Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Bàn thêm về nông nghiệp 4.0

Làm gì để sản xuất nông nghiệp 4.0 hiệu quả, nhất là với bà con nông dân? Đây là câu chuyện mà Giáo sư Tiến sĩ Võ-Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp, vừa trao đổi với Báo Cần Thơ.


Giáo sư Tiến sĩ Võ -Tòng Xuân. Ảnh: H.KIM

Nông nghiệp 4.0 là gì?

Nói nông nghiệp 4.0, là nói chuyện người nông dân có tham gia với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để ứng dụng được công nghệ 4.0 trong sản xuất. Yếu tố nền của nó là công nghệ tin học; từ căn cứ dữ liệu lớn, số liệu rất nhiều cho tới tất cả vạn vật trong Internet phối hợp lại cho từng điều kiện để áp dụng. Thí dụ điều khiển được môi trường để sản xuất trong khi môi trường không thích hợp; như làm được cây trồng, vật nuôi trong điều kiện tuyết rơi ở bên ngoài.

Công nghệ này giúp nông dân không cần ở tại chỗ vẫn có thể dùng điện thoại thông minh, máy tính tạo cho cây trồng có những điều kiện về nước, về nhiệt độ, về việc bón phân… để phát triển tốt. Như ở Đà Lạt, bà con nông dân đã áp dụng hằng thập kỷ nay. Trong những nhà màng, nhà kính, người ta đã trồng được nhiều sản phẩm ngăn được các loại sâu bệnh từ ngoài vào. Nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt không thua gì ở các nước khác.

Với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì chưa có nhiều. Vì không khí ở đây vốn rất thuận lợi, có thể trồng không cần có nhà màng, không cần điều khiển nhiệt độ không khí hoặc nước tưới riêng bên trong. Nhưng sau này, khi bón phân hóa học quá nhiều, làm cho đất đai chai đi, cây trồng bị hụt hẫng; các loại vi sinh vật, đáng lẽ rất phong phú trong môi trường đất để cây trồng hấp thụ, có sức đề kháng khi sâu bệnh vào không dám ở lại, thì nay đã không còn. Khi cây trồng đề kháng tự nhiên như xưa không còn nữa mới nghĩ ra việc phải trở về khung cảnh không có sâu bịnh. Vậy là phải có nhà màng ngăn sâu bịnh để có thể vẫn bón phân hóa học mà không có sâu bịnh và vẫn đạt được năng suất cao mà cây trồng vẫn sạch.

Cần tận dụng hết 3.0

Tại ĐBSCL, với nông nghiệp 3.0 (cơ giới hóa, tự động hóa), mình chưa xài hết khâu trồng trọt. Thí dụ với cây lúa, chúng ta đã hoàn toàn cơ giới hóa hết các khâu cày, bừa, trục, bón phân, sạ lúa, thu hoạch. Nhưng bà con vẫn còn mắc nhược điểm là bón phân hóa học quá nhiều làm cho chất lượng sản phẩm chưa ngon, không sạch cho nên có khi gạo xuất khẩu cũng bị trả về.

Ngoài ra, khi sử dụng phân hóa học nhiều như hơn 40 năm nay thì phải sử dụng thuốc trừ sâu bịnh nhiều, dẫn tới việc nông dân tốn quá nhiều tiền và giá thành sản xuất thường cao hơn ở nước ngoài. Thí dụ với lúa, 1 kg lúa làm theo kiểu này hiện phải tốn từ 3.800 – 4.200 đồng. Tốn kém tiền phân, thuốc, hạt giống và sự lãng phí về phân bón lại tạo ra hiệu ứng nhà kính. Có tới 40-60% phân đạm bón xuống đất, cây lúa ăn không kịp, bay lên trời làm ra khí nhà kính, góp thêm vô việc làm cho trái đất nóng lên, làm biến đổi khí hậu. Trong khi đó, lượng phân thấm xuống nước, dưới đất cũng đã làm ô nhiễm cho nước, cho đất. Cho nên phải cung cấp thêm cho bà con nông dân kỹ thuật mới; cũng xài phân hóa học nhưng phải kèm theo phân vi sinh và bón trước khi sạ. Như thế có thể hạn chế thất thoát phân vào không khí, không vào trong nước, trong đất nhiều mà phần lớn được cây lúa, cây xoài, cây bắp… hấp thụ. Và nhờ sức đề kháng của cây trồng nhiều hơn do có kèm phân vi sinh, giảm xài phân thuốc, giá thành sản xuất sẽ hạ; thí dụ cây lúa chi phí sản xuất chỉ còn chừng 2.000 đồng/kg.

Đây là việc mà chúng ta cần đẩy mạnh cho nông nghiệp 3.0 cộng với kỹ thuật mới này. Các nhà khoa học Thái Lan cũng đang đẩy mạnh như vậy và họ nói đó là 4.0 của họ. Họ dùng mọi biện pháp để hạ giá thành lúa. Mình cũng đang có những mô hình này rồi và tới đây phải đẩy mạnh hơn. Nếu chúng ta đẩy mạnh cái 3.0 cải tiến này về cây lúa thì chắc chắn là mình sẽ xuất khẩu gạo tăng được lợi nhuận hơn.
Trồng rau thủy canh ở Cần Thơ. Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Làm tiếp 4.0

Với nông nghiệp 4.0 ở ĐBSCL, hiện vài nơi cũng đã sử dụng nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, trồng rau sạch, nuôi tôm. Có mô hình như của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh, Đồng Tháp; giúp nông dân có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh, khi nào bơm nước vô, lúc nào tháo nước ra, rồi cải tiến bón phân để hòa tan chậm hơn. Cái này có thể nói cũng là 4.0 nhưng mới manh nha chứ chưa áp dụng rộng rãi.

Nông nghiệp 4.0 của Việt Nam hiện so với các nước thì chậm hơn vì chưa thích nghi và cái 3.0 mình xài chưa hết. Với 4.0, nếu làm thì phải làm thế nào để đông đảo bà con nông dân có thể hưởng lợi được. Mà điều này khó, vì đầu tư lớn thì do các đại gia đầu tư và họ đưa hàng vô siêu thị bán chớ người nông dân đại trà chưa làm được.

Ở ĐBSCL, nếu sản xuất dưa lưới tốt có thể xuất qua Nhật, Hàn Quốc. Rồi tôm và các loại trái cây nhiệt đới, rau cải cũng có thể làm được. Đặc biệt là những cây hoa quý như phong lan, cây cảnh bon-sai chưng văn phòng, có thể trồng trong nhà màng và áp dụng kỹ thuật tưới 4.0 để xuất khẩu. Như Hà Lan, nơi những vùng đất ngập nước được biến thành những vùng nhà màng sản xuất hoa xuất khẩu ra khắp thế giới với giá rất cao, chỉ sau Mỹ.

Mở thị trường

Phải biết kết hợp với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Mở thị trường thì dứt khoát phải có chiến lược. Ở trong nước, hiện nay gần như tỉnh nào cũng có triển lãm về nông nghiệp nhưng chỉ mới bán được với nhau chứ chưa kết nối được với mấy đại gia chuyên triển lãm. Nhà nước phải đứng ra liên lạc với họ. Thí dụ Thái Lan có nhiều triển lãm quốc tế do những công ty chuyên về triển lãm của châu Âu sang thành lập; họ đều có danh sách khách hàng lớn trên thế giới và chỉ họ mời người ta mới.

Cơ quan xúc tiến thương mại của ta phải kết nối mở thị trường với Bangkok hoặc Tokyo, sắp tới là Đài Loan. Giai đoạn này, chúng ta nên tích cực tham gia những hội chợ nông nghiệp quốc tế để giới thiệu sản phẩm của mình. Kế tiếp là mời những tổ chức chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới qua Việt Nam làm triển lãm như bên Thái Lan hoặc Nhật.

Giúp nông dân

Nông dân mình khó làm nông nghiệp 4.0 vì họ không đầu tư được. Nói tới công nghệ cao là phải có đầu tư. Nông dân sẽ là thành người tham gia trong chuỗi cung ứng. Các nhà doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải có đất rộng. Nhưng đất rộng, đất nạc giờ đâu còn nhiều. Mà đi đâu thì cũng có nông dân. Vậy thì sự khéo léo của chính quyền địa phương là phải biết cách làm cho doanh nghiệp bắt tay với nông dân. Thí dụ ông doanh nghiệp này muốn xây nhà máy chế biến sản phẩm cần mấy trăm héc-ta đất để sản xuất ra nguyên liệu thì chính quyền giải thích làm sao để nông dân góp đủ mấy trăm héc-ta đất đó. Phải bàn với nông dân là từ đây, đầu ra của bà con sẽ ổn định nhờ ông doanh nghiệp này. Rồi bà con làm y chang như quy định ổng đưa ra để sản phẩm luôn có đủ tiêu chuẩn cho thu hoạch. Làm như thế nông dân mới làm được.

Nông dân tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu này và lên mức cao nữa thì phải đầu tư nguyên liệu cho hợp tác xã (HTX) kiểu mới. HTX vừa cung cấp nguyên liệu vừa đầu tư để có sản phẩm bán giá cao, hai bên có lời.

Chính quyền không nên chạy đua làm nông nghiệp 4.0 thiếu suy tính. Phải làm vừa có ích cho nông dân và cho doanh nghiệp. Không nên để doanh nghiệp tự mua đất rồi “đuổi” nông dân đi để muốn làm bao nhiêu nhà màng thì làm. Phải làm thế nào để đưa cái 4.0 này cho người nông dân tham gia được. Thí dụ với những cây trồng ngắn trong nhà màng thì có thể đầu tư nhà màng cho một nhóm nông dân để họ cùng làm. Hoặc đầu tư cho cây lúa thì nên bón phân lót bằng phân hữu cơ vi sinh do doanh nghiệp cung cấp để nông dân làm ra lúa có chất lượng tốt nhứt.

Còn nhà khoa học thì phải làm việc với cả hai. Vì nhà doanh nghiệp phải tham khảo nhà khoa học trước để sau đó nhà khoa học và nông dân ngồi lại thỏa thuận ra được quy trình VietGAP hay GlobalGAP sao cho sát thực tế để giúp nông dân làm đúng quy trình này chớ không được làm theo cái cũ nữa.
HUỲNH KIM (ghi)
* Đã đăng báo Cần Thơ 16-10-2018:


Không có nhận xét nào: