Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Mục tiêu lớn nhất là nâng cấp thành trường xuất sắc, được thế giới công nhận

9/11/2018 - 23:04

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đang thực hiện dự án ODA bằng nguồn vốn vay trị giá 105,9 triệu USD của Nhật Bản song song với việc tự chủ đại học. Dự án này đang được làm tới đâu? - Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS) TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, trao đổi với chúng tôi xoay quanh câu chuyện này.


GS.TS Hà Thanh Toàn


Sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ - ẢNH: H.KIM

* Thưa Giáo sư, điều kiện và yêu cầu của dự án ODA này là gì?


- Mục tiêu lớn nhất của Dự án là nâng cấp Trường ĐHCT thành trường xuất sắc, được thế giới công nhận. Để làm được điều đó thì phải đạt được 4 tiêu chí quan trọng: Thứ nhất, có đội ngũ giảng dạy đạt chuẩn thế giới; thứ hai, có điều kiện học tập, thực hành đạt chuẩn thế giới; thứ ba, có nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề của địa phương đạt chuẩn thế giới và khu vực được công bố trên các tạp chí khoa học thế giới; thứ tư là phải có tỷ lệ sinh viên quốc tế nhất định.

* Kh năng nhà trường đáp ng các mc tiêu ra sao, thưa Giáo sư?

- Để làm được 4 mục tiêu đó, Dự án có 4 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là đầu tư đào tạo nguồn lực con người thông qua hiệp hội các trường đại học do Nhật Bản hỗ trợ, trong đó có 9 trường ĐH trên thế giới. Trong hợp phần này, có đào tạo 63 tiến sĩ tại các trường được chọn lọc tại Nhật Bản. 63 tiến sĩ này làm việc trong 3 lĩnh vực ưu tiên mà nhà trường đầu tư là nông nghiệp, thủy sản và môi trường để xây dựng chương trình đào tạo thu hút sinh viên quốc tế và chương trình đó cũng là đặc thù của ĐBSCL.

Hợp phần thứ hai là xây dựng cơ sở hạ tầng. Sẽ có 2 gói thầu xây dựng 3 tòa nhà trị giá trên 700 tỉ đồng, gồm có các phòng thí nghiệm ưu tiên trong lĩnh vực thủy sản, môi trường, công nghệ sinh học, kỹ thuật công nghệ.

Hợp phần thứ 3 là xây dựng tòa nhà kỹ thuật công nghệ cao, trong đó đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại cho đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Hợp phần thứ tư thuộc về quản trị đại học và nghiên cứu khoa học. Trong hợp phần này, sẽ đào tạo thạc sĩ quản trị đại học, quản trị chất lượng, đánh giá chất lượng và làm 36 đề tài nghiên cứu giải quyết những vấn đề của ĐBSCL với sự kết nối giữa giảng viên của Trường ĐHCT và giảng viên của các trường đại học Nhật Bản. Kết quả được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế.

* Thời gian thực hiện dự án là 2016-2021. Giáo sư có thể cho biết, đến nay, dự án đã được thực hiện đến đâu?

- Trường ĐHCT đã ký khởi động Dự án từ tháng 10-2016. Với hợp phần đầu tiên, đã gởi đi đào tạo 25 tiến sĩ, số còn lại năm nay và sang năm đi tiếp. Hợp phần này đang triển khai tốt và dùng ngân sách đối ứng của quốc gia.

Hợp phần thứ 2 đang chậm tiến độ do phải tách ra từ những dự án xây dựng đã có được quản lý theo quy định của Việt Nam với dự án ODA nên phải làm lại từ đầu. Quyết định về dự án này đã 7 tháng nay mà chưa ngã ngũ giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tư vấn Nhật Bản đã hoàn chỉnh thiết kế chi tiết tòa nhà, JICA đã phê duyệt và gởi lên hai Bộ từ 7 tháng rồi. Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn; phải chờ đợi hai Bộ này phối hợp ra quyết định phê duyệt.   

Hợp phần thứ 3, gói thiết bị trị giá 148 tỉ đồng đã đấu thầu và đang chuẩn bị xây dựng, đúng tiến độ.

Với hợp phần đào tạo quản trị đại học thì đã gởi đi huấn luyện ngắn hạn cho trên 20 người, 4 người sẽ đi tiếp; 36 đề tài nghiên cứu thì trên 10 đề tài đã được triển khai, sang năm triển khai tiếp.

Như vậy chỉ có hợp phần xây dựng cơ bản phải làm lại từ đầu và trường đã làm hết sức mình. Chúng tôi chỉ mong có tiếng nói của Chính phủ về cơ sở pháp lý để giúp Trường ĐHCT.

* Các tnh, thành vùng ĐBSCL đón nhn d án này như thế nào, thưa Giáo ?

- Cho tới giờ thì dự án do chính Trường ĐHCT chủ động. Các tỉnh thành ĐBSCL ủng hộ rất nhiệt tình đối với các đề tài nghiên cứu triển khai tại tỉnh mình; đã giúp các giảng viên của trường và chuyên gia quốc tế đến làm việc tại địa phương. Vấn đề quan trọng hơn là về đào tạo, các tỉnh xác định sẵn sàng ủng hộ nguồn sinh viên, nguồn cán bộ tham gia dự án.

* Quá trình thực hiện dự án này liên quan ra sao tới việc Trường ĐHCT quản trị  theo mô hình công ty mà Giáo sư từng nói với báo giới?

- Tới nay, ngân sách Trường ĐHCT được sử dụng chủ yếu từ học phí, 15% từ các đề tài hợp tác quốc tế và địa phương, 10% từ ngân sách nhà nước. Nếu Trường ĐHCT thực hiện tự chủ, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nữa và nếu chúng tôi đủ điều kiện để quyết định học phí phù hợp với thu nhập của ĐBSCL thì mọi hoạt động của Trường ĐHCT đều công khai, minh bạch theo quy định của Nhà nước nhưng vận hành của nhà trường như một công ty. Trường có báo cáo thường niên, công khai các nguồn đầu tư và hiệu quả thực hiện; có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, bao nhiêu thầy cô giáo được đào tạo tiến sĩ, bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học được xuất bản trên thế giới và những kết quả đó được đánh giá ra sao, vị trí, thương hiệu, chất lượng của Trường ĐHCT ra sao.

Trường vừa thành lập Hội đồng Trường ĐHCT gồm 25 thành viên với sự tham gia của lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL, của doanh nghiệp và cựu sinh viên, giảng viên. Hội đồng sẽ giúp nhà trường hoạch định tất cả chiến lược xây dựng và phát triển Trường ĐHCT như là một hội đồng quản trị của một doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là phải đào tạo ra lớp sinh viên chất lượng cho hội nhập và có công ăn việc làm. Hiện nay đã có trên 90% trong số khoảng 10.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trong 2 khóa liền, sau 6 tháng đã có việc làm.

Chúng tôi tin tưởng sau khi thực hiện đầy đủ được 4 tiêu chí của dự án ODA này, nhất là về chất lượng, thì sẽ đạt được mục tiêu xây dựng Trường ĐHCT xuất sắc, nằm trong top 200 trường hàng đầu của châu Á – Thái Bình Dương.  
       
* Vy Giáo sư đề xut gì thêm?
    
- Quá trình tự chủ này khó nhất là vấn đề cơ chế tự chủ. Tự chủ về tự do học thuật, tự do nghiên cứu khoa học, tự do về tài chánh của nhà trường. Trường ĐHCT mong muốn đạt được một cơ chế thoáng nhất hiện nay là cơ chế của hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cho phép giám đốc nhà trường quyết định.

* Xin cảm ơn Giáo sư!


HUỲNH KIM (thực hiện)

* Đã đăng Báo Cần Thơ 9-11-2018:

Không có nhận xét nào: