Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Xuất khẩu sang Mỹ: Làm kỹ và kiên trì sẽ thành công

Huỳnh Kim
Thứ Hai,  5/11/2018, 19:02

(TBKTSG Online) - Tại buổi tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu nông sản của thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL sang thị trường Mỹ” vào chiều nay 5-11 tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (Can Tho Promotion Agency - CPA), hai chủ doanh nghiệp đang làm ăn với Mỹ đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp: hãy làm thật kỹ lưỡng theo luật và kiên trì sẽ thành công.

Cận cảnh thương mại Việt - Mỹ 2018
Tọa đàm về xuất khẩu hàng nông sản ĐBSCL sang Mỹ tại Cần Thơ chiều ngày 5-11-2018. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Simon Ký Trần, Giám đốc Công ty Bfarmusa, một nhà môi giới nhập khẩu hàng nông sản sang Mỹ, sống ở Mỹ 38 năm nay, đã tư vấn xuất khẩu thành công cho nhiều doanh nghiệp trong đó có sản phẩm gạo ở Cần Thơ, đường của Tập đoàn Thành Thành Công (Tây Ninh) sang Mỹ. Riêng với sản phẩm đường khuôn của Thành Thành Công, ông Simon Ký Trần cho biết phải mất hai năm mới xong nhưng công ty vẫn kiên trì làm đúng mọi thủ tục theo luật của hai nước, nhất là với hệ thống luật của Mỹ.

Ông lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng nông sản vào Mỹ phải đảm bảo chất lượng hàng hóa và phương thức thanh toán.

Với chất lượng, cần thực hiện nghiêm chữ "sạch", nghĩa là hoàn toàn tự nhiên, không can thiệp hóa chất hay hương liệu; có nguồn gốc giống sạch, phân bón sạch, phương thức trồng sạch, thu hoạch, chế biến, bảo quản sạch, xuất khẩu sạch. Đó là tiêu chuẩn tối thiểu; cao hơn, với sản phẩm hữu cơ, Mỹ còn có các tiêu chuẩn khắt khe hơn như kiểm tra định kỳ tại nơi sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần "nằm lòng" quy tắc "không bán chịu". “Chỉ khi có bảo lãnh tín dụng của ngân hàng thì mới xuất hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không rơi vào cảnh "đi đòi nợ" vô cùng gian nan, tốn kém khi đối tác ở quá xa, với nhiều sự khác biệt về pháp lý”, ông Simon Ký Trần nói.

Theo bà Nguyễn Vũ Minh Tâm, Giám đốc Công ty GOL, Ltd, đơn vị chuyên hỗ trợ doanh nghiệp xin chứng chỉ FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) xuất khẩu sang Mỹ, thì với xu hướng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp ĐBSCL cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận, rút ngắn thời gian giao dịch và tiếp cận tối đa lượng khách hàng tiềm năng ở Mỹ.

Bà Tâm lưu ý các doanh nghiệp ĐBSCL cần tránh các nhóm mặt hàng rất khó xuất khẩu sang thị trường Mỹ như đồ chơi trẻ em, dược phẩm, vải và sản phẩm may mặc, bia rượu và thực phẩm chế biến.

Đối với hàng nông sản, bà Tâm nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng khâu tìm hiểu nhu cầu thị trường và hành lang pháp lý của Mỹ. Ngoài tiêu chuẩn bắt buộc của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ như giấy chứng nhận nguồn gốc nông trại, còn có các loại giấy phép nhập khẩu theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng như các yêu cầu khác đáp ứng theo luật của từng bang, địa phương hoặc người mua.

Giám đốc Công ty GOL cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới việc phát triển thương hiệu riêng, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu (EOM) hay xuất khẩu gia công (white label) để gia tăng giá trị bền vững của sản phẩm có thương hiệu tại Mỹ. Hiện đã có một số thương hiệu của Việt Nam đứng vững và mở rộng tại thị trường Mỹ theo hướng này như sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cầu Tre..., bà Tâm dẫn chứng.

Theo Công ty GOL, năm 2017, trị giá hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ đạt gần 41,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

* Đã đăng TBKTSG Online 5-11-2018:


Không có nhận xét nào: