Thứ Tư, 24/10/2018, 11:54
(TBKTSG Online) - Được người thân cho tờ 100 đô la, ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mang ra tiệm vàng đổi gần 2,3 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính.
Câu chuyện trở nên nóng trên cộng đồng mạng, gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Thoạt nghe qua đã thấy ngay tính bất hợp lý nhưng xem xét lại ngay điều luật áp dụng thì khó có thể bắt bẻ cơ quan xử phạt.
Quyết định xử phạt ông Nguyễn Cà Rê. |
Tuy vậy, có một vấn đề khác trong áp dụng pháp luật mà cơ quan chức năng thường hiếm khi đưa vào thực tế. Chẳng hạn trong Bộ luật Hình sự 1999 có “Tội kinh doanh trái phép” tại Điều 159 (đã được bãi bỏ bởi Bộ luật Hình sự 2015). Căn cứ vào điều luật này thì rất nhiều cá nhân trong xã hội cho vay tiền lấy lãi thường xuyên đều bị truy tố. Mà hoạt động này là khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Nhưng trong thực tế cơ quan chức năng không áp dụng bởi điều luật này tuy có câu chữ như thế nhưng “tinh thần lập pháp” của nhà soạn thảo không nhắm đến hành vi cá nhân hoạt động cho vay tiền trong xã hội.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành có hàm ý nhằm điều chỉnh trật tự kinh tế trong lĩnh vực “tiền tệ và ngân hàng”. Xuyên suốt toàn bộ nghị định điều chỉnh đối với các tổ chức kinh doanh, gồm các mục: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép, vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ, vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng…
Trong lĩnh vực khoa học pháp lý có khái niệm “tinh thần lập pháp” để chỉ ý chí của nhà lập pháp soạn nên điều luật. Họ muốn nhắm đến điều chỉnh đối tượng nào khi soạn ban hành luật. Đối chiếu với Nghị định 96/2014/NĐ-CP, chúng ta thấy rõ từ các đề mục đến phạm vi điều chỉnh, người soạn luật chỉ nhắm đến các tổ chức, mong muốn điều chỉnh các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nằm trong một trật tự kinh tế. Điều này cũng phù hợp với mức phạt lên đến cao nhất đến 2 tỉ đồng. Đối với cá nhân cũng tương ứng với các cá nhân điều hành các tổ chức trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tất cả các điều luật điều chỉnh trật tự hành chính, kinh tế đều phải đưa đối tượng cá nhân vào điều chỉnh. Nhưng sự điều chỉnh cá nhân trong các trật tự đều mang tính tương hỗ với chủ thể mà “tinh thần lập pháp” muốn nhắm tới.
Quay trở lại với quy định được cơ quan chức năng áp dụng xử phạt ông Nguyễn Cà Rê. Đó là Điều 24 “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối”, thuộc “Mục vi phạm quy định hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng”. Trong đó các hành vi được điều chỉnh như: Cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài, khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và các giao dịch vốn khác không đúng quy định của pháp luật…
Rõ rằng các quy định trên nhằm tới các tổ chức kinh doanh. Khoản điểm xử phạt ông Rê là “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”, cần phải được hiểu theo tinh thần nhắm tới đối tượng tổ chức, điều hành hoạt động kinh doanh tại tổ chức trái phép.
Tuy vậy, để bắt bẻ đối với nhà chức trách về “tinh thần lập pháp” thì khó thuyết phục khi đã “cố ý xử mạnh tay”. Nguyên nhân gây khó khăn này là do luật không nêu rõ kiểu như “không áp dụng đối với người không hoạt động kinh doanh ngoại tệ”. Nên nhà chức trách khi “mạnh tay” sẽ lợi dụng điều luật để xử lý luôn người vô tình đi đổi tiền quà tặng.
Như vậy, từ ý chí của người ban hành các quy định cho đến áp dụng trong thực tiễn đã có độ chênh về đối tượng. Cơ quan ban hành các văn bản pháp luật cần phải đảm bảo tính toàn diện chủ thể khi soạn thảo, nhưng cơ quan thực thi không nên lợi dụng vào tính chất pháp lý này mà áp dụng những quy định gây “bất công xã hội” như trường hợp xử phát 90 triệu đối với người đi đổi 100 đô la là số ngoại tệ quà tặng.
Nếu ông Rê đến đổi ở một tiệm vàng có đăng ký kinh doanh ngoại tệ thì hoàn toàn không có chuyện bị xử phạt. Có thể thấy hành vi đổi ngoại tệ của ông Rê được cho là “vi phạm” lại mang nặng “tính may rủi”. Xui rủi thế nào nào đến tiệm vàng không có đăng ký. Ông ta phải đánh đổi 90 triệu đồng chỉ vì khó lòng biết tiệm vàng mình đổi tiền đô có giấy phép hay không.
Hàng năm số lượng đô la kiều hối chuyển về Việt Nam lên đến gần 10 tỉ đô la. Một con số có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế đang khó khăn nguồn vốn, phải đi vay. Trong đó một phần không nhỏ kiều hối được bà con Việt kiều cho tặng người thân. Có thể thấy việc người ta mang một vài trăm đô la quà tặng mang đến các tiệm vàng đổi ra tiền đồng là sinh hoạt xã hội như “chuyện thường ngày ở huyện”. Hành vi của những cá nhân đổi tiền quà tặng này không hề là hoạt động kinh doanh thương mại. Nên không thể xác định nó “cố ý làm trái các trật tự kinh tế”. Một trật tự mà pháp luật bảo hộ khá nhiều bằng các nghị định.
Đối với xã hội đặc thù về ngoại tệ do kiều hối gửi tặng cho người thân nhiều như Việt Nam chúng ta, không nên áp dụng những quy định, điều luật không phù hợp “tinh thần lập pháp” mặc dù ngữ nghĩa của nó thì khó mà bắt bẻ, sẽ gây “bất công xã hội” như trường hợp này.
Không nên lập luận pháp luật phải nghiêm minh khi đã đi lệch ra ngoài “tinh thần lập pháp” nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Nghị định 96/2014/NĐ-CP.
* Đã đăng TBKTSG Online 24-10-2018:
https://www.thesaigontimes.vn/td/280596/doi-100-do-la-bi-phat-90-trieu-dong-tinh-than-lap-phap-o-dau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét