Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Khởi nghiệp thành công phải có định hướng đúng

Trung Chánh- Văn Huỳnh

(TBKTSG Online) - Để lãnh đạo hoạt động khởi nghiệp thành công, cần phải “thoát” khỏi tư duy nhiệm kỳ. Còn để phong trào khởi nghiệp có hiệu quả, nhất thiết phải có một cơ chế chính sách đúng, phù hợp; không nên bỏ rơi người khởi nghiệp và đặc biệt chính họ cũng không nên “lủi thủi” làm một mình.


Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tại tọa đàm “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?” do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức vào hôm nay, 6-4, tại thành phố Cần Thơ đánh giá cao hai dự án khởi nghiệp. Dự án thứ nhất của cựu sinh viên Đại học Cần Thơ Tăng Hữu Thái về mô hình kinh doanh các món ăn truyền thống; dự án thứ hai của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ do Cao Thanh Hùng làm trưởng nhóm, chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị đo lường cảnh báo chất lượng không khí.

Tuy nhiên, ông Lam nhận xét, đối với người khởi nghiệp trẻ, thông thường có ý tưởng mới, có sáng kiến, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm... “Hai bạn trẻ nói trên đã có những sản phẩm cơ bản lúc đầu dưới sự hỗ trợ của nhà trường, giáo viên. Nhưng, nếu câu chuyện của hai bạn đi tiếp, thì đi như thế nào?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng đây là câu chuyện mentor (người hướng dẫn) sẽ dẫn dắt tiếp theo, nhưng đang thiếu cái cách để tìm được những mentor.

Ông Lam cũng lo ngại việc các nhà khởi nghiệp trẻ một khi đã thương mại hóa sản phẩm lại tự tin (quá mức) với thành quả của họ. “Câu chuyện này tôi đã nghe nhiều tỉnh thành nói đến, đó là khi các bạn trẻ khởi nghiệp đoạt giải, sản phẩm được đưa ra thị trường thì khi có người liên hệ tới đặt hàng, nhiều khi các bạn nói bây giờ tôi bận lắm, thậm chí không nghe điện thoại”, ông dẫn chứng và cho rằng nhà khởi nghiệp quá tự tin và không tìm phương án nào để mở rộng thị trường.

Theo ông Lam, trong các trường kinh doanh người ta có dạy cái cách tư duy tâm lý đón nhận, xử lý vấn đề nêu trên rất tốt, trong khi đó, ở các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là không có. 

Vì vậy, theo ông, nên có một môn, chương trình dành cho sinh viên năm cuối về khởi nghiệp. “Người thầy giáo có thể dạy được những vấn đề cơ bản, nhưng không bao giờ dạy được những vấn đề về thị trường, mà những việc này chỉ có những doanh nghiệp hiểu và những người đã trải nghiệm mới giúp được cho các bạn khởi nghiệp đối đầu với vấn đề này”, ông cho biết.

Câu chuyện ở trên, theo ông Lam, cũng giống như những vấn đề được các diễn giả đặt ra tại tọa đàm, đó là khi hoạt động khởi sự kinh doanh lớn dần lên, các bạn trẻ rất khó quản trị tốt, “quản trị nhỏ chưa chắc quản trị được, thì lớn lên sẽ phức tạp hơn. Đó là cái vấn đề chúng tôi nghĩ nên có chương trình cho sinh viên năm cuối”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, đối vai trò của các tổ chức bên ngoài, đặc biệt là các tổ chức nhà nước, giả sử hai bạn trẻ nêu trên thử đăng ký thành lập kinh doanh, thì không phải là câu chuyện đơn giản. “Về thủ tục kinh doanh, chúng ta cấp giấy phép trong 24 giờ, so với Singapore là 4 giờ, thì 24 giờ không phải lớn. Thế nhưng, nếu bạn Thái đăng ký sản phẩm thực phẩm, thì sẽ bị đòi hỏi chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, thế thì những vấn đề này làm sao các bạn trẻ hiểu được quy trình”, ông cho biết và đề nghị trong chương trình khởi nghiệp của các bạn trẻ nên có tổ tư vấn giúp việc này.

Hay vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Lam, đây cũng là những vấn đề rủi ro chính nên khởi nghiệp không đạt hiệu quả cuối cùng. “Đó là vấn để pháp lý chúng ta phải tính”, ông nhấn mạnh.

Còn hệ sinh thái khởi nghiệp, theo ông Lam, các bạn trẻ khởi nghiệp đạt được những kết quả bước đầu tốt, nhưng sẽ cần thêm nhưng yếu tố mới. “Ví dụ, câu chuyện bạn Thái tôi nghe thì hấp dẫn, nhưng so với các mặt hàng ở đây, bạn làm sao chứng minh hương vị đó là độc đáo, cái gì là nét riêng?”, ông nêu câu hỏi.

Còn sản phẩm của bạn Hùng, theo ông, dù cho có ý tưởng mới, nhưng hai năm sau có thể nó sẽ lạc hậu, thì cái gì mới để nâng lên một bước để đạt kết quả tốt để thành một đơn vị lớn, chứ không chỉ dừng lại ở một đơn vị nhỏ bé, doanh nghiệp địa phương chẳng hạn vậy?

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh muốn khởi nghiệp thành công, thứ nhất, các bạn trẻ không nên làm "lủi thủi" làm một mình, mà phải có sự hợp sức; thứ hai, là đừng bỏ rơi họ, mà hãy kết nối bằng nhiều nguồn lực khác nhau, chứ không chỉ mong chờ vào mỗi nguồn lực nhà nước vì thể chế nhà nước rất khó thay đổi, chậm điều chỉnh.

“Tôi chỉ mong rằng Đại học Cần Thơ nên dang rộng đón ý tưởng khởi nghiệp rồi ngồi cùng các chuyên gia để giúp các bạn trẻ, thì tôi nghĩ rằng ĐBSCL chúng ta sẽ giải quyết được chuyện đồng bằng”, ông cho biết và nói rằng để điều chỉnh được chính sách nhằm hình thành được quốc gia khởi nghiệp, thì có lẽ còn nhiều khó khăn, phải trải qua rất nhiều cơ quan, đơn vị họp bàn...


* Và tại một số báo bạn:










Không có nhận xét nào: