có sự điều chỉnh chính sách đầu tư hậu Covid-19 mang tầm chiến lược



Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, cho biết, cách đây hai năm Cát Tường đã nghiên cứu về Hậu Giang để chọn dự án nào sẽ đầu tư.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường đánh giá cao về việc điều chỉnh chính sách nhằm thu hút đầu tư của Hậu Giang thời hậu Covid-19.



Việc ba đô thị của Hậu Giang được nâng cấp cùng vài dự án bất động sản được triển khai đã mang đến vị thế và sức sống mới cho Hậu Giang. “Khi đầu tư vào Hậu Giang chúng tôi trăn trở với một số câu hỏi tại sao Hậu Giang mở mang đô thị? Mở mang đô thị theo hướng nào? Tuy nhiên, khi tìm hiểu và quyết định đầu tư ở đây chúng tôi thấy được chiến lược dài hạn nên chúng tôi quyết định sẽ gắn bó lâu dài” ông nói.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh điều chỉnh chính sách của Chính phủ thời hậu Covid-19 cùng với các chính sách thu hút đầu tư của Hậu Giang là bước đi mang tầm chiến lược để thu hút các nhà đầu tư vào mở mang đô thị.

10:10



Chủ trương “Hậu Giang mở mang đô thị” sẽ thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị cùng với ngành nông nghiệp kết hợp du lịch xanh


Ông Nguyễn Vũ - Giám đốc tập đoàn Đất Xanh.



Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Đất Xanh, Hậu Giang nằm trên tuyến lưu thông huyết mạch của tiểu vùng Tây Sông Hậu, có thể dễ dàng kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, và đặc biệt nằm liền kề thành phố Cần Thơ – trung tâm kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.
Chủ trương “Hậu Giang mở mang đô thị” sẽ  thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị cùng với các chương trình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch xanh…đã góp phần cho Hậu Giang trở thành điểm sáng với nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút sự đầu tư.

Tỉnh Hậu Giang trong vòng hai năm trở lại đây mảng khu đô thị đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nghiên cứu và đầu tư điều đó thể hiện ưu thế của tỉnh về vị trí, cũng như khả năng hỗ trợ, chính sách thu hút doanh nghiệp rất tốt. 

Tại Hậu Giang, Tập Đoàn Đất Xanh có tham gia nghiên cứu lập quy hoạch cho 3 dự án là khu đô thị mới thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành; khu đô thị mới khu vực I, phường 5, thành phố Vị Thanh và Khu đô thị mới phường 5, thành phố Vị thanh - ấp 7, xã Vị Trung huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
 
Hiện tại, có ba dự án Đất Xanh tham gia đều đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô khoảng 200 ha, trong đó có hai dự án đang làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với mảng bất động sản, Tập đoàn Đất Xanh kiến nghị Hậu Giang cần chú trọng phát triển loại hình bất động sản Công nghiệp là nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế địa phương (thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng dân cư sinh sống…) do Hậu Giang rất có lợi thế về địa lý để phát triển loại hình này.

 
Bên cạnh đó, cũng cần phải phát triển cân bằng và đa dạng hóa các loại hình bất động sản khác như bất động sản nhà ở, thương mại - dịch vụ; phát triển các khu phức hợp với quy mô lớn và đa dạng loại hình giải trí, chú trọng vào tính tiện ích để thu hút dân cư đến ở và lưu trú từ các địa phương.


Từ các ý kiến và sự nhận định, lời gợi ý về việc mở mang đô thị được nêu bảy bài tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý trong sáng 20-05, Hội thảo Hậu Giang mở mang đô thị bước sang phần thảo luận với sự chủ trì của ông ông Lê Tiến Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. 



Hậu Giang cần chú trọng phát triển loại hình bất động sản Công nghiệp là nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế địa phương (thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng dân cư sinh sống…) do Hậu Giang rất có lợi thế về địa lý để phát triển loại hình này.

Ngoài ra, cần phải phát triển cân bằng và đa dạng hóa các loại hình bất động sản khác như bất động sản nhà ở, thương mại - dịch vụ; phát triển các khu phức hợp với quy mô lớn và đa dạng loại hình giải trí, chú trọng vào tính tiện ích để thu hút dân cư đến ở và lưu trú từ các địa phương.

10:10

Trong phần gợi ý thảo luận, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, mong các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp giúp Hậu Giang phát triển đô thị bền vững.

Trong đó, ông đề nghị tập trung vào sáu nội dung chính, gồm thứ nhất là gợi ý thêm thông tin để địa phương điều chỉnh chính sách trong chỉ đạo; thứ hai là gợi ý về định hướng phát tiển đô thị thời gian tới của Hậu Giang nên đi như thế nào qua góc nhìn của doanh nghiệp; thứ ba, giá bất động sản của Hậu Giang nói riêng và các địa phương xung quanh nói chung còn khá cao so với thu nhập của người dân. Vậy giải pháp nào kiểm soát?

Thứ tư, là giải pháp nào tạo việc; thứ 5, là giải pháp nào trong liên kết phát triển đô thị giữa các đô thị của Hậu Giang và của Hậu Giang  với các địa phương và cuối cùng là doanh nghiệp có hiến kế gì cho địa phương trong thu hút đầu tư.

10:15

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Group, cho rằng song song với sự phát triển đô thị, Hậu Giang cũng nên kết nối các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ về với địa phương. “Bởi lẽ, phát triển đô thị phải gắn liền với thương mại dịch vụ mới phát triển bền vững được”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo gợi ý của ông Thành, đối với quốc lộ 61C, địa phương không nên quy hoạch dân cư dọc hai bên tuyến đường này nhằm đảm bảo tốc độ di chuyển từ Thành phố Cần Thơ về Thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) được nhanh chóng nhanh, tránh rơi vào “vét xe” như các địa phương khác.

Ngoài ra, theo ông Thành, tuyến cao tốc kết nối đến Thành phố Cần Thơ sẽ được định hình trong vòng ba năm tới. “Vì vậy, Hậu Giang cần có quy hoạch để kết nối được đồng bộ”, ông Thành nhấn mạnh.

 
Một gợi ý khác, theo ông Thành, trong bối cảnh vị trí địa lý của Hậu Giang không “sáng” hơn so với các địa phương khác, thì địa phương cần lấy lợi thể cải cách hành chính để thu hút đầu tư. “Tôi mong Hậu Giang sẽ vào top 10 các địa phương có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất”, ông Thành cho biết và cam kết sẽ kết nối các doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào Hậu Giang, không chỉ ở lĩnh vực đô thị mà còn cả về thương mại, dịch vụ.

10:25



Bà Lê Thị Truyền, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực, cho biết với doanh nghiệp để có hiệu qủa trong đầu tư đô thị tại Hậu Giang vấn đề quan trọng nhất là thời gian chuẩn bị đầu tư.

Bà cho biết, sau khi tìm hiểu Hậu Giang có thế mạnh về nông nghiệp thì tỉnh phải tìm đầu ra cho nông nghiệp, người nông dân không thể tìm đầu ra được. Hiện nay, cơ chế của tỉnh thì rất mở nhưng các phòng ban thì chưa mở nhà đầu tư rất khó tiếp cận. Doanh nghiệp của bà phải mất bốn tháng, để có ý kiến của tỉnh về tái định cư của dự án.

“Dù áp dụng công nghệ thông tin rồi nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với các phòng ban. Tôi đề xuất, Hậu Giang cần có tổ giúp việc về các dự án cho lãnh đạo tỉnh”, bà Truyền nói.


Bà Truyền đề xuất, để phát triển bất động sản ở Hậu Giang làm sao phải hạ giá thành bất động sản để người dân thu nhập bình thường có thể mua được nhà. Đồng thời, Hậu Giang nên đầu tư các khu công nghiệp kết hợp với đô thị cùng với việc phát triển logistics.

10:37


Đại diện Tập đoàn bất động sản Nam Hưng (Bắc Ninh) - đơn vị đang có dự án đầu tư nhà ở xã hội ở tỉnh Hậu Giang cho rằng địa phương nên đẩy mạnh thu hút cơ chế đầu tư theo hình thức BT. “Đây là hình thức kêu gọi đầu được tỉnh Bắc Ninh triển khai rất hiệu quả”, vị này cho biết và đề xuất đầu tư một dự án ở Thành phố Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang.

Theo gợi ý của đơn vị này, tỉnh Hậu Giang nên thành lập đội phản ứng nhanh để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. “Khi các dự án  tư gặp khó khăn, thì đội phản ứng nhanh này sẽ hỗ trợ, nhất là về các thủ tục đầu tư, xây dựng cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào địa phương”.

10:45

 
Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Giám đốc điều hành Pacific Group, hiến kế Hậu Giang hiện có rất nhiều người lập gia đình ở Đài Loan, Hàn Quốc. Vì vậy, tỉnh có thể tận dụng lực lượng này để mời gọi đầu tư về Hậu Giang.

Ông Minh cũng chỉ ra rằng, tại các hội thảo thu hút đầu tư lúc đầu thì rất thuận lợi, nhưng sau hội thảo nhà đầu tư tiếp cận làm dự án rất khó khăn và thủ tục kéo dài. Ông đề xuất Hậu Giang nên thu hút mời gọi thêm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch kết hợp với phát triển đô thị.
 


Hậu Giang phát triển đô thị: lấy con người làm trung tâm 

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá cao những đề xuất của doanh nghiệp về triển khai các các dự án đô thị sinh thái, đa chức năng, kết hợp khu du lịch, sân golf; các dự án phát triển bất động sản công nghiệp. “Đây là những dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Ông Châu cho biết, những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về thái độ thân thiện và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền của địa phương đối với các nhà đầu tư trong triển khai các dự án trên địa bàn là minh chứng cho thấy "kết quả trong xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, luôn hành đồng hành cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp".

Ông Châu cho rằng, những ý kiến được chia sẻ tại hội thảo là hết sức thiết thực và bổ ích cho địa phương trong công tác phát triển đô thị. “Nó giúp xác định được thực trạng đô thị Hậu Giang hiện nay cũng như đề xuất các giải pháp phát triển đồng bộ, bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương” ông cho biết.

Theo ông Châu, những nội dung của hội thảo cũng là nguồn tư liệu, kinh nghiệm quý, là tiền đề quan trọng giúp địa phương xây dựng và phát triển đô thị đáng sống. Trong đó, ưu tiên phát triển đô thị bền vững gắn với bảo vệ môi trường sống và nâng cao hiệu quả kinh tế trong mọi dự án đầu tư.

Vị lãnh đạo địa phương này nhấn mạnh, phát triển đô thị là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế của địa phương. “Thời gian qua, chúng tôi đã có những bước đi căn cơ trong xây dựng đô thị nhằm phát triển thành công mạng lưới đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Châu, dù số lượng các đô thị đến nay đã cơ bản đảm bảo, nhưng chất lượng, quy mô và tính liên kết còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Chính vì vậy, chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế- xã hội của tỉnh.
Trước thực trạng như vậy cũng như trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, ông Châu cho rằng, địa phương luôn chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, xã hội hóa trong nâng cao chất lượng, quy mô các đô thị. “Đây là chủ trương đúng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hậu Giang cũng như nhu cầu của thị trường bất động sản”, ông cho biết.

Lê Tiến Châu , Chủ tịch Hậu Giang phát biểu kết luận hội thảo Hậu Giang mở mang đô thị.

Ba điểm ưu tiên trong phát triển đô thị Hậu Giang. Theo ông Châu, quan điểm phát triển đô thị của Hậu Giang đó là: thứ nhất, phải lấy con người làm trung tâm để phát triển đô thị nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khoẻ cho người dân.

Thứ hai, phát triển đô thị phải bền vững, thích ứng với tự nhiên, tức phải cân bằng các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường và năng lực quản lý nhà nước; không phát triển ồ ạt, vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ sau.
 
Thứ ba, các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang dấu ấn đặc sắc của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, đặc thù tự nhiên.

 
Để phát huy các kết quả từ quan điểm và định hướng phát triển đô thị như nêu trên, ông Châu đề nghị: lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh phải tiếp thu, vận dụng vào quá trình chỉ đạo, điều hành công việc của đơn vị, địa phương mình.
Bên cạnh đó, ông Châu đề nghị các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Đồng thời, đẩy nhanh việc lập quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. 

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị nhằm gia tăng tính kết nối giữa các đô thị của tỉnh với nhau và giữa tỉnh Hậu Giang với các địa phương Đồng bằng sông cửu Long và TPHCM nhằm kết nối, kêu gọi thu hút đầu tư. 

Phát triển đô thị phải đồng thời giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, nâng chất đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.


Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở tại các địa bàn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội, các dự án phát triển nhà ở xã hội, dự án xây dựng khu tái định cư cũng như các dự án do nhà đầu tư có năng lực, uy tín đề xuất với quy mô lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn của các dự án đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư để nhà đầu tư sớm thực hiện dự án.
 
Theo lưu ý của ông Châu, việc phê duyệt các dự án phát triển đô thị trong thời gian tới phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với nội dung của chương trình phát triển nhà ở giai đoạn tới và có tính đến sự phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

 
Đối với Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật để thu hút, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. “Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, đô thị mới để chấn chỉnh không xảy ra tình trạng huy động vốn, góp vốn trái pháp luật”, ông nhấn mạnh.

 
Ngoài ra, ông Châu cũng yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển mở rộng đô thị theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu tư tự phát, dẫn đến lãng phí, thất thoát các nguồn lực xã hội...

 
Hội thảo “Hậu Giang- Mở mang đô thị” đã khép lại lúc 11 giờ 10 phút.

Hậu Giang với những dấu ấn mới hướng đến độ thị xanh cân bằng giữa phát triển đại và môi trường sống xanh

- Qua 16 hình thành và phát triển Hậu Giang đã có sự chuyển mình, bức phá ấn tượng. Tốc độ đô thị hóa từ 24,2% năm 2014 tăng lên 25,9% năm 2019, bình quân mỗi năm trên 0,34%. Từ 9 đô thị gồm: 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV ngày đầu nay tăng lên 16 đô thị.


- Trong đó, thị xã Long Mỹ, đã được công nhận là đô thị loại 3, thành phố Vị Thanh được công nhận là đô thị loại 2 và thị xã Ngã Bảy chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, 13 đô thị đạt loại 5. Tất cả đang hướng đến cân bằng giữa phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

- Hậu Giang có quy hoạch đồng bộ, chính sách đầu tư hấp dẫn. Chính điều này mà nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quyết định về đây gắn bó lâu dài. Tính riêng thành phố Vị Thanh, có 24 dự án được nhà đầu tư tiếp cận. Thành phố đang triển khai lập Quy hoạch và chuẩn bị trình chủ trương đầu tư, với khoảng 783 hecta.

- Đa số vị trí đầu tư các dự án nhà ở đều nằm trên đất nông nghiệp và giá đất tại Hậu Giang còn thấp so với các tỉnh thành lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng… cộng thêm nhu cầu của người dân được sở hữu nhà ở còn nhiều. Do đó, sẽ rất thuận lợi khi nhà đầu tư về Hậu Giang đầu tư làm ăn lâu dài.

- Ngày 10.01.2020 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 869 về việc thành lập P.Hiệp Lợi và TP.Ngã Bảy. Trên cơ sở này, Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 2 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện, 75 đơn vị hành chính cấp xã: 13 phường, 11 thị trấn, 51 xã.

- Chính sách kêu gọi đầu tư, thuế, tiền thuê đất, mặt nước hấp dẫn, thủ tục hành chánh đơn giản, tinh gọn. Tất cả đã và đang giúp Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản đến với vùng đất lành.


Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/303752/tuong-thuat-truc-tuyen-hoi-thao-hau-giang-mo-mang-do-thi.html


* Mời xem tiếp một số link tin bài về hội thảo Hậu Giang 20.5:


https://www.youtube.com/watch?v=i7lX7GcYV_o&feature=youtu.be

https://youtu.be/i7lX7GcYV_o   











































https://www.thesaigontimes.vn/303752/tuong-thuat-truc-tuyen-hoi-thao-hau-giang-mo-mang-do-thi.html 

Không có nhận xét nào: