Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Vỡ đập thủy điện ở Lào không ảnh hưởng tới ĐBSCL

Huỳnh Kim ghi

(TBKTSG Online) - PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, cho rằng vỡ đập thủy điện ở Lào không ảnh hưởng tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hơn nữa, lũ lớn sắp về khu vực này là điều đáng mừng.

Vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi tại Attapeu ở Nam Lào đã làm hàng chục người chết,
hàng trăm người mất tích. Ảnh: Reuters.
* TBKTSG Online: Thưa ông, việc vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi tại Attapeu ở Nam Lào đêm 23-7 đã làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, hàng chục người chết, hàng trăm người mất tích. Thảm họa này có ảnh hưởng đến ĐBSCL của Việt Nam hay không?

PGS.TS. Lê Anh Tuấn
- PGS.TS Lê Anh Tuấn: Thảm họa vỡ đập này không ảnh hưởng ĐBSCL vì đây là hồ chứa thủy điện không lớn, lượng nước xả xuống hạ du chỉ 5 tỉ mét khối nước, không đáng kể so với dung tích Biển Hồ ở Campuchia. Dòng nước này từ Lào chảy về Campuchia sẽ bị Biển Hồ điều tiết nên khi đến Việt Nam sẽ không gây ngập úng cho ĐBSCL.

- Theo ông, vì sao đập này bị vỡ? Bài học ở đây là gì?

- Vỡ đập ở Lào cho thấy hạn chế về năng lực quản lý và khả năng kiểm soát sự cố công trình trước những bất thường của thiên nhiên, cho dù công trình này do những nhà thầu lớn như Hàn Quốc thực hiện. Cần nhắc lại là khoảng một năm trước, ở phía Bắc của Lào đã bị vỡ một đập thủy điện và cả hai đập thủy điện này đều đang còn trong quá trình thi công chứ chưa vận hành. Nếu đã vận hành mà vỡ đập thì thảm họa sẽ khôn lường.

Bài học là cho thấy việc làm thủy điện bây giờ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về lý thuyết thì thủy điện có thể điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt nhưng nó chỉ đúng khi mưa gió bình thường còn khi mưa lũ lớn và bất thường thì thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro, như thảm họa ở Lào vừa rồi.

Hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong.
* Mưa lũ cũng đang tăng ở thượng nguồn sông Mekong và ngành chức năng dự báo năm nay lũ lớn sẽ về ĐBSCL sớm. Theo ông, phải đối phó ra sao?

- Năm nay ĐBSCL có lũ sớm, lớn hơn 2 năm trước nhưng là điều đáng mừng hơn là lo lắng. Lũ sẽ đem lại nhiều nguồn lợi thủy sản hơn, phù sa nhiều hơn và môi trường được cải tạo tốt hơn.

Tuy vậy, khó khăn là cần theo dõi diễn biến và hạn chế thiệt hại có thể xảy ra như với lúa hè thu sớm có thể không kịp thu hoạch. Các nơi này phải gia cố bờ bao, tăng cường tiêu úng và tập trung nhân lực thu hoạch sớm. Ngoài ra cần lưu ý bảo vệ trẻ em mùa lũ.

* Đã đăng TBKTSG Online 25-7-2018:

Không có nhận xét nào: