Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Để Cần Thơ phát triển gắn kết với cả vùng ĐBSCL


Huỳnh Kim ghi

(TBKTSG Online) - Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ vào sáng nay, 10-8, nhiều ý kiến đã tham vấn và cam kết đầu tư để Cần Thơ phát triển theo hướng là trung tâm dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao và khoa học công nghệ gắn kết với cả vùng ĐBSCL. TBKTSG Online lược ghi một số ý kiến này.


Tại hội nghị, 10 doanh nghiệp đã nhận quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trị giá gần 8.000 tỉ đồng. 19 nhà đầu tư khác đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư vào Cần Thơ với tổng vốn trên 85.000 tỉ đồng.

Lễ ký kết thỏa thuận đầu tư sáng ngày 10-8-2018. Ảnh: Huỳnh Kim
Ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: "Cần Thơ có thể là trung tâm dịch vụ logistics của ĐBSCL"

Cần Thơ đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ĐBSCL, đặc biệt là mặt hàng nông sản. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng và hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân đang tăng nhanh. Nhiều dự án bước ngoặt như cảng biển Cái Cui với trung tâm logistics, sân bay quốc tế Cần Thơ, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, quốc lộ 91B… đã làm cho Cần Thơ thành cửa ngõ của hạ lưu sông Mekong.
Cần Thơ cũng đang đi đúng hướng với mô hình giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thông qua trường Đại học Cần Thơ, một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước.

Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, quá trình đô thị hóa có thể dẫn đến phát triển tràn lan, tắc nghẽn, cung cấp dịch vụ không đồng đều, kém hiệu quả. Đây là lúc cần có sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan để Cần Thơ phát triển thành trung tâm đô thị của ĐBSCL.

Với vị trí của mình, Cần Thơ có vị thế tốt để trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của ĐBSCL. Để làm được điều này, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đa phương thức và tạo môi trường thuận lợi cho dịch vụ logistics hiệu quả cao.

Nhóm WB đã và đang cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua một số dự án về cơ sở hạ tầng và phát triển nông nghiệp cho vùng ĐBSCL. Chúng tôi đã đầu tư tại ĐBSCL khoảng một tỉ đô la Mỹ về đường thủy nội địa, nâng cấp cảng, dịch vụ logistics và phòng chống lũ lụt.

Do khó khăn về tài chính tại Trung ương, Cần Thơ sẽ phải thu hút thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân ở trong và ngoài ngoài nước để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất, dịch vụ giáo dục, y tế chất lương cao, các ngành công nghiệp xanh, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đặc biệt là gạo và sản phẩm thủy sản.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova: "Du lịch rất cần sự hợp lực của mọi thành phần kinh tế"

Về du lịch, để Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL thành điểm đến hấp dẫn, rất cần sự hợp tác của mọi thành phần kinh tế. Theo kế hoạch, đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ sẽ thông tuyến vào năm 2021, nhiều đường bay quốc tế sẽ được kết nối với sân bay Cần Thơ. Từ đó, Tập đoàn Novaland đã đầu tư vào Cần Thơ với những dự án cụ thể, số vốn lên tới 700 triệu đô la Mỹ. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Azerai Cần Thơ trên cồn Ấu đã đi vào hoạt động. Tiếp đó chúng tôi sẽ triển khai dự án chuyển đổi bến phà Cần Thơ cũ thành bến tàu du lịch trung tâm, phát triển các tuyến du lịch trên sông, nối kết với các tỉnh và các nước lân cận, gián tiếp hỗ trợ việc khai thác sân bay Cần Thơ thật hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Dũng, CEO phát triển vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk): "Sẽ có trang trại bò sữa tại Cần Thơ"

Vinamilk đã có nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Trà Nóc từ hơn 10 năm nay, với doanh thu đạt 16.900 tỉ đồng trong 3 năm gần đây. Vinamilk đã quyết định chọn Cần Thơ là nơi tập trung phát triển các trang trại quy mô rất lớn. Qua việc hợp tác cùng Nông trường sông Hậu, chúng tôi đã quy hoạch “Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao” quy mô 22.000 con với vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng.

Đây là dự án phát triển nông nghiệp theo hướng organic hữu cơ, thân thiện với môi trường. Với mô hình trang trại này cùng nhà máy chế biến sữa và hệ thống phân phối sẵn có của Vinamilk tại Cần Thơ, toàn bộ chuỗi kinh doanh của Vinamilk sẽ khép kín với chất lượng quốc tế và giá cả cạnh tranh.

Nhân đây, chúng tôi đề nghị Thủ tướng sớm quyết định chuyển đổi Nông trường sông Hậu thành Công ty TNHH 2 thành viên để giúp Cần Thơ và Nông trường cùng với Vinamilk thực hiện tái cơ cấu đúng quy định theo mô hình mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Quang cảnh hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ sáng nay. Ảnh: Huỳnh Kim
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT: "Cần Thơ có thể thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho cả nước"

Cần Thơ có tiềm năng to lớn trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho cả nước bên cạnh 3 trung tâm lớn là Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng. Đây sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng của Cần Thơ trong những giai đoạn tới. Để cụ thể hóa chủ trương này, Cần Thơ cần khuyến khích mở thêm các chuyên khoa đào tạo công nghệ thông tin (CNTT), nông nghiệp công nghệ cao, khoa học dữ liệu… tại các trường đại học và mở thêm trường đại học theo xu hướng này để nắm giữ lợi thế về nhân lực.


Cần Thơ có thể đẩy nhanh hơn việc ứng dụng các công nghệ số để hình thành chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý, kiến tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, cho phép cái mới và sáng tạo phát triển tại Cần Thơ.



FPT cam kết đồng hành cùng Cần Thơ trong việc đào tạo nguồn nhân lực số. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành phân hiệu Đại học FPT cho khoảng 3.000 sinh viên với vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Trong vòng 5 năm tới, FPT dự định sẽ đầu tư 2.000 tỉ đồng cho tổ hợp phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ và Công viên phần mềm FPT Cần Thơ để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho địa phương và hình thành trung tâm dịch vụ CNTT thứ 4 của FPT tại thành phố này.


Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Kết nối TPHCM - Cần Thơ - ĐBSCL"

Phải hoàn thành tuyến đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ để nâng cao tốc độ và lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa ĐBSCL với các vùng khác của cả nước, trước hết là Đông Nam bộ.


Tập trung xây dựng một cảng quốc tế đủ tầm cỡ để đón tàu lớn, khai thác các tuyến xa, giảm bớt tỷ lệ hàng phải đưa lên trung chuyển ở TPHCM hay Vũng Tàu. Đặc biệt, cần sớm xây dựng một cảng Cái Cui thống nhất để tận dụng tốt lợi thế địa lý, sức mạnh tập trung mới đáp ứng được yêu cầu của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.



Nghiên cứu mở rộng đường bay của sân bay quốc tế Cần Thơ, tăng vận chuyển hàng hóa, mở rộng dịch vụ logistics hàng không, xây dựng trung tâm logistics hàng không với tầm nhìn dài hạn.



Tạo cơ chế thông thoáng để mở rộng dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua Cần Thơ sang Campuchia và ngược lại.


Cần Thơ phải là đối tác tin cậy, liên kết với cả vùng ĐBSCL

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cần Thơ là Tây Đô, là thủ phủ vùng ĐBSCL, có sức hấp dẫn rất lớn, là một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cần Thơ phải năng động, phải thật sự là đối tác đáng tin cậy, tạo nên chuỗi giá trị liên kết toàn vùng ĐBSCL để các doanh nghiệp tin tưởng, mạnh dạn đầu tư vào thành phố.

Theo quy hoạch đến năm 2025, Cần Thơ sẽ là trung tâm vùng ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị này có chủ đề “chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, vì thế, Cần Thơ cần gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng để vươn lên trở thành thành phố đáng sống.

Thủ tướng cho biết những năm gần đây, nhiều công trình giao thông quan trọng đã kết nối hệ thống giao thông, cả đường bộ, đường hàng không, đường thủy từ TPHCM, Hà Nội đến Cần Thơ và lan tỏa đến nhiều địa phương khác ở ĐBSCL. Đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Cần Thơ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhờ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục nhiều năm, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số và sức mua tăng nhanh, nhiều loại hình dịch vụ phát triển… Cần Thơ đang vươn lên xứng tầm là một trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, khoa học - công nghệ,  giáo dục - đào tạo của cả vùng ĐBSCL. Đây là điều kiện quan trọng để Cần Thơ gia tăng sức hút đầu tư.

Thủ tướng cho rằng dư nợ của thành phố Cần Thơ so với GRDP còn thấp. Điều này cho thấy tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Cần Thơ còn lớn, dư địa tăng trưởng còn nhiều và đây là điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu để đảm bảo lòng tin với các nhà đầu tư, chính quyền Cần Thơ cần tăng cường “nói đi đôi với làm”, phát huy tinh thần “dám nghĩ dám làm”, năng động sáng tạo, quản lý tốt quy hoạch, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, phát huy vai trò chính quyền đối thoại để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

* Đã đăng TBKTSG Online 10-8-2018:

Không có nhận xét nào: