Huỳnh Kim
(TBKTSG) - Ở trường Đại học Nam Cần Thơ kể từ
năm ngoái đã xuất hiện một lớp học tiếng Anh khá đặc biệt. Lớp học
với “học trò” là những người đang hàng ngày đứng lớp giảng dạy
chính môn ngoại ngữ này. GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học
Nam Cần Thơ, cho biết lớp học tiếng Anh ấy được tổ chức theo dự án
Bending Bamboo, là dự án hợp tác giữa nhà trường và Đại học Future Generations
(Mỹ) nhằm nâng cao kỹ năng dạy tiếng Anh cho gần 900 giáo viên tiếng Anh của
các trường trung học phổ thông (THPT) tại thành phố Cần Thơ.
Tại lớp học Bending Bamboo ở Đại học Nam Cần Thơ ngày 23-7. Ảnh: H.Kim |
Dự án Bending Bamboo kéo
dài sáu năm, từ năm 2017-2022, tập trung đào tạo vào mùa hè; giáo viên được
tuyển từ các trường công lập trong thành phố. Tổng kinh phí của dự án gần 70
tỉ đồng, trong đó hai phần ba kinh phí từ tài trợ của Đại học Future
Generations, còn lại là của thành phố Cần Thơ và Đại học Nam Cần Thơ.
Về chương trình, Bending Bamboo được soạn theo sách giáo khoa tiếng Anh
của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), riêng các thí dụ và bài học thêm là đề
tài về xã hội, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, cụ thể là ở đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL). Giữa hai học kỳ, các học viên còn học trực tuyến qua mạng băng thông rộng do Hiệp hội
các kỹ sư điện và điện tử Hoa Kỳ (IEEE) cung cấp. Chương trình này được giảng
dạy theo phương pháp tiếp cận iC5 (Inter-Cultural Communicative Competencies -
phương pháp dạy tiếng Anh qua khả năng giao tiếp liên văn hóa).
Cũng theo GS. Võ Tòng
Xuân, Bộ GD&ĐT đang triển khai Dự án ngoại ngữ 2020 mà mục tiêu là đến năm
2020 học sinh tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng và đại học phải lưu loát bốn kỹ
năng nghe, nói, đọc, viết một ngoại ngữ, tự tin làm việc trong môi trường hội
nhập quốc tế. Tuy vậy, thực tế đến nay điều đó vẫn chưa làm được nhiều vì cách
giảng dạy vẫn phổ biến như cũ, đọc chép là chính. Do vậy, dự án Bending Bamboo
này sẽ góp phần đào tạo ra một thế hệ giáo viên tiếng Anh căn bản ở ĐBSCL để
cùng thực hiện mục tiêu của Bộ GD&ĐT.
Tuần rồi, một lớp học
trong khuôn khổ của dự án đã diễn ra với hơn 40 học viên cùng với bốn
giảng viên người Mỹ trực tiếp đứng lớp. Đây là kỳ tập trung thứ ba
trong bốn học kỳ của niên khóa 2017-2018, mỗi học kỳ hai tuần. Anh Bùi Quốc
Duy, giáo viên trường THPT Vĩnh Thạnh, cho biết lớp học này đã giúp nâng cao
khả năng sử dụng tiếng Anh và hỗ trợ nhiều phương pháp giảng dạy mới rất bổ
ích. Các thầy cô giáo đã giúp học viên khám phá và tìm hiểu về văn hóa địa
phương trong mỗi bài giảng. Các học viên cũng gặp gỡ mỗi tuần để trao đổi,
soạn chương trình và giáo án với nhiều mức độ khác nhau.
Chị Lê Thị Cẩm Tiền, giáo
viên trường THPT Hà Huy Giáp, nhận xét rằng khóa học đã giúp học viên vốn
là giáo viên học được rất nhiều, tối thiểu là sự lưu loát trong giao tiếp bằng
tiếng Anh và cải thiện năng lực giảng dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông.
Ngoài ra, khóa học đã tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh
nghiệm, thảo luận những vướng mắc thông qua hai kỳ học tập trung mỗi năm và
các lớp học trực tuyến hàng tuần.
Trao đổi với TBKTSG, GS. Võ
Tòng Xuân chia sẻ những trăn trở của một nhà giáo đã từng là Phó hiệu trưởng
trường Đại học Cần Thơ và Hiệu trưởng sáng lập Đại học An Giang. Ông nói: “Từ
thuở tôi bắt đầu tuyển sinh khóa 1 cho trường Đại học An Giang vào năm 2000 và
đến nay tuyển sinh khóa 6 cho trường Đại học Nam Cần Thơ, tôi theo dõi phổ điểm
các môn thi để xét chọn vào đại học thì rất buồn cho đất nước ta là điểm môn
Anh văn năm nào cũng thấp. Năm nay, phổ điểm Anh văn kỳ thi THPT quốc gia vừa
qua trung bình chỉ đạt 3,5 điểm”. Ông kể, từ năm 2000, ông đã đề đạt lên Bộ
GD&ĐT cần cải tiến lớp Anh văn trong hệ phổ thông, chủ yếu là cách đào tạo
giáo viên dạy Anh văn từ các trường sư phạm. Rất phấn khởi là sau đó Chương
trình quốc gia “Dự án ngoại ngữ 2020” đã được Thủ tướng chấp thuận với kinh phí
9.600 tỉ đồng.
“Nhưng lại tiếc quá, đến
nay trình độ Anh văn của học sinh trung học Việt Nam vẫn chưa nhích lên đáng
kể. Cái này không phải do học sinh Việt Nam không thông minh, vì thanh niên
Việt Nam đi nước ngoài học, phần lớn học rất giỏi. Nguyên nhân chính là chương
trình học, sách giáo khoa và người dạy đều có vấn đề khiến học sinh không phát
huy kiến thức và kỹ năng của mình”, ông nhận xét.
Vì thế, GS. Võ Tòng Xuân
nói ông luôn mong tìm ra được phương pháp đào tạo hiệu quả hơn cho học sinh,
sinh viên, trước tiên là phương pháp dạy tiếng Anh cho học sinh bậc phổ thông.
Nay với phương pháp Bending Bamboo iC5 đã được thử nghiệm từ năm 2017, ông tin
tưởng học sinh phổ thông ra trường sẽ lưu loát song ngữ Việt-Anh, nắm vững kiến
thức kinh tế, xã hội, văn hóa.
“Cái mộng thấy được học sinh phổ thông Việt Nam ra trường có khả năng
song ngữ không thua gì các học sinh nước khác như Singapore, Philippines...
chắc chắn sớm thành sự thật nếu chúng ta tạo cơ hội cho họ ngay trên ghế nhà
trường”, GS. Võ Tòng Xuân chia sẻ.
* Đã đăng TBKTSG Online
4-8-2018:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét