Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Học và hành ở Đại học Nam Cần Thơ

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Sáu,  24/7/2020, 07:56


(TBKTSG) - Ngày 30-7 tới đây, TBKTSG cùng với trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) sẽ tổ chức một hội thảo bàn về mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học”. Xoay quanh mô hình này, phóng viên đã trao đổi thêm với TS.LS. Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNC.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

TBKTSG: Vì sao DNC lại chọn mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” vốn còn mới ở Việt Nam, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Chúng tôi chọn mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” vì qua thực tế hơn 20 năm làm công tác đào tạo, giảng dạy và cả việc nghiên cứu ở nước ngoài, chúng tôi thấy đa phần sinh viên Việt Nam học lý thuyết nhiều mà thực hành thì ít, trong khi phương thức đào tạo theo mô hình doanh nghiệp trong trường đại học thì chưa phổ biến; việc hướng dẫn cho sinh viên thực hành nghề nghiệp cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Từ khi thành lập DNC cách nay hơn bảy năm, Hội đồng sáng lập và Ban giám hiệu nhà trường đã đặt mục tiêu phải mở rộng mô hình này. Trường phát triển thêm ngành nghề nào cũng phải theo nguyên lý là học lý thuyết phải đi đôi với thực hành trực tiếp theo mô hình doanh nghiệp trong nhà trường.

Mong muốn của chúng tôi là làm sao mỗi sinh viên DNC khi ra trường phải là một người thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp và làm được cái nghề mình đã học.

TBKTSG: Có phải vì vậy mà một doanh nghiệp đã ra đời trước khi DNC ra đời?

- Cùng với việc xin thành lập trường Đại học Nam Cần Thơ, chúng tôi lập một doanh nghiệp, đó là tập đoàn Nam miền Nam, ra đời ngày 12-8-2011, đúng thời điểm Hội đồng sáng lập của DNC ra đời.

Và cũng chính tập đoàn này, tập trung khoảng 20 kỹ sư, kiến trúc sư, đã xây dựng ngôi trường của chúng tôi. Mô hình đầu tiên trong nhà trường là mô hình xây dựng và kiến trúc. Đến năm 2013, khi trường DNC ra đời thì đầu tiên là chúng tôi mở khoa xây dựng và kiến trúc. Lúc đó sinh viên DNC bắt đầu học và hành trong lĩnh vực này. Tức là sinh viên của chúng tôi học lý thuyết và sau đó đi thực tế, đến công ty, công trình để vừa học vừa áp dụng trên các bài lý thuyết của mình.

Sinh viên DNC học thực hành về cơ khí ô tô tại nhà trường. Ảnh: Huỳnh Kim

TBKTSG: Và đến nay, DNC đã “nở nồi” thêm 3 doanh nghiệp; có nhanh quá không?

- Thực tế hiệu quả tiến hành mô hình này đòi hỏi chúng tôi phát triển tiếp những doanh nghiệp mới trong nhà trường song hành với việc mở các ngành nghề mới theo nhu cầu của vùng ĐBSCL. Ví dụ sau khi DNC được phép mở tiếp các ngành về dược, cơ khí ô tô, công nghệ thông tin, sức khỏe... thì DNC lập thêm Viện Nghiên cứu phát triển dược liệu DNC, bốn xưởng cơ khí, Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC và Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ.

Với viện dược liệu, các em học lý thuyết, đến phòng thí nghiệm thực hành rồi chuyển qua viện này học sản xuất sản phẩm dược liệu. Hiện viện dược liệu của chúng tôi đã có ba sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế công nhận, là viên gout DNC, viên gan DNC và nước rửa tay phòng chống dịch Covid-19. Sắp tới viện dược liệu sản xuất tiếp sản phẩm cho người tiểu đường và huyết áp. Riêng Khoa Công nghệ thực phẩm thì sản xuất nước uống tinh khiết DNC, các sản phẩm bánh kẹo, nước uống trái cây xanh sạch có nguồn gốc từ huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Với ngành cơ khí ô tô, ngoài việc thực hành tại bốn nhà xưởng về động cơ, điện tử, nguội, tiện, phay, bào, hàn... sinh viên còn được học và thực hành tại Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC, chuyên lắp ráp, bảo trì, bảo hành, mua bán, kinh doanh và làm các dịch vụ khác về ô tô. Công ty này và Khoa Cơ khí Động lực vừa cho ra đời sản phẩm xe điện năng lượng mặt trời DNC 9 chỗ ngồi. Sản phẩm này dự kiến ra mắt vào ngày 15-8 tới tại showroom ô tô DNC.

Trong ngành sức khỏe, chúng tôi đang xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ 300 giường, dự kiến tháng 5-2021 sẽ hoạt động. Bệnh viện này, ngoài việc khám, chữa bệnh, phục vụ cho cộng đồng thì đây là môi trường học tập và thực hành cho sinh viên ngành xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, y đa khoa, dược và cả ngành quản lý bệnh viện.

Tháng 9 tới, chúng tôi phát triển thêm mô hình doanh nghiệp trong nhà trường cho ngành du lịch và quản trị nhà hàng.

TBKTSG: Thầy cô và sinh viên DNC đã có “phản biện” gì với ông về mô hình này?

- Chúng tôi thấy vấn đề hiệu quả từ mô hình này là rất khả thi. Ba khóa sinh viên ra trường đầu tiên của DNC vừa rồi thì nói thực lòng chúng tôi rất vui, vì hầu hết, trên 95% sinh viên của chúng tôi đã có việc làm; thậm chí đôi lúc mình cần tuyển lại sinh viên của mình mà tuyển cũng không ra nữa.

Mô hình này của chúng tôi là một cánh cửa rộng mở, không những cho trường của chúng tôi mà còn cho các trường bạn muốn thực tập thì chúng tôi cũng sẵn lòng. Ngoài ra, chúng tôi vẫn cho sinh viên cọ xát nhiều hơn nữa ở môi trường thực tế bên ngoài như ở các bệnh viện, các công ty lớn tại Cần Thơ, Hậu Giang... để thực tập thêm.

TBKTSG: Vậy ông kỳ vọng gì với hội thảo về đề tài này vào tuần tới?

- Từ thực tiễn mô hình đang mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho hơn 12.000 sinh viên, học viên DNC nên nhà trường sẽ phối hợp với TBKTSG tổ chức một cuộc hội thảo vào ngày 30-7 tới. Được biết, đây là hội thảo đầu tiên về đề tài này trong trường đại học ở Việt Nam.

Chúng tôi mong các ý kiến của nhiều nhà khoa học giáo dục, nhà doanh nghiệp, của giảng viên, sinh viên... đóng góp tại hội thảo sẽ giúp mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” lan tỏa để có thể áp dụng ở khắp mọi nơi trong nước trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

Không có nhận xét nào: