Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư xử lý môi trường tại ĐBSCL

Huỳnh Kim
Tại buổi làm việc giữa đoàn doanh nghiệp tỉnh Hiroshima và TP Cần Thơ ngày 13-9. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Tiếp tục sự hợp tác từ năm 2014, đoàn đại diện của 8 doanh nghiệp tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) đã ký kết bản ghi nhớ (MoU) với thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng về việc hợp tác xử lý môi trường tại hai địa phương này và cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bản ghi nhớ này được ký kết ngay sau khi đoàn doanh nghiệp Hiroshima cùng hơn 200 đại diện doanh nghiệp và nhà quản lý ở ĐBSCL dự hội thảo “Kết nối doanh nghiệp về xử lý môi trường giữa khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima - Nhật Bản” tổ chức tại Cần Thơ hôm qua, 12-9.

Ngày 13-9, làm việc tiếp với UBND TP Cần Thơ, đoàn doanh nghiệp Hiroshima cho biết sẽ cùng Cần Thơ, Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL khác xúc tiến việc hợp tác đầu tư các dự án xử lý rác thải, nước thải, an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm cả tín dụng cho các dự án này, bằng công nghệ Nhật Bản để làm sạch môi trường, nhất là tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp.

Ông Kazunari Kawaguchi, đại diện chính quyền tỉnh Hiroshima, trưởng đoàn, cho biết việc thảo luận tại hội thảo với hàng chục doanh nghiệp và lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh ĐBSCL vào ngày 12-9 cho thấy nhu cầu giữa hai bên về xử lý môi trường là rất lớn.

“Dựa vào bản ghi nhớ đã được ký kết, chúng ta sẽ mở ra nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp Hiroshima với Cần Thơ, Sóc Trăng và nhiều tỉnh ĐBSCL khác”, ông Kawaguchi nói.

Riêng với Cần Thơ, các doanh nghiệp Hiroshima đề nghị sớm hình thành các dự án hợp tác xử lý môi trường bằng công nghệ và cả nguồn vốn từ phía Nhật Bản, cho các doanh nghiệp cả ở trong các khu công nghiệp, về xử lý rác thải, nước thải, bùn thải và vệ sinh thực phẩm.

Phía Nhật Bản cũng đề nghị các doanh nghiệp ĐBSCL nên tái chế nguồn vỏ trấu thành chất đốt thay vì bỏ đi hàng trăm tấn trấu sau mỗi mùa lúa. Họ cũng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam nên tái chế rác thải, nước thải, bùn thải thành nguyên liệu hữu ích chứ không chỉ làm sạch môi trường.

Ông Kawaguchi cho biết các doanh nghiệp Hiroshima có đủ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiên để hợp tác cùng Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL thực hiện các dự án này.

Theo đại diện hai ngân hàng Nhật Bản trong đoàn doanh nghiệp này, phía Hiroshima cũng sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp ĐBSCL về vốn vay để thực hiện dự án.

Ông Takaaki Nishikawa, Trợ lý giám đốc Phòng Kinh doanh quốc tế (Assistant Manager International Business Deparment) Ngân hàng Hiroshima, cho biết đang có hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam (90% sản xuất, 10% thương mại).

Theo ông Nishikawa, đa số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM với thủ tục thường chỉ mất 1-2 tuần là có giấy phép. Nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn mở rộng đầu tư vào ĐBSCL, Gia Lai và các tỉnh quanh Hà Nội nhưng lại ngại thủ tục ở những nơi này vì thường phải mất gần 2  tháng.

“Khi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Cần Thơ và vùng ĐBSCL, họ mong chính quyền sở tại hỗ trợ thủ tục nhanh như ở Hà Nội, TPHCM. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất mong tuyển được nhân viên biết tiếng Nhật”, ông Nishikawa nói.

Trao đổi về các đề nghị này, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết chính quyền TP Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên sớm hình thành và thực hiện các dự án xử lý môi trường như đã ký kết.

Ông Dũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ làm đầu mối giúp các doanh nghiệp thực hiện việc này, đặc biệt với các đề xuất của phía Nhật Bản về xử lý chất đốt từ vỏ trấu và xử lý nước thải, rác thải, bùn thải thành nguyên liệu hữu cơ.


Về thủ tục đầu tư, ông Dũng nói: “Chúng tôi đang cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hiroshima triển khai các dự án tại TP Cần Thơ sớm nhất”.

Hợp tác giữa  tỉnh Hiroshima với Cần Thơ và Sóc Trăng từ năm 2014 đến nay

- Tháng 11-2014, Công ty Emax và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng ký bản ghi nhớ và thực hiện sử dụng máy làm sạch nước loại nhỏ của Nhật.

- Công ty Hinomaru Sangyo và doanh nghiệp ở Sóc Trăng ký kết bản ghi nhớ và thực hiện thử nghiệm chất làm sạch nước tại trang trại nuôi tôm.

- Tứ tháng 3-2016, Công ty Nihon Mikuniya và UBND TP Cần Thơ thực hiện thí nghiệm chứng thực về việc giảm thể tích bùn của hệ thống cống rãnh.

- Từ tháng 4-2016, Công ty Fukukawa xuất khẩu nguyên liệu nhựa tái sinh từ nhựa công nghệp cho các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Nguồn: Tài liệu của đoàn doanh nghiệp Hiroshima họp tại Cần Thơ

* Đã đăng TBKTSG Online 13-9-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 14-9-2017:

Không có nhận xét nào: