Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

"Thoát" tư duy nhiệm kỳ để lãnh đạo khởi nghiệp thành công

Trung Chánh - Văn Huỳnh

(TBKTSG Online) - Muốn lãnh đạo khởi nghiệp thành công ở một địa phương thì phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, theo chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy  Đồng Tháp tại tọa đàm “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả?" do Đại học Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 6-4.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng để lãnh đạo khởi nghiệp thành công thì phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ. Ảnh : Lê Hoàng Vũ

Theo ông Hoan, một ý tưởng khởi nghiệp từ khi nung nấu đến hiện thực hóa ý tưởng đó có khi phải mất đến 5 năm, trong khi lãnh đạo các địa phương nhiều khi lại có tư duy nhiệm kỳ, cứ muốn để cho nhiệm kỳ sau thực hiện, "thì như vậy, cứ nhiệm kỳ này đẩy qua nhiệm kỳ sau như thế”, ông nói và nhấn mạnh phải thoát ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, xem đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai.

Ông cho biết thêm, các địa phương thường điếm số lượng các doanh nghiệp tại chỗ để tính toán làm sao hình thành được một đội ngũ doanh nghiệp mới cho tương lai. 

"Chúng ta phải bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ bây giờ và những doanh nghiệp đó mới thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), chứ doanh nghiệp hiện tại chưa thích ứng hoàn toàn với CMCN 4.0 đâu", ông nói và cho rằng cần phải thoát từ kinh tế hộ gia đình, từ ông chủ buôn bán gạo thành tổng gíam đốc công ty xuất nhập khẩu gạo, từ ông mua cá thành tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu thủy sản chẳng hạn vậy.

Theo ông, so với doanh nghiệp nước ngoài, thì lực lượng trong nước còn khoảng cách lớn về tư duy, về tầm nhìn, nhất là về cuộc CMCN 4.0. "Như vậy, phải trông cậy vào thế hệ khởi nghiệp hôm nay để vừa khởi nghiệp, vừa gắn được cái trào lưu rất lớn mà chúng ta không thể bỏ qua là CMCN 4.0", ông nhấn mạnh.

Trên cơ sở như vậy, theo ông, địa phương đã bàn bạc cùng nhau học tập, mời các chuyên gia đến nói chuyện để hiểu hơn về khởi nghiệp, xem các nước làm khởi nghiệp ra sao. "Chúng tôi mời chuyên gia đến nói chuyện để các cán bộ chủ chốt đều nghe, rồi hình thành một cái nhóm cố vấn cho tỉnh bởi các chuyên gia từ bên ngoài như Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và một số chuyên gia độc lập họ thường xuyên đến hỗ trợ tư vấn", ông cho biết.

Theo ông, địa phương đã ký kết hợp tác với Quỹ hỗ trợ Việt Nam và hình thành luôn văn phòng thường trú của cơ quan này tại địa phương để vừa hỗ trợ khởi nghiệp ở các trường học, giới phụ nữ, trong đoàn thanh niên, vừa thúc đẩy hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp, nhen nhóm phong trào, khí thế khởi nghiệp đã có trong tỉnh.

Cũng theo ông, địa phương đã tập hợp được các doanh dẫn đầu với khoảng 10 doanh nghiệp có tiềm lực để hình thành tổ tư vấn để hỗ trợ khởi nghiệp. Qua đó, những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ qua các cuộc thi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, BSA hoặc do các đơn vị trong tỉnh tổ chức thấy có khả thi sẽ được chuyển qua tổ tư vấn của câu lạc bộ dẫn đầu.

"Doanh nghiệp dẫn đầu họ tư vấn, thẩm định để làm sao thương mại hóa được các ý tưởng khởi nghiệp đó", ông cho biết và nói rằng các cơ quan chuyên môn của địa phương sẽ không làm được, mà chỉ các doanh nghiệp dẫn đầu, có kinh nghiệm trên thương trường (cả thành công lẫn thất bại) mới có thể làm được.

Nói theo ngôn ngữ khởi nghiệp, thì họ trở thành những mentor giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp và địa phương này đã hình thành được 1 mentor ở câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu hỗ trợ các bạn khởi nghiệp.

"Sau khi họ tư vấn, thẩm định xong, thì họ có thể là người cho vay, cho mượn, góp vốn mua cổ phần hình thành các doanh đó", ông cho biết.

"Tôi tự hào khi các doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh họ rất háo hức giúp các bạn trẻ và sẵn sàng chia sẽ những kinh nghiệm của họ để phong trào khởi nghiệp thành công", ông Hoan cho biết. 



Không có nhận xét nào: