Nguyễn
Hữu Thiện
(TBKTSG Online) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với ba
thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thiếu bền vững và
thủy điện Mêkông. TBKTSG Online giới thiếu bài viết của chuyên gia độc
lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, phân tích ba thách thức trên và đề
xuất định hướng chiến lược vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Nông dân đang giăng lưới bắt cá trong mùa lũ ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh |
Trụ cột kinh tế và hệ sinh thái ĐBSCL
ĐBSCL có hai trụ cột kinh tế chính là nông
nghiệp và thủy sản, gồm thủy sản nuôi và thủy sản tự nhiên, nước ngọt, nước lợ
và nước mặn. Tất cả những hợp phần kinh tế khác ở ĐBSCL như công nghiệp, xây
dựng và dịch vụ đều từ 2 trụ cột kinh tế này xây lên. Hai trụ cột kinh tế chính
này lại dựa vào nền tảng chính là đất và nước. Đất và nước của ĐBSCL phụ thuộc
vào dòng chảy và quá trình vận chuyển phù sa sông Mêkông, nước mưa và sự tương
tác với biển, thủy triều.
Trong quá khứ, ở ĐBSCL không có từ “mùa lũ”
mà chỉ có từ “mùa nước nổi” để chỉ mùa nước dâng do nước từ phía thượng nguồn
sông Mêkông đổ về, từ tháng 6-7 đến tháng 12 hàng năm. Lũ ở ĐBSCL lên chậm và
rút chậm “hiền hòa” hơn so với ở miền Trung và miền Bắc, do có hệ thống điều
hòa tự nhiên gồm 3 “túi nước” có khả năng hấp thu nước, điều hòa dòng chảy: hồ
Tonle Sap ở Campuchia, vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Các khối
nước khổng lồ được hấp thu, tạm trữ trong các vùng trũng này điều hòa dòng
chảy, giảm ngập cho phía hạ lưu trong mùa lũ và bổ sung dòng chảy vào mùa khô,
giúp cân bằng mặn-ngọt cho vùng ven biển.
ĐBSCL có vị trí đặc biệt nhất trong toàn bộ
lưu vực Mêkông vì tiếp giáp với biển. ĐBSCL chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật
triều từ Biển Đông, tạo nên chế độ thủy văn nội địa và dòng chảy độc đáo. Dòng
chảy đảo chiều và mực nước thay đổi trong ngày gọi là “nước ròng, nước lớn”;
thay đổi 2 lần trong tháng theo âm lịch gọi là “nước rong, nước kém”; và hai
mùa gọi là “mùa khô và mùa nước nổi”.
Chế độ thủy triều độc đáo với nước ròng, nước
lớn hàng ngày, nước rong nước kém hàng tháng, và mùa khô, mùa nước là vô cùng
quan trọng cho sự hình thành và tồn tại của ĐBSCL. Chế độ thủy văn này hình
thành sinh thái, văn hóa, lối sống và sinh kế của người dân ĐBSCL. Chế độ thủy
triều cũng có tác dụng súc rửa, tự làm sạch cho đồng bằng.
Về sinh thái và kinh tế, ĐBSCL bao gồm một
vùng nước ven bờ biển gọi là Mekong Plume.
Trong khoảng 160 triệu tấn phù sa mịn của
sông Mêkông, khoảng 100 triệu tấn phù sa và 16.000 tấn dinh dưỡng bám vào phù
sa được mang ra vùng nước này hàng năm, chưa tính lượng cát, sỏi. Lượng phù sa
và cát sỏi này có vai trò rất lớn về địa mạo, giúp bồi lấn ra biển và duy trì
bờ biển, tạo nên năng suất thủy sản ven biển, với lượng khai thác khoảng
500.000-726.000 tấn hàng năm.
Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu về mối tương quan
giữa lượng phù sa và năng suất thủy sản biển và hình thái địa mạo bờ biển, tầm
quan trọng của vùng nước này bị xem nhẹ trong những quy hoạch phát triển ĐBSCL.
Thông thường, từ góc nhìn nông nghiệp, nước ngọt ở nội địa, đặc biệt từ góc
nhìn ưu tiên cây lúa, nước ngọt chảy ra biển bị xem là phí. Nhưng nhiều nghiên
cứu đã chỉ ra, nước ngọt chảy ra biển là một quá trình tự nhiên, có vai trò lớn
cho vùng ven biển vì nó ảnh hưởng địa mạo, độ mặn, độ đục, và năng suất thủy
sản. Vì vậy, vùng nước ven biển này (Mekong Plume) cần được xem là một phần
không thể tách rời trong chiến lược phát triển ĐBSCL.
Phát triển thiếu bền vững
Gia tăng ngập và hạn-mặn
Trong 20 năm qua, rất nhiều diện tích ở 2 túi
nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã bị bao đê khép kín để canh tác lúa
vụ ba.
Trong 11 năm (2000-2012) diện tích lúa vụ 3 ở
4 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An tăng 7 lần, từ 53.500 ha lên
403.500 ha, đặc biệt ở An Giang và Đồng Tháp. Tăng mạnh nhất năm 2005, chững
lại vào 2006-2008, tăng lại vào 2009-2012. Năm 2017, tổng diện tích lúa vụ ba
trong mùa lũ trên toàn đồng bằng lên đến 810.000 ha.
Những khối nước khổng lồ ngoài các ô đê bao
khép kín này không được hấp thu vào các vùng đồng ngập lũ đã gây gia tăng ngập
ở các vùng hạ lưu và chảy hết ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô, hai vùng Tứ
giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không có nước để bổ sung cho dòng chính đẩy
mặn ra, làm gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển.
Theo Trung tâm quản lý môi trường quốc tế
(ICEM), sự tăng diện tích ô đê bao khép kín riêng ở vùng Tứ giác Long Xuyên đã
làm giảm khả năng hấp thu lũ của vùng này từ 9,2 tỉ mét khối năm 2000 xuống còn
4,5 tỉ mét khối năm 2011. Lượng nước bị choáng chỗ đã làm tăng ngập ở Thành phố
Cần Thơ năm 2011 thêm 4cm. Đê bao khép kín vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long
Xuyên đã làm tăng mực nước ở Cần Thơ 5cm,ở Mỹ Thuận 3cm.
Canh tác lúa ba vụ trong đê bao khép kín cũng
làm cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên, là nguồn dinh dưỡng quan trọng của người
dân nông thôn, và nguồn thu nhập cho những người nghèo không đất ở nông thôn.
Đê bao khép kín cũng ngăn không cho nước lũ
vào đồng. Kinh nghiệm cho thấy sau khoảng 20-25 năm, đất đai sẽ cạn kiệt chất
dinh dưỡng và chi phí canh tác tăng cao. Một khảo sát của IUCN năm 2014 tại
Đồng Tháp cho thấy với một hộ gia đình 5 người canh tác lúa ba vụ, nếu diện
tích đất dưới 1 ha thì thu nhập không đủ sinh sống và buộc phải di cư đi nơi
khác tìm việc làm. Một nghiên cứu kinh tế đã cho thấy canh tác lúa ba vụ liên
tục trong 15 năm trên diện tích 1 ha, nếu cộng cả chi phí đắp, duy tuy, bảo
dưỡng đê và các chi phí khác, xã hội sẽ bị lỗ 47,8 triệu đồng. Hay nói cách
khác, càng canh tác lúa ba vụ,sẽ càng nghèo thêm.
Khai thác
nước ngầm, ô nhiễm nước mặt, sụt lún đất
Báo cáo của Đại học Utrectch, Hà Lan cho biết sự sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm đã tăng dần. Trong 25 năm
(1991-2016), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm do khai thác nước ngầm. Tốc độ
sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm là 1,1cm/năm, có những nơi
sụt lún 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Trong 25 năm qua, những vùng lớn của ĐBSCL đã
bị hạ mực nước ngầm hơn 5m. Tầng nước càng sâu càng sụt giảm nhiều và những
vùng sụt giảm mạnh là ở xung quanh các đô thị lớn, các khu công nghiệp có khai
thác nước ngầm nhiều như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Tân An. TPHCM có những
vùng sụt giảm hình nón đối với tất cả các tầng nước, với mực nước ngầm giảm hơn
20m, có nơi hơn 40m. Báo cáo cũng dự báo rằng với xu hướng nhu cầu nước ngầm
ngày càng tăng ở ĐBSCL, tốc độ sụt lún sẽ càng gia tăng trong tương lai gần.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc
vào nước ngầm. Đối với vùng ven biển, nước ngọt cho sinh hoạt và thủy sản thâm
canh chủ yếu dựa duy nhất vào nước ngầm. Đối với vùng nội địa, trên phần lớn
ĐBSCL, kể cả ở vùng nông thôn nhiều sông rạch, nguồn nước cho sinh hoạt cũng
chủ yếu là nước ngầm do nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều nguồn
gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thủy sản và quan trọng nhất là nước thải
từ nông nghiệp canh tác thâm canh ba vụ lúa một năm chứa nhiều dư lượng phân bón,
nông dược.
Việc làm này dẫn tới sự phụ thuộc vào hóa
chất nông nghiệp vì đê bao ngăn cản phù sa vào đồng ruộng, làm đất đai bạc màu,
chi phí canh tác tăng. Ước tính mỗi năm ĐBSCL tiêu thụ 1,5-2 triệu tấn phân bón
và 100.000 tấn nông dược, chưa tính lượng hóa chất sử dụng cho thủy sản và vườn
cây ăn trái, tổng cộng 700.000 ha.
Bên cạnh đó, khoảng 100 triệu mét khối nước
thải sinh hoạt, 600.000 mét khối chất thải rắn không xử lý đã được xả thẳng ra
môi trường nước. Nhiều nhà máy công nghiệp cũng xả thẳng nước thải và chất thải
rắn ra sông ngòi, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Như vậy, vấn đề sụt lún của ĐBSCL đáng lo
ngại hơn nhiều so với nước biển dâng (trung bình chỉ khoảng 3mm/năm). Để cứu
ĐBSCL khỏi bị chìm nhanh, chỉ có cách duy nhất là phải giảm khai thác
nước ngầm. Đối với vùng ven biển có thể áp dụng các công nghệ lọc nước biển như
màng Nano và RO. Đối với vùng nội địa, cần phải khôi phục chất lượng nước mặt
bằng cách giảm ô nhiễm từ hai nguồn lớn là công nghiệp và nông nghiệp thâm
canh. Cần thay đổi chiến lược nông nghiệp ĐBSCL sang hướng nông nghiệp sạch,
giảm thâm canh, chú trọng chất lượng và đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản. Công
nghiệp cho ĐBSCL nên theo hướng công nghiệp chế biến, hỗ trợ cho nông nghiệp,
áo dụng công nghệ hiện đại, giảm ô nhiễm.
Sạt lở bờ sông, bờ biển do thủy điện
và khai thác cát
ĐBSCL do quá trình bồi đắp của phù sa, cát
sỏi tạo nên trong quá trình “kiến tạo đồng bằng”. Trong quá trình đó, sạt lở và
bồi đắp là một quá trình tự nhiên.
Tuy nhiên, trong quá khứ (trước năm 1992 khi
các đập dòng chính sông Mêkông bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc), trong quá
trình kiến tạo đồng bằng, tổng lượng bồi đắp của ĐBSCL lớn hơn tổng lượng sạt
lở. Trong quá khứ không có hiện tượng sạt lở trên diện rộng và trung bình trong
6.000 năm qua, đồng bằng được mở rộng về phía đông với tốc độ 26m/năm và về
hướng mũi Cà Mau với tốc độ 16m/năm, tức là khuynh hướng bồi luôn trội hơn
khuynh hướng lở.
Trong 25 năm vừa qua, khuynh hướng sạt lở có
khuynh hướng trội hơn khuynh hướng bồi đắp, nhất là trong 10 năm và 5 năm gần
đây nhất, sạt lở càng gia tăng. Hiện nay, hơn 50% tổng chiều dài bờ biển của
ĐBSCL đang bị sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển thụt lùi đến hơn 50m, và trung bình
mỗi năm mất khoảng 500 ha đất ven biển. Sạt lở bờ sông cũng đang diễn ra dữ dội
trên diện rộng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng chiều dài sạt lở bờ
sông, bờ biển ĐBSCL là 891km.
Có 2 nguyên nhân chính có biến động đáng kể
từ sau 1992 làm tăng sạt lở là tải lượng phù sa mịn và lượng cát bị mất đi do
khai thác cát trên sông Mêkông. Số liệu của MRC cho biết, so giữa 1992 và năm
2014, tải lượng phù sa mịn sông Mêkông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85
triệu tấn/năm. Số liệu phù sa nói trên chưa bao gồm thành phần cát, sỏi di
chuyển ở đáy sông.
Trong 10 năm (1998-2008), cát trên sông Tiền
và sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều. Báo cáo của giáo sư Bravard (Đại học
Lyon) và tiến sĩ Goichot (WWF) cho biết, từ 1998 đến 2008 sông Tiền đã mất
khoảng 90 triệu tấn vật liệu đáy sông, sông Hậu mất 110 triệu tấn. Tốc độ khai
thác hàng năm khoảng 27 triệu mét khối (57 triệu tấn) trong khoảng 2008-2012.
Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực
hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa, còn 42 triệu tấn, tức ¼
lượng cũ trước năm 1992 và 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn
bị các đập giữ lại. Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn, khó có biện pháp tại
chỗ nào ở ĐBSCL, công trình hay phi công trình, có thể cưỡng lại được khuynh
hướng này.
Các hố xoáy tự nhiên hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây sạt lở, vì các
hố xoáy là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mêkông. Trên toàn sông Mêkông có
đến gần 500 hố, có hố sâu đến 90,5m, hố dài nhất đến 17,5km. Ở ĐBSCL có 22 hố
tự nhiên đã được khảo sát. Sự thiếu hụt cát mới là nguyên nhân chính làm các hố sâu dịch chuyển và mở rộng.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, El Nino,
La Nina
Biến đổi khí hậu đang diễn ra, ảnh hưởng mọi
mặt đời sống và sản xuất ở ĐBSCL với các biểu hiện như tăng nhiệt độ, nắng
nóng, mưa trái mùa, tăng tần suất các sự kiện cực đoan.
Về nước biển dâng ở ĐBSCL, kịch bản 2016 về
nước biển dâng của Bộ TN&MT, dự báo đến cuối thế kỷ 21 là 53cm, và 55
cm cho vùng Biển Đông và Biển Tây.
Từ sau trận lũ lớn năm 2011, nước lũ về ĐBSCL
thường là lũ trung bình và thấp. Đỉnh điểm là lũ thấp cực đoan năm 2015 dẫn đến
tình trạng hạn mặn mùa khô 2016. Năm 2016 lũ có về, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh
trung bình nhiều năm, nên gây ra cảm nhận rằng từ nay ĐBSCL không còn lũ do các
đập thủy điện chặn dòng.
Trước tiên nên xét nguyên nhân gây ra lũ
thấp. ĐBSCL phụ thuộc lượng nước Mêkông, tổng dòng chảy trung bình 475 tỉ mét
khối mỗi năm, trong đó phần Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% từ
biên giới Lào-Trung Quốc trở xuống, trong đó mưa ở Lào, đông bắc Thái Lan, và
Campuchia quan trọng nhất. Mưa tại chỗ ở ĐBSCL khoảng 1,400-2.000mm/năm đóng
góp 11%.
Về thủy điện, các đập Trung Quốc và các đập
chi lưu là các đập có hồ chứa lớn, trữ nước mùa lũ, xả ra phát điện trong mùa
lũ và mùa khô. Còn 11 đập dự kiến trên dòng chính ở Lào và Campuchia vận hành
theo ngày, tích nước khoảng 16 giờ, xả ra khoảng 8 giờ.
Trong những năm bình thường, các đập ở Trung
Quốc không có khả năng nhiều trong việc kiểm soát nguồn nước do phần đóng góp
ít và vì các đập cũng phải xả ra để phát điện. Trong những năm khô hạn, các đập
này gia tăng trữ nước và làm tồi tệ thêm tình hình. Năm ngoái, một El Nino cực
đoan làm mưa ít kỷ lục trên toàn lưu vực, dẫn đến mực nước mùa lũ thấp kỷ lục,
mặn xâm nhập gay gắt ở ĐBSCL. Vậy, nguyên nhân ban đầu của hạn-mặn ĐBSCL là El
Nino; thủy điện là tác nhân thứ hai gây tồi tệ thêm chứ không phải là nguyên
nhân ban đầu.
El Nino là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm một lần, và có những
lần cực đoan dẫn đến khô hạn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các sự kiện cực
đoan được dự báo sẽ diễn ra thường xuyên hơ; ví dụ từ 100 năm một lần xuống còn
20-25 năm một lần, nhưng dù sao cũng không phải là tình hình chung cho tất cả
các năm. Ngược với El Nino là La Nina có thể dẫn đến mưa lũ nhiều, theo quy
luật bù trừ, vì vậy đang khi hạn mặn do El Nino phải luôn luôn dè chừng La Nina sau đó.
Còn 11 đập ở hạ lưu vực, tới nay có 3 đập đã
khởi công nhưng chưa hoàn tất, nên chưa phải là nguyên nhân. Sau này khi hoàn
tất, trong những năm bình thường các đập này không ảnh hưởng lớn đến mực nước
ĐBSCL, nhưng những năm khô hạn mỗi đập có khả năng giữ nước từ 1,5 đến 18 ngày,
làm nước về chậm cả tháng khi đi qua chuỗi đập. Khi đó, tình hình sẽ nghiêm
trọng.
Tác động của thủy điện Mêkông
Nằm ở phía cuối của lưu vực Mêkông, ĐBSCL
chịu tác động rất lớn của sự phát triển thủy điện ở lưu vực Mêkông.
Giảm phù sa mịn
Hiện tượng này gây bạc màu đất, ảnh hưởng
nông nghiệp; gây ra hiện tượng “nước đói phù sa” dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ
biển; giảm lượng dinh dưỡng mang ra biển, ảnh hưởng năng suất thủy sản ven biển
trong vùng Mekong Plume. Thiếu phù sa trong vùng nước biển ven bờ, giảm bồi đắp
và gia tăng sạt lở bờ biển, nhất là đoạn bờ biển bùn phía Biển Đông từ Sóc
Trăng đến mũi Cà Mau và phía Biển Tây từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên. Thiếu dinh
dưỡng cho hệ sinh thái thủy sinh, ảnh hưởng đến năng suất thủy sản nước ngọt.
Theo Ủy hội Mêkông quốc tế, so giữa 1992 và
2014, tải lượng phù sa mịn sông Mêkông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85
triệu tấn/năm. Số liệu phù sa nói trên chưa bao gồm thành phần cát, sỏi di
chuyển ở đáy sông, ước lượng khoảng 30 triệu tấn/năm. Dự báo sau khi 11 đập ở
hạ lưu vực xây dựng xong, lượng phù sa mịn còn lại sẽ bị giảm 50% một lần nữa
xuống còn 42 triệu tấn/năm.
Chặn toàn bộ cát, sỏi về ĐBSCL
Hiện nay toàn bộ cát sỏi từ phía thượng lưu
vực đã bị chặn. Sau khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, 100% cát, sỏi sẽ bị chặn
tiếp. Khi đó sạt lở sẽ diễn ra dữ dội đối với bờ sông Tiền, sông Hậu và bờ
biển, nhất là đoạn bờ biển cát dài 250km ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang
qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng đến Bạc Liêu.
Mất 100% cá trắng
Khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn tất, 100% lượng cá trắng, tức các
loài cá phải di cư ngược dòng hàng năm để sinh sản, sẽ hoàn toàn biến mất. Sự
tổn thất cá trắng sẽ ảnh hưởng lớn đến dinh dưỡng và thu nhập của người dân
ĐBSCL, nhất là người nghèo nông thôn và ảnh hưởng đến các loài ăn cá và tác động dây chuyền đến toàn bộ hệ sinh thái
ĐBSCL.
Ảnh hưởng thủy sản biển
Trong160 triệu tấn tải lượng phù sa mịn sông
Mêkông vận chuyển hằng năm, một phần được bồi lắng ở các cánh đồng ngập lũ ở
Campuchia và ở ĐBSCL, còn lại khoảng 100 triệu tấn phù sa và 16.000 tấn dinh
dưỡng bám vào phù sa được mang ra vùng nước ven biển ĐBSCL (vùng Mekong Plume).
Khi lượng phù sa và dinh dưỡng này giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thủy sản
vùng ven biển ĐBSCL trong vùng Mekong Plume.
Ảnh hưởng dòng chảy
Đối với ảnh hưởng dòng chảy của các đập thủy
điện Mêkông, cần phân biệt giữa các đập ở Trung Quốc và 11 đập ở hạ lưu vực và
phân biệt giữa những năm bình thường và những năm đặc biệt khô hạn.
Các đập ở phần Trung Quốc là các đập có hồ
chứa lớn, có khả năng tích nước trong mùa lũ, xả ra để phát điện trong mùa khô.
Theo lý thuyết, các đập này sẽ làm tăng dòng chảy mùa khô đối với ĐBSCL trong
những năm bình thường. Do lượng nước đóng góp vào lưu vực của phần Trung Quốc là
nhỏ, chỉ 16% nên các đập này ảnh hưởng không lớn về lượng nước đối với ĐBSCL.
Tuy nhiên, trong những năm đặc biệt khô hạn, như năm 2016, các đập này có thể
gia tăng trữ nước và làm tình hình khô hạn trầm trọng hơn.
11 đập ở phía hạ lưu vực, về lý thuyết cho
nước chảy qua trong ngày (trung bình đóng đập 8 giờ và xả ra phát điện 16 giờ).
Trong những năm bình thường, các đập này sẽ không ảnh hưởng lớn về lượng nước
và mực nước ở ĐBSCL. Tuy nhiên trong những năm đặc biệt khô hạn, mỗi đập có khả
năng lưu nước từ 1,5 ngày đến 18 ngày làm chậm đáng kể dòng chảy đi qua chuỗi
đập, làm cho tình trạng hạn-mặn ở ĐBSCL tồi tệ hơn một cách nghiêm trọng.
Kiến nghị chiến lược ứng phó và phát triển
Với biến đổi khí hậu
Do tất cả các dự báo đều hàm chứa sự không chắn chắn, có thể thay đổi,
cập nhật trong tương lai, nên áp dụng “Nguyên tắc không hối tiếc” (no-regrets
principle) hay còn gọi là “Nguyên tắc cẩn trọng” (precautionary principle),
trong đó ưu tiên các hành động thích ứng ít rủi ro tác động ngược, có thể sửa
đổi được khi nhận ra sai lầm. Không nên đi vào con đường dẫn vào ngõ cụt, không
có đường lùi. Hành động thích ứng phải có cái nhìn tổng thể về không gian, thời
gian, đa ngành; tính đến tác động tổng thể lên toàn đồng bằng, tác động đến nơi khác, ngành khác, và về lâu dài.
Cụ thể, nên hạn chế các biện pháp công trình
lớn như đắp cửa sông và ngọt hóa, vừa kém hiệu quả, vừa đảo lộn điều kiện tự
nhiên, không thể cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được. Tác động
lớn nhất của các công trình ngăn sông, ngăn mặn ở ĐBSCL là làm mất chế độ thủy
triều, tạo thành vùng nước tù ô nhiễm, mất sự trao đổi sinh thái với biển, ảnh
hưởng sinh thái nội địa và sinh thái biển.
Với công nghiệp
Vì vùng ĐBSCL rất nhạy cảm về môi trường,
nhất là môi trường nước, công nghiệp của ĐBSCL chỉ nên ưu tiên đầu tư công
nghiệp chế biến để hỗ trợ cho nền nông nghiệp chuyển hướng sang nông nghiệp
sạch để nâng cao giá trị của chuỗi giá trị và tránh ô nhiễm nguồn nước mặt.
Với nông nghiệp
Nên chuyển hướng chiến lược sang nông nghiệp
bền vững, chú trọng giá trị hơn số lượng để phục hồi đất đai, nguồn nước, và
sức chống chịu của đồng bằng. Cần xem xét lại khái niệm và chiến lược an ninh
lương thực.
Với sụt lún
Đây là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với
nước biển dâng và không thể giải quyết bằng biện pháp công trình. Con đường duy
nhất để cứu ĐBSCL là phải giảm sử dụng nước ngầm. Cụ thể, đối với vùng ven biển
sử dụng công nghệ (Nano, RO...). Với vùng nội địa, giảm ô nhiễm nước mặt (công
nghiệp, nông nghiệp thâm canh).
Với sạt lở
Nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở bờ
sông, bờ biển trên diện rộng của ĐBSCL là do thiếu hụt phù sa mịn và cát, sỏi
gây mất cân bằng trên toàn hệ thống. Dự báo khuynh hướng sạt lở sẽ diễn biến
trầm trọng hơn và sẽ không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể cưỡng lại khuynh
hướng này. Chúng tôi kiến nghị những việc cần làm ngay và những việc không nên
làm:
- Lập bản đồ cảnh báo độ rủi ro sạt lở bờ
sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại tài sản, tính mạng.
- Quản lý khai thác cát chặt chẽ để đảm bảo duy trì bờ sông, bờ biển,
cần biết rằng trong tương lai không còn nguồn cung cấp cát từ sông Mêkông nữa
sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn tất.
- Không nên lấp các hố sâu tự nhiên, vì rất
tốn kém và không hiệu quả. Các hố sâu này được hình thành theo quy luật tự
nhiên, có vai trò cân bằng động lực, khi lấp các hố này sẽ xuất hiện các hố sâu
khác.
- Không nên tiêu tốn nguồn lực vào những biện
pháp công trình lãng phí và kém hiệu quả. Các biện pháp công trình như bờ kè,
chỉ nên tiến hành ở những nơi tối cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng người
dân trong ngắn hạn. Các biện pháp công trình như bờ kè có thể tạo cảm giác an
toàn giả, đến khi bờ kè sụp đổ, thiệt hại sẽ lớn hơn. Bất cứ công trình nào
cũng đều có tuổi thọ và chi phí duy tu sẽ tăng theo thời gian.
- Trồng và phục hồi rừng ven biển là rất cần
thiết. Tuy nhiên, trồng rừng chỉ khả thi ở những nơi bồi và còn đủ phù sa trong
nước. Ở những nơi đang sạt lở và đặc biệt trong tương lai khi phù sa trong nước
giảm mạnh, việc trồng rừng sẽ không khả thi.
Quan trọng hơn là cần phải tiếp cận tổng thể
ĐBSCL trong thực hiện chiến lược này. Vì hệ tự nhiên ĐBSCL vận hành theo quy
luật tự nhiên, nằm trong tổng thể nhất quán. Hành động của một địa phương có
thể ảnh hưởng địa phương khác. Hành động của một ngành đơn lẻ có thể ảnh hưởng
đến ngành khác. Hành động ngày hôm nay có thể ảnh hưởng đến dài hạn.
Cần đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng theo Quyết định 593 của Chính phủ.
Cần tính đến vùng nước biển ven bờ, có liên hệ chặt chẽ về sinh thái với ĐBSCL
và là một phần quan trọng của nền kinh tế ĐBSCL. Tránh cách làm cục bộ theo địa
phương; làm theo kiểu “uống thuốc giảm đau”, thấy đâu trị đó, ngắn hạn mà cần
phục hồi sức khỏe của cả hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường.
* Đã đăng TBKTSG Online 19-9-2017:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét