Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Nhiều bộ, ngành còn “lạnh nhạt” với tái cơ cấu du lịch

Trung Chánh
Thứ Sáu,  29/11/2019, 14:33

(TBKTSG Online) – Tái cơ cấu ngành du lịch là nội dung trọng tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này của Việt Nam đi lên. Thế nhưng, việc triển khai tại một số bộ, ngành liên quan vẫn chưa thật sự quyết liệt.

Nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đến tái cơ cấu ngành du lịch. Trong ảnh là du khách tham quan điểm du lịch điện gió tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế du lịch Việt Nam tại Cần Thơ 2019 (VITM- Vietnam International Travel Mart- Cantho 2019) diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 29-11, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, tái cơ cấu ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Theo ông Tùng, đề án này thể hiện trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến việc làm thế nào để tạo ra môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, những thay đổi về cơ cấu quản lý các hệ thống doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực để cho du lịch phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tùng, số lượng các bộ, ngành Trung ương tham gia thực hiện đề án vẫn còn thấp. “Ở góc độ theo dõi, chúng tôi có những kiến nghị thường xuyên đến các bộ, ngành để triển khai. Nhưng, thực tế các bộ, ngành bận công tác chuyên môn nên triển khai đề án này còn rất chậm”, ông nói.

Ông Tùng dẫn chứng, trong đề án tái cơ cấu ngành du lịch, đơn vị này có đề xuất Bộ Y tế xây dựng kế hoạch để đưa các sản phẩm y tế thành các sản phẩm phục vụ cho du lịch, nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì xây dựng cơ chế, kế hoạch để đưa các sản phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa có cái này”, ông cho biết thêm và nói rằng nhiều bộ, ngành khác cũng tương tự như vậy.

Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, theo ông Tùng, nhiều địa phương triển khai tốt hơn về nhiệm vụ tái cơ cấu này. “Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế hay Thành phố Cần Thơ, thì các địa phương này triển khai cụ thể hơn”, ông cho biết và nói rằng như Đà Nẵng đã xây dựng được các sản phẩm mới.

Còn liên quan đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Tùng cho biết, Thái Lan là quốc gia đón khoảng 42 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, thì quốc gia này đã chi khoảng 70 triệu đô la cho hoạt động quảng bá và kèm theo đó có rất nhiều cơ quan đại diện xúc tiến du lịch tại nước ngoài.

“Tuy nhiên, chúng ta hiện nay đạt con số xấp xỉ 18 triệu lượt khách và năm 2020 đạt khoảng 20 triệu lượt, nhưng chúng ta chưa có một cơ quan đại diện xúc tiến nào ở nước ngoài”, ông Tùng cho biết và nói rằng hoạt động quảng bá, xúc tiến như vậy là chưa tương xứng.

Chính vì vậy, theo ông Tùng, để đạt mục tiêu đón 47-50 triệu lượt khách thời gian tới, thì rất cần hình thành các tổ chức xúc tiến ở nước ngoài, mà cụ thể Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng tư vấn du lịch thí điểm mô hình hợp tác công- tư thành lập hai văn phòng xúc tiến ở nước ngoài.

“Trong thời gian tổng kết mô hình này, chúng tôi báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc biệt hơn để thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại các địa bàn trọng điểm hơn”, ông cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh, đứng vào tốp các quốc gia tăng trưởng du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, phát triển du lịch của Việt Nam không đồng đều, vẫn còn những vùng trũng như ĐBSCL.

“Là vùng đất giàu tài nguyên du lịch, nhưng phát triển du lịch ở đây khá chậm, cả về lượng khách, sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch và cả công tác xúc tiến”, ông Thọ cho biết.

Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế và là Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL đánh giá du lịch của Việt Nam nói chung và đặc biệt là của ĐBSCL có ba điểm nghẽn nổi lên: thứ nhất, về hạ tầng du lịch của ĐBSCL; thứ hai, là sản phẩm du lịch và thứ ba là về nguồn nhân lực.

Từ ba điểm yêu như nêu trên, ông Hiệp yêu cầu cần phải tập trung vào giải quyết những điểm nghẽn, yếu kém đó của du lịch vùng ĐBSCL.

Cụ thể, việc liên kết hợp tác về mặt lâu dài, thì đầu tiên phải giải quyết được việc tổ chức, thực hiện các quy hoạch, không chỉ trong ngành du lịch mà kể cả tổng thể ngành giao thông; thứ hai, phải tạo ra sản phẩm độc đáo hấp dẫn, không chỉ dựa vào điều kiện tài nguyên sẵn có, mà phải có đầu tư và cuối cùng là nâng cao nguồn nhân lực. “Ba vấn đề đó cần phải ưu tiên”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 13%

Báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, du lịch Việt Nam đón gần 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; phục vụ 72,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó, có 36,8 triệu lượt khách lưu trú.

Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 575.200 tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về hệ thống cơ sở lưu trú, tính đến năm 2018, toàn ngành du lịch có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 phòng. Trong đó, có 423 khách sạn 4-5 sao được công nhận với 86.015 phòng, chiếm 15,6% trong tổng số phòng cả nước.
Về hệ thống doanh nghiệp lữ hành, tính đến hết tháng 10-2019, cả nước có 2.537 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó, có 932 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.578 Công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân, theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

350 DN tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ 2019

Khách tìm hiểu sản phẩm du lịch tại gian hàng tỉnh Đồng Tháp trong khuôn khổ VITM- Cần Thơ 2019 vào sáng ngày 29-11. Ảnh: Huỳnh Kim

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ 2019 với chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước” đã chính thức khai mạc, thu hút 350 doanh nghiệp tham gia.

Hội chợ thu hút 320 gian hàng của 350 doanh nghiệp du lịch (lữ hành, khách sạn, hành không, nhà hàng, quản lý điểm đến…) và cơ quan xúc tiến du lịch đến từ 6 quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ, Cuba, Nhật Bản, Thái Lan, Malyasia) và trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là sự kiện du lịch lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức ở Cần Thơ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có tác động thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo ông, trong quy hoạch xây dựng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu của vùng là trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong, mang tầm quốc gia và quốc tế với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo.


Hội chợ diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12 tại Cần Thơ. Trong thời gian diễn ra sự kiện, có hàng nghìn sản phẩm du lịch khuyến mãi đến 50%, bao gồm trên 10.000 tour trong nước và quốc tế, trên 5.000 phòng khách sạn, vé máy bay, trên 5.000 vé tham quan và voucher khuyến mãi... sẽ được các doanh nghiệp chào bán trực tiếp.

Đã đăng trên TBKTSG:

Không có nhận xét nào: