Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Vụ đổi 100 đô la ở Cần Thơ: Chủ tiệm vàng khiếu nại quyết định xử phạt

Chinh Phục
Thứ Năm,  1/11/2018, 19:18

(TBKTSG Online) - Ngày 1-11, ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) đã làm đơn khiếu nại yêu cầu huỷ biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt của UBND thành phố Cần Thơ.


Ông chủ tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: Chí Quốc

Theo nội dung đơn, ngày 24-1-2018, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều đã ban hành quyết định số 14 khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở của ông Lực tại căn nhà số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh. Ngày 30-1, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Cần Thơ bắt quả tang tiệm vàng thu đổi ngoại tệ 100 đô la Mỹ với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ quận Ninh Kiều).

Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế ra quyết định số 12 tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Phòng tiến hành lập biên bản và tạm giữ 100 đô la, 20 viên kim cương, 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị hơn 548 triệu đồng được cất giữ trong hộc tủ riêng tư là tài sản riêng của gia đình gia đình ông Lực.

Tại thời điểm này, Phòng Cảnh sát Kinh tế không lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 4-9, UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định 2283 xử phạt công ty 295 triệu đồng và tịch thu số kim cương, hột đá nói trên.

Ông Lực cho rằng cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác định không đúng sự thật khách quan, xử phạt vi phạm hành chính không đúng. Cụ thể, quyết định số 14 về khám chỗ ở không đúng về nội dung và hình thức. Tại quyết định này, cơ quan chức năng đã không nêu ra hành vi vi phạm của ông Lực là gì, lý do vì sao phải khám chỗ ở, không nêu rõ thời gian khám. Quyết định ban hành trước thời gian bắt quả tang hành vi vi phạm hành chính 6 ngày, kể từ ngày vi phạm 30-1, là không có căn cứ pháp luật.

Tại quyết định số 12 về tạm giữ tang vật của Công ty Thảo Lực, ông Lực cũng cho rằng không có căn cứ vì trước đó, không có một quyết định nào khám xét Công ty Thảo Lực về hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, hành vi vi phạm thu đổi ngoại tệ không được cấp phép xảy ra vào ngày 30-1, nhưng đến ngày 13-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế mới lập biên bản vi phạm hành chính là quá lâu (gần 8 tháng) là không đúng theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Kéo theo đó, Quyết định xử phạt hành chính số 2283 của UBND thành phố Cần Thơ cũng không đúng pháp luật, do căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính ngày 13-8 để ban hành, thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính ngày 13-8, thời điểm ra quyết định xử phạt là ngày 4-9 là quá thời hạn ban hành được quy định tại Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (22 ngày kể từ ngày lập biên bản).

Thứ năm, ông Lực cho rằng 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá bị tịch thu là tài sản riêng của gia đình, được cất giữ trong hộc tủ riêng tư, không được trưng bày hay bày bán, không phải là tang vật trong vụ vi phạm hành vi mua bán ngoại tệ trái phép (vụ đổi 100 đô la nói trên), nên việc tịch thu là không đúng theo trình tự tạm giữ tang vật. Bên cạnh đó, việc ra quyết định khám xét là chỗ ở ông Lê Hồng Lực nhưng Quyết định 2283 xử phạt Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực không hợp tình hợp lý, việc phạt doanh nghiệp theo lệnh khám nhà là không đúng.

Ông Lực cho rằng vụ việc kéo dài đến nay khiến gia đình, công ty chịu thiệt hại nặng nề, đời sống, kinh doanh bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông làm đơn khiếu nại này mong Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ xem xét, giải quyết.

Liên quan đến vụ việc, trong văn bản ban hành ngày 29-10 của Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho UBND thành phố Cần Thơ miễn, giảm tiền phạt cho ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hoà, quận Ninh Kiều, người đem 100 đô la đi đổi), khẳng định việc UBND thành phố ra quyết định xử phạt Công ty Thảo Lực là đúng với quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Việc xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Đối với ông Rê, việc thực hiện đổi ngoại tệ tại tiệm vàng Thảo Lực là sai quy định của pháp lệnh ngoại hối nên việc xử phạt người này theo Nghị định 96 là đúng. Tuy nhiên, ông Rê có thể làm đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử hạt hoặc đơn đề nghị giảm, miễn tiền nộp phạt. Trong văn bản tham mưu này không đề cập việc trả lại tang vật là 100 đô la cho ông Rê.


Vụ đổi 100 đô la ở Cần Thơ đã thu hút sự quan tâm tại Quốc hội

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội ngày 27-10, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, vụ việc vừa qua ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng là điển hình thiếu trong quy định, thiếu áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình.

Tại phiên chất vấn chiều 30-10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt câu hỏi: việc công an ở Cần Thơ nhân dịp một doanh nghiệp mua 100 đô la không có phép đã khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc, như vậy có đúng luật pháp hay không?

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: “Ngày 30-1, công an thành phố Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực ở thành phố Cần Thơ với hành vi thu mua 100 đô la của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Từ những căn cứ trên, công an thành phố đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà ông Lực.

Qua khám xét đã tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng và đá hột, 4 sổ sách kinh doanh và một số tang vật khác, nhưng ông Lực là chủ nhà không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất sứ, không có giấy phép mua bán ngoại tệ. Công an Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính. Căn cứ khoản a Điều 14 Nghị định 185 ngày 15/11/2013 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã xử phạt ông Lực về việc này. Hiện nay, công ty và gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt và không có khiếu nại, khởi kiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Việc khám xét nhà phải đúng luật, thực hiện đúng thời gian phạt hành chính mà 6 tháng hay 9 tháng sau rồi mới ra quyết định. Báo chí và dư luận xã hội quan tâm việc này. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật, quy định gì chưa hợp lý phải sửa cho dân nhờ.


* Đã đăng TBKTSG Online 1-11-2018:

Không có nhận xét nào: