Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Thủ tướng: Không để tái diễn vụ đổi 100 đô la phạt 90 triệu đồng

Vân Ly
Thứ Năm,  1/11/2018, 19:17

(TBKTSG Online) – Trong phần phát biểu và trả lời chất vấn trước Quốc hội diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 1-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục có nhiều cải cách về thể chế, tăng cường điều hành Chính phủ để phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng cho biết sẽ không để tái diễn vụ việc phạt 90 triệu đồng đối với người đổi 100 đô la Mỹ gây quan tâm lớn của dư luận mới đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 1-11. Ảnh: Chinhphu.vn

Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể

Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp của thế giới sang thu nhập trung bình, tỉ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%. Hiện quy mô nền kinh tế đứng thứ 44 thế giới theo GDP và thứ 34 khi tính theo sức mua.

Thủ tướng cho biết, quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ đô la năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ đô la năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 của người dân Việt Nam chỉ đạt 230 đô la nay đã tăng lên gần 2.540 đô la (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô la).

 “Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn gấp 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần...”, ông nói.

Người đứng đầu Chính phủ còn cho biết, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỉ đô la, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 đô la. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động. Do vậy, cần chuẩn bị những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục đổi mới thể chế

Thủ tướng Phúc cho biết, muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đổi mới sáng tạo, vì thế, là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế.

Thủ tướng nói: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn. Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Nếu tất cả 63 tỉnh thành cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng".

Thủ tướng cho rằng tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của ngày hôm nay. Cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

“Cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 đô la Mỹ không đúng quy định... Đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng", ông Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉnh việc nêu gương, tăng cường kiểm tra thực thi công vụ của cấp cục, vụ, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về động lực nào cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và những năm sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế dựa vào tổng cầu tiêu dùng của hộ gia đình, đóng góp của khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.

Trong trung hạn, Chính phủ sẽ tập trung vào các động lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững hơn thông qua việc phát triển việc thành lập và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nuôi dưỡng cầu nội địa bằng nâng cao thu nhập người dân, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, phát triển đô thị theo các quy hoạch đô thị là một cực cho tăng trưởng nhanh.

"Giải pháp căn cơ là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế", ông nhấn mạnh.

Mời xem thêm:
Đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng: “Tinh thần lập pháp” ở đâu?


* Đã đăng TBKTSG Online 1-11-2018:

Không có nhận xét nào: