Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chọn năm 2016 là năm "Quốc gia khởi nghiệp”, ngay sau đó, phong trào này đồng loạt được nhiều địa phương trong cả nước triển khai ở những mức độ khác nhau. Tại miền Tây sông nước, các chương trình khởi nghiệp cũng được quan tâm xây dựng, nhưng có thể nhận thấy khởi nghiệp vẫn chưa thật sự như mong đợi. Vậy làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?

Các đại biểu tham dự tọa đàm Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả? Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đi cùng với quyết định trên, Chính phủ cũng đã phê duyệt những chương trình, nghị quyết nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cả nước.

Cụ thể như phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” hay Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ nền tảng như vậy, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

Riêng tại ĐBSCL, sau phát động của Chính phủ, một loạt phong trào khởi nghiệp đã được các địa phương trong vùng xây dựng như ở tỉnh Bến Tre có phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp”. Còn Tiền Giang có phong trào khởi nghiệp trong thanh niên; ngày hội sáng tạo- khởi nghiệp học sinh, sinh viên Tiền Giang. Tại An Giang, địa phương này cũng đã phát động chương trình khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp do các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ hay Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chủ trì cũng đã diễn ra nhằm hưởng ứng quyết định nêu trên của Chính phủ.

Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ trong bài viết "Một số vấn đề về hoạt động khởi nghiệp ở ĐBSCL" cho biết, việc thúc đẩy khởi nghiệp ở khu vực này không chỉ thực hiện mục tiêu chung của quốc gia, mà còn là vấn đề mang tính cấp thiết, quyết định đến tiềm năng phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng.

Theo ông, việc tăng cường khởi nghiệp ở ĐBSCL cũng là biện pháp giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan, thì chương trình khởi nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua còn khá khiêm tốn, chỉ là những phong trào được phát động, chứ chưa thật sự đi vào chiều sâu như mong đợi.

Trong khi đó, theo ông Dũng, nhu cầu khởi nghiệp ở ĐBSCL là hết sức cấp bách khi mà những khó khăn, thách thức của vùng đã hết sức rõ ràng như: tăng trưởng kinh tế vùng chậm lại trong nhiều năm liền, trong đó, nông nghiệp- nền tảng kinh tế của vùng- đã giảm rất mạnh; tỷ lệ xuất cư thuần ra bên ngoài trong nhiều năm cũng khá cao.

Trái lại, theo ông, số lượng doanh nghiệp của vùng tăng trưởng rất chậm, bình quân 580 người mới có 1 doanh nghiệp, trong khi con số này của cả nước là 220 người/doanh nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, việc khởi nghiệp để phát triển doanh nghiệp, có thêm những ngành kinh doanh mới, tạo động lực phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung là hết sức cấp bách.

Để góp phần đưa phong trào khởi nghiệp ở ĐBSCL đi vào chiều sâu, hôm nay, 6-4, trường Đại học Cần Thơ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?”. Hy vọng qua những chia sẻ, đóng góp của các diễn giả là các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương cùng các bạn trẻ yêu khởi nghiệp sẽ giúp định hướng phong trào trong thời gian tới thành công hơn.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sẽ tiếp tục cập nhật những góc nhìn, chia sẻ của các diễn giả tại tọa đàm này.

Không có nhận xét nào: